Nhóm này đã giải quyết vấn đề trên bằng cách đuổi đánh nhau với hung khí là dao và tuýp sắt, hậu quả là một trong số đó bị thương tích vùng đầu, xây xước chân tay và xe bị đập phá.
Từ mâu thuẫn bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm đến những hiểu lầm, rạn nứt trong chuyện tình cảm lứa đôi, chuyện riêng tư lại biến thành chuyện chung khi công khai trên mạng và để cho cộng đồng mạng phán xét khi chưa rõ thực hư, đúng sai. Thậm chí, nhiều người trước đó chưa hề quen biết, nhưng chỉ vì không hài lòng phát ngôn của đối phương trên mạng, liền đáp trả qua lại gay gắt. Đáng nói, không ít vụ việc bị đẩy lên cao trào, mất kiểm soát, thậm chí có thể đi đến xung đột trực tiếp.
Một cô gái vừa rơi vào trạng thái trầm cảm khi bị người khác đăng bài trên mạng xã hội để vu khống việc quỵt tiền nợ, mặc dù đã cung cấp những bằng chứng minh oan cho mình, nhưng nhiều người dù không hiểu thực hư, đúng sai đã lao vào chửi bởi thậm tệ. “Tôi cảm thấy ức chế vì mình bị vu oan trên mạng xã hội, nhiều người không hiểu rõ câu chuyện vẫn tranh nhau phán xét, tôi bị khủng hoảng tinh thần vì liên tục bị đám đông nhắn tin chửi bới”, cô gái nói.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trương Văn Vỹ (Chuyên gia Xã hội học) cho biết, mạng xã hội là một mạng công cộng, cho nên hiệu ứng đám đông rất mạnh, không cần biết thực hư, cứ nghe nói một người nào đó lừa đảo hay là người xấu thì họ ngay lập tức ùa vào chửi bới, lăng mạ người bị đưa tin lên. Người sử dụng mạng xã hội trước khi đưa tin lên mạng xã hội để giải quyết vấn đề, cần phải thật bình tĩnh để suy xét xem liệu là có giải quyết được vấn đề hay không, hay chỉ làm nó trở nên trầm trọng hơn.
Theo Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng, hành vi lợi dụng mạng xã hội để chửi bới, xúc phạm hoặc đưa những thông tin bịa đặt, không đúng sự thật, sự việc gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức sẽ có hai hình thức xử phạt lần lượt là phạt 7 triệu đồng nếu vi phạm hành chính và mức tù từ 5 – 7 năm đối với hành vi bị truy xét trách nhiệm hình sự.