Với tốc độ phát triển của cuộc sống hiện nay, trẻ em sớm được tiếp cận với công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội (MXH). Tuy nhiên việc để trẻ tiếp xúc quá sớm với MXH mà không có sự hướng dẫn hay giám sát phù hợp đã mang đến nhiều hệ lụy, một trong số đó là một số trẻ hành xử kém văn minh trên không gian mạng.
Vô tình nhìn thấy bài đăng trên MXH của con với những lời lẽ không hay về một người bạn cùng lớp, chị N.T.Y (TP.HCM) cảm thấy sốc và thất vọng, bởi con chị vốn rất ngoan và nghe lời. Bên dưới bài đăng, rất nhiều bạn bè cùng tuổi con cũng có những phát ngôn khó nghe, thậm chí dung tục. Tức giận và lo lắng cho con, chị tự trách mình đã không quan tâm, giám sát con trên môi trường mạng.
Thực tế có rất nhiều phụ huynh gặp chuyện tương tự nhưng không phải ai cũng đủ bình tĩnh để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Khi biết con có những hành động tiêu cực, những lời lẽ chê bai bình phẩm hay nói xấu lẫn nhau trên mạng, phụ huynh có tâm lý lo lắng muốn can thiệp ngay, tuy nhiên càng phản ứng gay gắt càng khiến vấn đề trầm trọng hơn, trẻ càng thêm chống đối và không nhận ra cái sai của mình.
Hiện nay trẻ được dùng điện thoại và có tài khoản trên MXH ngày càng sớm. MXH trở thành nơi trẻ bày tỏ suy nghĩ của bản thân, thích thể hiện nhưng lại chưa đủ nhận thức khiến trẻ sa vào những hành động, lời lẽ không hay. Hành xử kém văn minh trên mạng cho thấy sự bất ổn của đời sống thực, đòi hỏi cha mẹ phải nắm bắt được tâm tư khó khăn của trẻ để tìm ra giải pháp chứ không phải phán xét hay trách phạt trẻ một cách tiêu cực.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy - Chuyên gia tâm lý: “Nó liên quan đến tâm trạng nổi loạn của con mà không có nơi, bối cảnh, cơ hội bộc lộ tích cực, nên con thường có xu hướng thể hiện bản thân ở những điều tiêu cực. Trẻ có tâm lý học theo bạn bè, ở tuổi này nếu trẻ chơi với bạn tốt thì học được điều tốt, nếu tham gia vào nhóm bạn xấu, tâm lý nhóm ảnh hưởng mạnh đến các con, vì thế cha mẹ buộc phải quan tâm nhóm bạn trong lớp. Một nguyên nhân nữa là xung đột tuổi dậy thì, các con không có kênh chia sẻ thì các con bộc lộ bằng những status hoặc tham gia nhóm antifan trên mạng”.
Nữ tiến sĩ khuyên các bậc phụ huynh cần trò chuyện với trẻ càng sớm càng tốt, xem trẻ có xung đột với ai hay có vấn đề gì. Đừng vội phê phán, ngăn chặn, đừng bắt trẻ xóa hay làm gì đó. Điều đầu tiên là ngồi xuống tìm hiểu tâm tư tình cảm, lý do có hành động, lời nói đó. Khi chúng ta hiểu rồi mới bắt đầu gỡ tâm lý rối loạn của trẻ, lựa lời phân tích cho trẻ đăng như vậy gây hậu quả gì cho con và cho người khác.
Clip Dạy con cách hành xử văn minh trên mạng