Bà con tiểu thương ở khu chợ Nguyễn Đình Chiểu, quận Phú Nhuận, TP.HCM không còn xa lạ với hình ảnh anh Dương hằng ngày đi chợ, anh khá thuần thục trong việc lựa chọn thực phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của gia đình, đó là một trong những niềm vui, niềm hạnh phúc của anh. Ai nghĩ gì thì nghĩ, miễn điều này mang lại hạnh phúc cho vợ và con, đối với anh, việc người đàn ông đi chợ, rửa chén, nấu cơm là điều hết sức bình thường, không hề thua kém ai.
Trường hợp của anh Mẫn cũng là một câu chuyện chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái tiêu biểu khác. Hai vợ chồng anh sở hữu một quán ăn gia đình gần nhà. Buổi sáng, vợ anh đứng bán ở quán, còn anh có trách nhiệm đưa con đến trường và chuẩn bị bữa trưa cho gia đình, sau bữa cơm trưa, anh đưa con đi học buổi chiều rồi ghé quán trông coi đến tối. Lúc này ở nhà, vợ anh sẽ lo chuyện bếp núc, chăm sóc con cái.
Việc cùng nhau gánh vác, san sẻ công việc buôn bán và công việc nhà giúp vợ chồng anh Mẫn duy trì công việc kinh doanh, mà vẫn có thời gian chăm sóc gia đình, con cái.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Dũng (Giảng viên tâm lý học – Đại học Quốc tế EIU) cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, mưu sinh của gia đình không còn chỉ có người đàn ông nắm giữ, mà đôi lúc cả hai giới đã ngang bằng với nhau, cho nên việc đàn ông nội trợ là một khía cạnh san sẻ vô cùng tích cực. Việc đàn ông nội trợ trong một gia đình còn diễn tả một chiều kích trách nhiệm, đó là cùng sẻ chia, gánh vác tất cả những gì liên quan đến tổ ấm của mình”.
Thực tế, khi người đàn ông ở nhà làm nội trợ, để vợ đảm nhận tài chính, nhiều khả năng sẽ đối mặt với không ít áp lực, đặc biệt là sự đánh giá từ người khác, nhưng mỗi người đều có khả năng của mình, nếu vợ hoặc chồng ai có thể tạo ra thu nhập tốt hơn, thì người đó ra ngoài lo tài chính, người còn lại lui về lo gia đình. Mặt khác, việc người đàn ông lùi lại phía sau người vợ và sẵn sàng làm công việc nội trợ, không có nghĩa là họ thất bại, bởi việc nhà, chăm sóc con cái là rất vất vả.
Dĩ nhiên, người đàn ông nội trợ cũng nên giữ cho mình những mối quan hệ xã hội, tham gia các hoạt động để vừa duy trì, trai dồi khả năng của bản thân, vừa giữ sự tự tin. Ở chiều ngược lại, người vợ cũng đừng quá phụ thuộc vào lời nói của người ngoài mà hãy tự xây dựng hạnh phúc cho gia đình mình bằng cách trân trọng và ghi nhận sự đóng góp của người đàn ông làm nội trợ, từ đó sẽ giúp gắn kết và nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo nền móng vững chắc cho một gia đình hạnh phúc.