Ông Hisao Manabe là người sáng lập ra thương hiệu thời trang Momotaro Jeans, hơn thế, ông còn được biết tới là người làm sống dậy thị trấn quê nhà Kojima (Nhật Bản), biến nơi đây trở thành chốn sôi động của thị trường thời trang denim.
Kojima vốn được biết tới là một thị trấn miền biển sôi động, là nơi chuyên sản xuất, buôn bán vải vóc. Kojima nằm ở tỉnh Okayama của Nhật, nơi đây, người dân vốn trồng bông từ bao đời. Nhưng vì dân số ngày càng ít đi, già hơn, còn người trẻ thì đổ về thành phố sôi động để tìm kiếm cơ hội việc làm, nên các hoạt động buôn bán ở đây dần trở nên lặng lẽ, đìu hiu.
Nhưng sau một thời gian, Kojima được thổi một làn gió mới đầy sức sống nhờ ông Hisao Manabe, ông là người đi đầu trong nhiều kế hoạch giúp hồi sinh thị trấn "ngủ quên". Chẳng hạn, con phố dài 600 mét được thiết kế theo chủ đề về thời trang denim chạy xuyên qua thị trấn Kojima chính là do ông khởi xướng thực hiện.
"Tôi mong thị trấn quê nhà có thể sống động hơn. Khi nghĩ xem mình có thể làm gì, tôi liền thực hiện một con phố ngập tràn đồ jeans. Tôi hy vọng người dân Nhật Bản cũng như du khách quốc tế nếu có cơ hội tới đây sẽ mua thật nhiều đồ jeans. Tôi hy vọng nơi đây sẽ được biết tới là thị trấn của đồ denim, đồ jeans đẳng cấp", ông Hisao Manabe nói.
Được thực hiện từ năm 2010, con phố đồ denim quy tụ hơn 40 thương hiệu thời trang denim, mỗi thương hiệu lại có nét riêng, chẳng hạn có thương hiệu chuyên về thời trang denim cổ điển, có thương hiệu tập trung vào thời trang denim mang phong cách trang trọng, có nhãn hiệu chuyên về denim dành cho nữ giới, hãng của ông Hisao Manabe lại chuyên về đồ denim may đo...
Khi tới thăm thị trấn Kojima, bạn sẽ ngay lập tức cảm nhận được tinh thần của một làng nghề, của những con người đam mê thời trang denim.
Giờ đây, có rất nhiều cửa hàng lưu niệm, triển lãm, quán cafe, nhà hàng... xuất hiện trong thị trấn, còn thời trang denim thì xuất hiện ở khắp nơi.
Khởi đầu sự nghiệp, ông Hisao Manabe đã làm việc cho nhiều thương hiệu chuyên về đồ denim, ông thực sự đam mê và thấu hiểu cặn kẽ về lĩnh vực này, sau này, khi đã có khả năng nhất định, ông quay trở về quê nhà để gây dựng thương hiệu của riêng mình và còn gây dựng cả một làng nghề denim chuyên cung cấp những sản phẩm chất lượng.
"Không cần biết chúng ta bỏ ra bao nhiêu công sức vào công việc của mình, nếu chúng ta không biết cách trưng trổ ra, sẽ không ai biết đến cả. Chúng tôi biết cách làm đồ denim chất lượng và muốn gây dựng nên những thương hiệu bền vững", ông Hisao Manabe chia sẻ.
Về thương hiệu Momotaro của ông Hisao Manabe, thương hiệu này bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2006, ông đã gây dựng được một lượng khách hàng trung thành cả ở trong và ngoài nước Nhật.
Dòng sản phẩm đồ jeans may đo thượng hạng của ông có danh sách khách hàng chờ kéo dài tới... một năm và mức giá không hề rẻ, có thể lên tới 200.000 yên cho một chiếc quần jeans (tương đương 44 triệu đồng).
Chia sẻ về lý do tại sao sản phẩm của mình có mức giá cao tới vậy, ông Hisao Manabe cho biết: "Tôi thực hiện những thiết kế jeans cổ điển với chất lượng cao nhất, bằng tinh thần nghệ nhân và sự làm việc tỉ mỉ chăm chút tới từng chi tiết, trong suốt quá trình thực hiện, chúng tôi tập trung đến mức gần như ám ảnh về chất lượng của sản phẩm mà mình tạo ra".
Ông Hisao Manabe nhập về sợi bông chất lượng hàng đầu thế giới, nhuộm bằng tay cho sợi bằng bột cây chàm thảo mộc tự nhiên, sợi sẽ được nhuộm đi nhuộm lại tới 30 lần bằng phương pháp thủ công. Để làm ra một chiếc quần jeans, người ta cần khoảng 5 bó sợi bông.
Sau khi sợi được nhuộm xong, bắt đầu công đoạn dệt thủ công bằng phương pháp truyền thống, tất cả được làm bằng tay trên khung cửi. Cần khoảng một tuần để dệt xong mảnh vải dùng để may một chiếc quần jeans. Thương hiệu của ông Hisao Manabe sẽ chỉ thực hiện khoảng 4 chiếc quần jeans loại thượng hạng trong vòng một tháng.
"Tôi tin rằng chất lượng đồ jeans sẽ tốt hơn khi việc dệt vải diễn ra từ tốn, chậm rãi. Nếu là người trong nghề, bạn sẽ biết rõ ràng sự khác biệt giữa hai mảnh vải denim được dệt nhanh và dệt chậm.
"Quá trình dệt đòi hỏi sự kiên nhẫn. Đôi khi chúng tôi cũng phải nhận những ý kiến chê bai, cho rằng chúng tôi ngốc nghếch, khờ khạo, bỏ lỡ cơ hội làm ăn sinh lời lớn, nhưng chúng tôi cần biết rõ đâu là điều mà chúng tôi ưu tiên hướng đến", ông Manabe cho hay.
Đối với các mặt hàng bình dân hơn của thương hiệu Momotaro, mọi việc cũng không giản đơn hơn nhiều. Các mặt hàng tầm trung của thương hiệu này cũng được sản xuất một cách từ tốn, chậm rãi, cẩn thận, tỉ mỉ tới từng chi tiết. Mỗi tuần, họ chỉ thực hiện khoảng 100 sản phẩm tầm trung.
Bích Ngọc
Theo CNA