Những ngày qua, việc cùng góp lên tiếng nói bảo vệ di sản Nhà thờ Bùi Chu trở thành mối quan tâm lớn của đông đảo mọi người. Suy cho cùng, những gì mọi người làm và nói, cũng chỉ vì lòng tử tế, sự trắc ẩn xót xa đối với di sản của tiền nhân để lại cho chúng ta và thế hệ mai sau. Tuyệt nhiên không một chút mảy may nghĩ tới sẽ được gì cho bản thân mình. Ngược lại, chỉ có những nhọc lòng, mệt mỏi và cả những thiệt hại về tiền bạc, thời gian.
Trong lần cuối cùng nhắc lại, để khép câu chuyện này, xin được gác qua những cảm xúc của một con chiên tội lỗi (vẫn nguyên vẹn), mà chỉ với chuyên môn kiểm định xây dựng, để mong có được chút sáng tỏ nào đó, để nuôi hy vọng rằng: sẽ không có đâu những thước phim “hạ giải” Bùi Chu, như những thước phim về Trà Cổ vẫn đang được phát đi phát lại trên các phương tiện truyền thông, trong các chương trình phóng sự về phá hoại di sản.
Việc xác định đề xuất phương án cải tạo, trùng tu, hay đại tu, thậm chí phải tháo dỡ công trình... bắt buộc phải trải qua công tác khảo sát, quan trắc, kiểm định... đầy đủ, kỹ càng, khoa học. Nói nôm na, cũng như quy trình khám chữa bệnh trong y học, để có thể xác định được một phác đồ chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân, bắt buộc phải có các kết quả xét nghiệm đầy đủ và từng bước, từ lâm sàng đến chuyên sâu, để làm cơ sở cho việc hội chẩn. Không thể chỉ thấy bệnh nhân đã già yếu, mắt trợn tròng, miệng ú ớ... là kết luận đã hết cách và cấp ngay giấy chứng tử.
Trở lại trường hợp các công trình xây dựng, nhất là các công trình đã có tuổi thọ tính bằng thế kỷ, có công năng phục vụ đông người, có sức ảnh hưởng rộng lớn, có giá trị biểu tượng cao cho một vùng đất, cho một tôn giáo, một trường phái nghệ thuật; hay thiêng liêng hơn nữa, còn là chứng nhân cho cả một lịch sử gieo giống Tin mừng từ thuở ban đầu và chăm bón nuôi dưỡng Đức tin, với cái giá phải trả bằng biết bao xương máu của tiền nhân, của các Thánh Tử đạo suốt hàng trăm năm cho đến nay, như trường hợp Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu.
Để có thể đi đến một quyết định phải xóa sổ vĩnh viễn khỏi mặt đất này, chắc chắn những người liên quan đã phải trải qua những trăn trở suy nghĩ, những cân nhắc thiệt hơn, những cầu nguyện phó thác; và bắt buộc, sẽ phải cân đong đo đếm bằng những con số, những kết quả khảo sát quan trắc đầy đủ, khoa học, đáng tin cậy, chứ không thể chỉ bằng cảm quan mà thấy rằng ngôi thánh đường đang bị xuống cấp cực kỳ nghiêm trọng...
Theo các chuyên gia, giáo đường Nhà thờ Bùi Chu có lối kiến trúc Ba Rốc (Baroque). Phong cách kiến trúc này bắt nguồn từ Italia vào cuối thế kỷ XVI, được thể hiện rõ nét hơn ở nội thất lộng lẫy bên trong - Ảnh: Nguyễn Đông
Trong thư của Tòa Giám mục Bùi Chu trả lời Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày 14.5.2019, có hai số liệu lần đầu tiên được công bố chính thức: Ngọn tháp bị nghiêng 15 độ, và nền bị lún 70cm.
Đối với độ nghiêng 15 độ của ngọn tháp có lẽ có sự nhầm lẫn lớn về mặt số liệu ở đây. Vì với chiều cao 35m, nếu nghiêng 15 độ, thì độ lệch của đỉnh tháp so với phương thẳng đứng sẽ vào khoảng 9m, điều này có thể khẳng định hoàn toàn không xảy ra trên thực tế công trình hiện nay.
Số liệu thứ hai, về độ lún nền 70cm. Trong thư của Tòa Giám mục không nói rõ đây là độ lún nền so với thời điểm nào. Nếu so với thời điểm khánh thành công trình vào năm 1885 thì phải có số liệu quan trắc lún trong lịch sử còn lưu trữ lại được, điều này rất khó xảy ra. Nếu không xác định được độ lún nền so với thời điểm nào trong quá khứ thì chỉ có thể xác định được tốc độ lún theo thời gian.
Để có được hai số liệu nghiêng và lún này (bao gồm cả tốc độ lún nếu có), bắt buộc Tòa Giám mục đã phải thuê một đơn vị tư vấn có chức năng kiểm định công trình, có phòng LAS theo quy định để thực hiện công tác quan trắc kiểm định.
Theo các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành quy định quy trình đo lún và nghiêng (các tiêu chuẩn TCVN 9360:2012; TCVN 9398:2012; TCVN 9399:2012; TCVN 9400:2012), bắt buộc phải có hệ thống mốc để thực hiện. Hệ thống mốc này bắt buộc phải bao gồm hệ thống mốc chuẩn và hệ thống mốc quan trắc.
Hệ thống mốc chuẩn gồm ít nhất ba mốc được dẫn về từ mốc chuẩn của quốc gia (phải mua số liệu này từ cơ quan quản lý nhà nước), các mốc này phải được xây dựng kiên cố (ép cọc bê tông cốt thép và đổ bê tông), được gắn mốc sứ trên đầu mốc, và được xây thành bảo vệ. Mục đích để hạn chế tối đa không cho hệ mốc chuẩn bị dịch chuyển hay biến dạng trong quá trình quan trắc.
Còn hệ thống mốc quan trắc có số lượng tùy theo vị trí cần lấy số liệu, được làm bằng đồng hay thép không rỉ, và phải được khoan gắn chắc chắn vào trong các cấu kiện của công trình.
Để xác định độ nghiêng, độ lún, hay tốc độ lún, ít nhất phải thực hiện bốn chu kỳ đo đạc, mỗi chu kỳ cách nhau từ một đến hai tháng tối thiểu. Khi đó mới có thể khẳng định công trình có tốc độ lún/nghiêng bao nhiêu, còn lún/nghiêng tiếp tục không? Số liệu đó thể hiện mức độ nguy hiểm nào của công trình?...
Không rõ, sau khi đơn vị tư vấn kiểm định được Tòa Giám mục thuê thực hiện xong, thì hiện các mốc trên đang được bảo quản như thế nào, các hình ảnh thể hiện quá trình quan trắc ra sao?
Nhà thờ Bùi Chu nằm giữa khoảng sân thoáng rộng. Kiến trúc cổ kính, sơn màu thổ hoàng, lợp ngói tuyệt đẹp, dài 78 m, rộng 22 m và cao 15 m với đôi tháp chuông hai bên cao 35 m - Ảnh: Nguyễn Đông
Những nội dung nêu trên, chỉ mới để bàn về hai số liệu lún và nghiêng mà Tòa Giám mục công bố chính thức. Còn để khẳng định Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu có đang xuống cấp cực kỳ nghiêm trọng hay không, có nguy hiểm đối với tính mạng của con người hay không, bắt buộc phải kiểm định, quan trắc chuyên sâu để đánh giá toàn diện mức độ nguy hiểm của công trình, từ đó mới đề xuất phương án xử lý.
Để tổ chức việc kiểm định, quan trắc này, Tòa Giám mục Bùi Chu phải thuê đơn vị tư vấn chuyên môn thực hiện, nếu nhằm mục đích biết được tình trạng thực sự của công trình, trong điều kiện công trình đang sử dụng bình thường, và có chủ trương cải tạo, trùng tu/đại tu để kéo dài tuổi thọ công trình, hay tháo dỡ xây mới nếu công trình hoàn toàn hư hỏng, tùy theo kết quả kiểm định và quan trắc mang lại.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng (trong trường hợp này là Sở Xây dựng địa phương) cũng có thể yêu cầu kiểm định, như quy định tại các Khoản 5 và 6 – Điều 40 – Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12.5.2015.
Cơ sở để đánh giá mức độ nguy hiểm của công trình được tuân thủ theo TCVN 9381:2012. Theo đó, phương pháp đánh giá bao gồm ba bước: Đánh giá mức độ nguy hiểm của từng cấu kiện; Đánh giá mức độ nguy hiểm của từng bộ phận công trình; và cuối cùng: Đánh giá mức độ nguy hiểm của tổng thể công trình.
Sau hàng loạt những khảo sát, quan trắc, kiểm định, thí nghiệm chuyên sâu trên tất cả các cấu kiện từ nền, các móng, các cột, mỗi ô tường, mái, dầm, xà gồ, trần... với thời gian thực hiện có khi kéo dài suốt nhiều tháng liên tục, mới có thể có được kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của tổng thể công trình, và được chia làm bốn cấp:
Khả năng chịu lực của kết cấu có thể thỏa mãn yêu cầu sử dụng bình thường, chưa có nguy hiểm, kết cấu nhà an toàn (Cấp A); Khả năng chịu lực của kết cấu cơ bản đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, cá biệt có cấu kiện ở trạng thái nguy hiểm, nhưng không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, công trình đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường (Cấp B); Khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ (Cấp C); và cuối cùng: Khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể (Cấp D).
Sẽ thật sự yên tâm và tin cậy nếu đơn vị tư vấn được Tòa Giám mục Bùi Chu giao trọng trách thực hiện công việc này cho Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu với đầy đủ các bước, phương pháp và nội dung chuyên sâu như trên. Khi đó, việc đề xuất và quyết định phương án cuối cùng cần cải tạo hay trùng tu; đại tu hay hạ giải xây mới công trình mới thật sự có cơ sở khoa học vững vàng.
Trong bài viết trên Người Đô Thị về Nhà thờ Bùi Chu, PGS-TS-KTS. Lê Thanh Sơn (Đại học Kiến trúc TP.HCM) cho rằng: Đã là một địa điểm thánh thiêng thì việc gìn giữ, bảo quản nó về mặt hình thức là vô cùng cần - Ảnh: Nguyễn Đông
Và nếu đã có một báo cáo với đầy đủ các cơ sở vững vàng như vậy, việc Tòa Giám mục Bùi Chu cho công bố trong thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ dành được rất nhiều sự thán phục, kính trọng và đồng thuận của tất cả những ai đang đau đáu quan tâm đến Nhà thờ Bùi Chu, cũng như của tất cả các tổ chức chuyên môn và cơ quan quản lý liên quan.
Số phận của Ngôi Thánh đường 134 năm thấm đẫm cốt nhục của tiền nhân, như một chứng tích Đức Tin vững vàng của Giáo phận Bùi Chu nói riêng, và Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung, với những giá trị di sản không thể xóa nhòa, cần xứng đáng nhận được sự quan tâm ân cần và ứng xử thận trọng, kỹ lưỡng, tận tình, trước khi có một quyết định cuối cùng nào đó sẽ đi vào lịch sử.
KS. Nguyễn Ngọc Hoài Nam (Hoạt động trong lĩnh vực kiểm định hơn 20 năm, đã soạn bộ đề thi cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát và kiểm định xây dựng cho Bộ Xây dựng)
Theo Người Đô Thị