Tin từ gia đình cho hay, học giả, nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân qua đời vào lúc 4 giờ ngày 20.5, tại nhà riêng ở TP.HCM, hưởng thọ 94 tuổi.
Học giả Nguyễn Quảng Tuân sinh năm 1925, tại làng Yên Mẫn, huyện Võ Giàng (nay thuộc huyện Quế Võ), tỉnh Bắc Ninh.
Nguyễn Quảng Tuân khi còn là học sinh Trường Bưởi ở Hà Nội đã có thơ đăng trên báo Tia sáng và Thời sự chủ nhật. Ông cũng đã viết vở kịch thơ Tiếng địch sông Ô đã được công diễn tại Nhà Hát Lớn thành phố Hà Nội và tại nhà hát thị xã Hà Tĩnh vào năm 1946.
Trong thời gian dạy học tại trường trung học Ngô Quyền, Hải Phòng vào năm 1949, ông đã cho xuất bản quyển Chu Mạnh Trinh và Thanh Tâm Tài Nhân thi tập vào năm 1953. Bắt đầu từ đó, ông để tâm nghiên cứu về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Từ năm 1955, khi làm Hiệu Trưởng trường TH Duy Tân, Phan Rang, ông đã lần lượt cho xuất bản bộ sách Giảng văn bậc trung học.
Sau năm 1975, ông Nguyễn Quảng Tuân đã đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm, đặc biệt là Truyện Kiều, mà ông đã sưu tập được nhiều bản nôm cổ. Học giả Nguyễn Quảng Tuân còn là một nhà thơ với nhiều tác phẩm về Ca trù. GS Trần Văn Khê đã có nhận xét về các tập ca trù của nhà thơ Nguyễn Quảng Tuân như sau: "Nhà thơ Nguyễn Quảng Tuân ngày nay chẳng những diễn tả được tất cả tình cảm của người xưa mà còn mở rộng ra đề tài cảm hứng... Số bài hát nói (một thể loại của ca trù) đã viết từ trước năm 2000 và một số bài mới viết gần đây cho phép tôi xác nhận rằng, từ cổ chí kim, nhà thơ Nguyễn Quảng Tuân là người sáng tác hát nói nhiều nhất và đa dạng nhất... Tôi thực sự khâm phục chẳng những kiến thức uyên thâm của tác giả, mà còn là sự sáng tạo phong phú, đa dạng của một nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu về ca trù hiếm có ở Việt Nam".
Linh cữu của học giả Nguyễn Quảng Tuân đang quàn tại nhà riêng số 53 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, Q.1 TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu vào lúc 15 giờ ngày 20.5, lễ động vào lúc 8 giờ ngày 23.5 sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Hoa Viên, tỉnh Bình Dương.
Tú Viên