Như Báo Một Thế Giới từng thông tin, chiều 26.8, nhân dịp sinh nhật thầy dạy võ thuật, một nhóm võ sinh 8 người đang học bậc THPT và THCS tại xã Vinh Hưng, H.Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) đã tổ chức đi dã ngoại, tắm biển tại vùng biển Cửa Cũ giáp ranh giữa thôn Hiền An 2, xã Vinh Hiền và thôn Hải Bình, xã Lộc Bình (H.Phú Lộc).
Trong khi tắm biển, 5 võ sinh đã bị sóng biển cuốn, 3 em được người dân cứu sống kịp thời, 2 em khác tử nạn. Ngay sau vụ tai nạn, Huyện đoàn Phú Lộc, Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế lập hồ sơ tuyên dương, đề xuất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng thưởng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho những người bất chấp hiểm nguy tham gia cứu người.
Khu vực 5 võ sinh gặp nạn, trong đó 3 em được cứu
Ngày 14.9, tại trụ sở UBND xã Lộc Bình, được sự ủy quyền của cấp trên, lãnh đạo Huyện đoàn Phú Lộc đã tiến hành trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” của T.Ư Đoàn cho 4 người, gồm: anh Huỳnh Quốc Khánh, UVTV xã Đoàn Lộc Bình, Bí thư Chi đoàn thôn Hòa An, xã Lộc Bình; anh Trần Xuân Hải, Ủy viên Ban chấp hành xã Đoàn, Phó bí thư Chi đoàn thôn Tân An Hải, xã Lộc Bình; anh Nguyễn Nhật, Phó trưởng Công an xã Lộc Bình; anh Ngô Văn Chính, đoàn viên Chi đoàn Quân sự, xã Lộc Bình.
Khi những cái tên trên được “xướng” lên trên mạng xã hội, không ít nhân chứng vụ việc lấy làm ngạc nhiên bởi trong số 3 võ sinh được cứu, có 2 nạn nhân được một số người dùng ghe máy chạy ra cứu, 1 nạn nhân được một thanh niên bất chấp hiểm nguy, suýt đánh đổi tính mạng bơi bộ ra biển mới cứu được...
Đó là anh Phan Tấn Dũng, 28 tuổi, sống ở thôn Hiền Hòa 1, xã Vinh Hiền, người mà khiến nhiều người chứng kiến sự việc lúc ấy không tiếc lời khen ngợi. Thế nhưng Huyện đoàn Phú Lộc, Tỉnh đoàn Thừa Thiên – Huế khi đề xuất lên T.Ư Đoàn lại chỉ đề xuất người đi ghe máy ra biển cứu hộ cứu nạn, mà không hề đả đụng gì đến người thanh niên đã bơi bộ vượt gần 400m sóng dữ, va bao ghềnh đá, dùng máu và nước mắt để cứu người này.
“Sóng lúc đó rất dữ, ghe máy còn đi khó huống là bơi tay, nhưng Dũng rất dũng cảm. Anh không chỉ vật lộn với sóng dữ, mà còn bị va phải đá ghềnh nên khi vào bờ chân tay tóe máu nhìn rất tội. Tôi nghĩ người tốt như anh Dũng chắc anh cũng không đặt nặng khen thưởng hay huy hiệu này kia, nhưng một khi khen thưởng thì phải đúng người và công bằng. Không chỉ thế, danh hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” là dành cho những thanh niên, những người dân bình thường (không có chức trách) đã dũng cảm quên mình cứu người, chứ không phải dành cho cán bộ có chức trách”, một người dân ở thôn Hải Bình Lộc Bình bộc bạch.
4 người, trong đó có 3 cán bộ, lãnh đạo Đoàn, công an xã Lộc Bình được phong tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” - Ảnh: Facebook Huyện đoàn Phú Lộc
Điều đáng ngạc nhiên là không chỉ bỏ quên trường hợp anh Dũng, mà trong số những người đi trên ghe máy cứu người, có hai người ở Vinh Hiền, hai người ở Lộc Bình nhưng người ở Lộc Bình thì được tuyên dương, còn hai người ở Vinh Hiền thì bỏ mặc. Ông Nguyễn Tam, Phó chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cũng là người có mặt từ đầu đến cuối quá trình cứu hộ, cứu nạn trong vụ tai nạn, bày tỏ sự hụt hẫng khi danh sách phong tặng “Tuổi trẻ dũng cảm” lại thiếu 3 người dân xã Vinh Hiền mà ông chứng kiến từ đầu đến cuối trong quá trình cứu nạn.
“Tôi có mặt khi sự việc xảy ra. Lúc ấy Dũng rất quả cảm. Anh bơi tay, vượt sóng rất dữ, anh ấy suýt tử nạn do mất sức quá nhiều. Dũng đưa được cháu học sinh gặp nạn vào bờ thì cháu ấy nói chúng tôi mới biết là ngoài biển còn hai cháu khác sắp chìm. Khi ấy ông Nguyễn Thí, gần 60 tuổi và một người dân Vinh Hiền nữa phối hợp với hai thanh biên ở Lộc Bình lấy ghe máy chạy ra ứng cứu nên cứu được thêm 2 em. Trong vụ việc Dũng là người quả cảm nhất. Tôi cho rằng nếu tuyên dương, anh Dũng mới là người đầu tiên trong danh sách ấy!” – ông Tam nói.
Vốn đã quên chuyện cứu người ngay sau vụ việc để trở về công việc thường nhật là cho thuê dàn nhạc hoặc đánh cá, nhưng khi thấy Huyện đoàn Phú Lộc đưa hình ảnh tuyên dương 4 người nhận huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” lên Facebook, anh Dũng bỗng ngậm ngùi.
Dũng kể rằng, khoảng 15 giờ 30 chiều 26.8, khi anh đang phục vụ dàn karaoke lưu động mà anh cho thuê ở thôn Hải Bình, xã Lộc Bình, gần địa điểm xảy ra tai nạn thì nghe tiếng tri hô người gặp nạn. Kinh nghiệm của một gia đình ngư dân, anh Dũng liền tìm và cắp lấy một chiếc phao (loại đính trong lưới đánh cá), một bình khí chạy nhanh lao ra biển trong sự lo ngại của nhiều người.
Sau khi đưa được nạn nhân vào bờ an toàn, anh Phan Tấn Dũng kiệt sức, nhiều nơi trên thân thể bị rách bươm, tóe máu
“Hai nách tôi mỗi bên là bình khí, bên là chiếc phao và chỉ bơi bằng chân là chính, sóng lại rất dữ nên tôi nhanh mất sức. Tôi không biết bao xa nhưng bơi khá lâu thì gặp nạn nhân, cậu ấy đang trong vòng nước xoáy chuẩn bị chìm. Tôi đưa bình khí cho cậu ấy ôm, còn tôi ôm chiếc phao. Tôi bơi song song dìu cậu ấy vào bờ. Vào đến bờ thì tôi kiệt sức hoàn toàn, còn cậu ấy nói cho mọi người nghe ở ngoài còn kia còn hai bạn nữa.
Khi nghe thế người ta mới tìm ghe chạy đi cứu nên cứu được thêm 2 em nữa. Sau vụ việc, gia đình nạn nhân cũng đến nhà nói lời cảm ơn tôi rồi. Chuyện cứu người của tôi chỉ có vậy nhưng khi thấy người ta được vinh danh, tuyên dương, mình thì không được hỏi han gì tôi chỉ hơi buồn một tí thôi” – Dũng tâm sự.
Khi Huyện đoàn Phú Lộc đưa thông tin, hình ảnh về việc trao huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” trong vụ cứu hộ cứu nạn ở các võ sinh ở Lộc Bình lên trang Fecebook cơ quan này, anh Dũng đã nêu ý kiến vì sao mình không có tên.
Đáp lại, Huyện đoàn Phú Lộc đánh giá cao hành động quả cảm của anh Dũng, đồng thời “lấy làm tiếc” việc trường hợp anh Dũng. Đơn vị này cũng giải thích lý do rằng “Huyện Đoàn chỉ nhận được các thông tin trao đổi giữa lãnh đạo xã Lộc Bình và Đoàn xã Lộc Bình và không nhận được thêm thông tin gì từ phía địa phương xã Vinh Hiền”. Huyện đoàn Phú Lộc cho biết “sẽ báo cáo trường hợp anh Dũng lên Tỉnh đoàn và T.Ư đoàn”.
Thế nhưng theo xác minh của phóng viên thì đến chiều 26.9, xã đoàn Vinh Hiền vẫn chưa gặp anh Dũng và chưa cơ quan nào gặp để lập hồ sơ tuyên dương người thanh niên quả cảm này.
Nhật Lam