Từ khi ChatGPT ra mắt, nhiều người đã sử dụng chatbot AI này như một công cụ để tìm kiếm và tóm tắt thông tin một cách nhanh chóng, thay vì sử dụng Google như trước.
ChatGPT có thể tóm tắt, tổng hợp thông tin từ cơ sở dữ liệu khổng lồ để đưa ra những câu trả lời tổng quát và chi tiết, giúp người dùng không cần mất thời gian truy cập từng trang web như khi tìm kiếm trên Google.
Nắm bắt xu hướng này, OpenAI - hãng phần mềm đứng sau ChatGPT - vừa tích hợp tính năng tìm kiếm trên Internet vào công cụ chatbot của mình.
Với công cụ tìm kiếm này, ChatGPT không chỉ sử dụng thông tin có trong cơ sở dữ liệu của mình, mà còn sử dụng thông tin từ các công cụ tìm kiếm khác như Bing, Google… để cung cấp lời giải đáp cho các câu hỏi của người dùng.
Đáng chú ý, sau khi đưa ra câu trả lời, ChatGPT còn kèm theo đường link các nguồn tin cung cấp thông tin để người dùng có thể tự truy cập và kiểm chứng, thay vì trả về danh sách các trang web như khi tìm kiếm trên Google.
Sau khi kết quả xuất hiện, người dùng có thể đặt thêm các câu hỏi liên quan đến chủ đề đang tìm kiếm.
Với chức năng tìm kiếm này, ChatGPT có thể cập nhật những dữ liệu mới nhất dựa vào thông tin tìm kiếm trên Internet, thay vì bị giới hạn thông tin dựa vào cơ sở dữ liệu hiện có của công cụ chatbot này. Điều này sẽ giúp ChatGPT cung cấp cho người dùng những thông tin mới nhất và trả lời được nhiều câu hỏi của người dùng hơn.
Hướng dẫn sử dụng công cụ tìm kiếm trên ChatGPT
Trước mắt, tính năng tìm kiếm chỉ được ChatGPT cung cấp cho người dùng có trả phí (ChatGPT Plus), các nhà phát triển cũng như những người đăng ký tham gia thử nghiệm các tính năng mới của ChatGPT. Trong khi đó, người dùng ChatGPT miễn phí sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa mới được trải nghiệm tính năng tìm kiếm mới này.
Nếu đang sử dụng tài khoản ChatGPT Plus, bạn nhấn vào biểu tượng quả địa cầu ở phía dưới khung chat, sau đó điền từ khóa tìm kiếm hoặc câu hỏi cần lời giải đáp, ChatGPT sẽ tìm kiếm thông tin trên Internet, đưa ra câu trả lời kèm theo đường link trang web có thông tin liên quan để người dùng kiểm chứng.
Trong trường hợp đang sử dụng tài khoản ChatGPT miễn phí, người dùng vẫn có thể thử nghiệm tính năng tìm kiếm trên chatbot này bằng cách sau:
- Đầu tiên, truy cập vào trang web của ChatGPT tại https://chatgpt.com/, nhấn nút "Đăng ký" hoặc "Đăng nhập" để đăng nhập vào tài khoản. Người dùng có thể sử dụng tài khoản Google, Microsoft hoặc Apple để đăng nhập nhanh vào ChatGPT mà không cần đăng ký tài khoản mới.
- Tại khung chat, người dùng gõ ký tự "/", lập tức bạn sẽ thấy xuất hiện chức năng "Tìm kiếm trên web". Bạn nhấn vào chức năng này, sau đó điền câu hỏi hoặc từ khóa cần tìm kiếm vào khung chat.
Sau khi kết quả xuất hiện, người dùng có thể đặt thêm các câu hỏi liên quan đến chủ đề đang tìm kiếm.
Với việc tích hợp tính năng tìm kiếm vào ChatGPT, đây được xem là động thái cho thấy OpenAI đang muốn đối đầu với Google, không chỉ trong cuộc đua phát triển chatbot tích hợp AI (hiện Google cũng phát triển chatbot Gemini), mà còn cạnh tranh trong mảng tìm kiếm trên Internet, vốn được xem là "sân chơi" của Google.
Đánh giá của BTV Dân trí: không phải lúc nào ChatGPT cũng cung cấp thông tin chính xác, dù có dẫn theo đường link trang web về nguồn thông tin. Do vậy, người dùng nên kiểm tra và xác nhận kỹ các thông tin do công cụ này cung cấp.