Theo Bộ luật Lao động, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. Điều này có nghĩa là càng ngày, thời gian mọi người được rời xa nơi làm việc sẽ càng bị lùi lại.
Đương nhiên, một bộ phận người trẻ hiện tại thì không quan tâm điều đó lắm. Bởi bản thân họ - nguồn nhân lực mới ở chốn văn phòng đang âm thầm thay đổi.
Từ quan điểm dữ liệu, thống kê của LinkedIn dựa trên 150.000 hồ sơ người lao động cho thấy cùng với sự phát triển của thời đại, thời gian làm việc trung bình dành cho công việc đầu tiên trong đời giảm dần theo các thế hệ. Trong khi Gen X là 51 tháng thì Gen Z chỉ còn vỏn vẹn 7 tháng.
Thế hệ nhân viên trẻ ở chốn công sở hiện tại thường bị gán cho những cái mác như "tâm lý yếu", "nhảy việc thường xuyên", "khó quản lý"… Điều này có đúng không? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu từ từ trong phần dưới đây.
Trường hợp đầu tiên chúng ta nhắc đến ở đây là A (SN1992), có một studio làm bánh tại một thành phố nhỏ đã đi vào hoạt động được tầm 2 năm nay. Bản thân A còn là một YouTuber ẩm thực khá có tiếng.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2015, A chọn làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước. Mẹ cô rất hài lòng với công việc này vì nó ổn định và nhẹ nhàng.
Còn trong mắt A, ổn định đồng nghĩa với buồn chán và nhẹ nhàng đồng nghĩa với thu nhập thấp. "Cậu đoán xem họ trả tôi bao nhiêu?", A cười, "4 triệu một tháng! Vào làm chính thức thì lên 5 triệu và suốt 2 năm sau đó không tăng lên dù chỉ một đồng. Giá nhà lúc ấy cũng rẻ, đâu vài trăm triệu là có nhà ngon ơ rồi. Nhưng tôi thực sự không có đủ tiền mà mua vào thời điểm đó".
Không giống mẹ A, bố A luôn thể hiện sự không hài lòng với mức lương công việc của cô một cách vô tình hoặc cố ý qua điện thoại. Ông còn nhiều lần hỏi dò rằng liệu cô có định tiếp tục sống như vậy suốt phần đời còn lại hay không. "Lúc ấy bố tôi hỏi nhiều đến mức tôi thấy khó chịu và quyết định bỏ việc luôn. Tôi ở nhà nghiên cứu các thông báo tuyển dụng suốt 2 tháng trời và nhận ra muốn có thu nhập cao thì chỉ có làm sale", A hồi tưởng, dù không hề thích nhưng A vẫn quyết định đầu quân cho một công ty quảng cáo lớn.
Chỉ là ngẫm lại mới thấy, khoản thu nhập tăng lên khi ấy không thấm tháp vào đâu so với áp lực về doanh số phải chịu, lần thứ 2 A nghĩ đến nghỉ việc. Lần này, A cẩn trọng hơn nhiều so với lần trước: "Vừa làm sale ở công ty kia, tôi vừa tập tành kinh doanh riêng. Tôi rất thích đồ ngọt, thế nên tôi chọn nó luôn. Hồi đầu chỉ bán trên trang cá nhân thôi, vài ba đơn hàng lèo tèo, nhưng có bạn bè mua ủng hộ nên dần dần tôi thấy tự tin hơn".
A chưa bao giờ nghĩ rằng mình là người có thể chịu khổ, bởi vì hồi mới nghỉ việc văn phòng, điều làm A hạnh phúc nhất là thích ngủ bao nhiêu thì ngủ, ngày nào cũng chỉ muốn ngủ. Thế nhưng dòng đời đưa đẩy, trong khoảng thời gian đó, A đi làm từ thứ 2 đến thứ 6, 2 ngày cuối tuần thì đẩy xe hàng rong đến bán ở cổng trường học, lần đầu phải đối diện với đội an ninh trật tự đường phố, bảo vệ trường cũng như các chủ sạp hàng rong khác xung quanh. Điều khiến A thấy vui và tự hào nhất là một tối nọ vừa bày hàng, A đã add được hơn 80 tài khoản khách mua trong vòng 1 giờ, cứ thế, cô đã tích lũy được lượng khách hàng đầu tiên cho mình.
Những ngày tháng tuổi trẻ bay nhảy này kéo dài khoảng 3 tháng, A quyết định nghỉ hẳn việc và mở tiệm riêng dưới sự ủng hộ của gia đình. Bố A chủ động cho A vay hơn 200 triệu, thuê địa điểm, xin giấy phép kinh doanh, lên menu, sáng tạo món bánh thương hiệu của tiệm... Hơn 1 tháng sau, tiệm bánh chính thức khai trương.
Mở hàng vào đúng năm dịch bệnh bùng phát, suốt mấy tháng đầu, tiệm của A luôn rơi vào tình trạng khủng hoảng khi nguyên liệu làm bánh nhập từ châu Âu thiếu hụt nghiêm trọng, giá thành lại bị đẩy lên rất cao. Gần như ngày nào, A cũng thấy các đồng nghiệp cùng ngành than vãn, thậm chí có người còn rao bán dần đồ dùng của tiệm mình.
Thế nhưng đối với A, khủng hoảng chỉ là tương đối, bởi dịch bệnh đã trở thành cơ hội để cô kinh doanh các loại bánh đặc biệt, mang tính địa phương hơn. Giờ đây, mỗi dịp lễ Tết, A đều nhận được một lượng lớn đơn đặt hàng. Ngoài công việc tại studio, A cũng không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội phát triển nào như nhận làm bánh cho các event, tuyển dụng đại lý sản xuất và quảng bá thương hiệu đồ dùng nhà bếp.
"Tôi tự mình điều hành studio. Tôi không có nhân viên nào dưới tay cả. Thỉnh thoảng bạn trai tôi hỗ trợ một chút thôi. Vào những mùa cao điểm, tôi sẽ thuê nhân viên thời vụ. Với các đơn hàng lớn, chúng tôi buộc phải thức cả đêm để làm mới kịp tiến độ. Năm nay, studio mở thêm chi nhánh và chuẩn bị có thêm cả lớp dạy làm bánh nên chắc tôi sẽ cần tuyển thêm người", A tâm sự.
Khi được hỏi về cảm giác hiện tại, A thẳng thắn: "Tôi cảm thấy rất hài lòng vì được làm những gì mình thích, nhưng điều hạnh phúc nhất là tôi không còn phải nghe bố cằn nhằn về vấn đề thu nhập nữa".
So với A, B - một thạc sĩ tài chính lại là người không thực sự quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh. B vốn làm môi giới tài chính tại một tập đoàn lớn. Làm việc được 1 năm, B dần nhận ra bản thân có gì đó không ổn, anh mất hết nhiệt huyết với công việc, khả năng hoàn thành mọi thứ cũng tệ đi rất nhiều. B thú nhận rằng bản thân không còn đủ khả năng để cáng đáng công việc mình đang làm: "Lý do nghỉ việc của tôi không liên quan đến chuyện lương lậu, chỉ là tôi cảm thấy khả năng tư duy và làm việc của mình đều sa sút, tiếp tục ở lại cũng không có lợi gì".
"Nếu coi mục đích công việc của tôi là giúp khách hàng quản lý tài chính, vậy có đôi khi tôi sẽ đi ngược lại chính yêu cầu của công ty. Tôi thường không có động lực tư vấn khi bản thân tôi thấy sản phẩm hoặc thời điểm đầu tư không tốt, bởi tôi không muốn phụ lòng tin của khách hàng nhưng công ty thì lúc nào cũng chỉ nghĩ đến lợi nhuận và đòi hỏi phải hiện thực hóa ngay lập tức. Các sếp suốt ngày nhắc về cái gọi là hiệu suất công việc, điều đó thực sự rất căng thẳng. Hơn nữa, vì bận giao dịch với khách hàng nên khả năng chuyên môn của tôi gần như chẳng được cải thiện gì cả".
Theo quan điểm của B, trải nghiệm công sở không thành công có đôi khi liên quan đến việc không hiểu biết về xã hội và môi trường làm việc. "Khi còn học cao học, tôi được dạy cách khám phá ra sự thật, thế nhưng trong quá trình làm việc, tôi lại bị yêu cầu phải che giấu bớt các khuyết điểm và phóng đại ưu điểm của sản phẩm. Hai điều này có phần trái ngược nhau. Định vị của tôi về nghề này cũng khác định vị xã hội dành cho nghề này nữa", B có một số quy tắc kỷ luật nhất định cho bản thân và không muốn lừa dối chính mình cũng như lừa dối người khác như thế.
"Tôi không thích cách các chủ doanh nghiệp nói về sự cống hiến hay văn hóa tranh đấu tại nơi làm việc. Công việc của tôi tạo ra lợi nhuận cho sếp. Và sếp trả tiền cho sự lao động đó của tôi. Vậy tại sao còn bắt nhân viên phải làm việc bán sống bán chết cho mình?", B thắc mắc. Lý tưởng của B là đóng góp trực tiếp cho xã hội. Sau khi nghỉ việc, B bắt đầu tham gia thi công chức và nộp hồ sơ vào nhiều cơ quan công lập. Ròng rã suốt 3 tháng, cuối cùng B cũng thành công vào làm tại một đơn vị nhà nước.
"Tôi rất vui. Tôi nghĩ làm gì thì làm, mục đích cuối cùng vẫn là xây dựng đất nước. Công việc hiện tại của tôi thu nhập cũng không thua gì công việc môi giới trước đó, mà 5 giờ đã tan tầm rồi".
Liên hệ với C - nhân vật tiếp theo trong series bỏ trốn khỏi nơi công sở, C cho biết dạo này anh rất bận. Anh vừa nhận được chứng chỉ lặn và đang chuyển sang học trượt ván. Trước mắt, C đã sở hữu kha khá chứng chỉ kiểu vậy, thỉnh thoảng đi vi vu nơi này nơi kia, cuộc sống tự do, không gò bó, đúng chuẩn điều mà rất nhiều người mong muốn.
"Ngày nào tôi cũng ngủ đến khi tự tỉnh, sau đó tôi viết sách, dành ra 2 tiếng tập gym buổi chiều và tối thì xem phim với vợ", đây là nhịp sống hiện tại của C. C đã nghỉ việc ở văn phòng cũ được 8 tháng. Khi được hỏi rời bỏ chốn công sở là trải nghiệm như thế nào, C chỉ dùng 1 từ để miêu tả, đó chính là: "Tuyệt!". C kể hồi trước mỗi lần đi làm, anh đều phải nghe nhạc classic để tĩnh tâm, nếu không sợ rằng anh sẽ lái xe đi đâu đó chứ chẳng phải tới công ty.
Trái với tưởng tượng của nhiều người, C không phải thiếu gia hay rich kid gì cả. Bằng sự nỗ lực của bản thân, C thi đậu vào trường top đầu và ra trường cũng thuận lợi vào làm tại một doanh nghiệp nhà nước lớn. Công việc của C là kết nối các tổ chức tài chính để thực hiện kinh doanh bất động sản cho công ty. Mức lương hàng năm C có thể nhận được lên tới gần gần 500 triệu, nhưng đây được coi là con số hoàn toàn xứng đáng với những cố gắng C đã bỏ ra suốt bao năm qua.
Tuy nhiên, C lại không "trân trọng" công việc của mình cho lắm. C nói: "Mọi người tại văn phòng của tôi đều tăng ca hàng ngày, không phải vì họ không thể hoàn thành công việc của mình mà vì "người khác tăng ca, chẳng lẽ mình lại về trước?". Vì vậy mà họ chấp nhận gánh thêm phần việc của người khác. Trong khi đó tôi cứ hoàn thành xong công việc của mình đúng giờ và hình như chẳng tăng ca bao giờ. Điều này khiến tôi không có bạn ở văn phòng và các sếp xem chừng cũng chẳng ưa gì tôi cho lắm".
Theo lời C, lý do anh nghỉ việc vì đã biết nhìn xa hơn. "Tôi đã làm việc ở đây 3 năm rồi, hết ngày này qua ngày khác, cảm tưởng chỉ chớp mắt thôi đã thấy được mình của năm 40 tuổi sẽ ra sao. Ngay cả khi tôi chăm chỉ làm việc để được thăng chức lên sếp tầm trung, lương của tôi cũng chỉ rơi vào độ 60-70 triệu và tôi hoàn toàn không có thời gian dành cho gia đình, cho con cái của chính mình. Tính ra nó chẳng tương xứng chút nào", C cho biết.
Công việc có thể nghỉ nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Sau khi nghỉ việc, C đã tìm nhiều cách để duy trì chi phí sinh hoạt, bao gồm cả việc làm freelancer ở các công ty tư nhân và viết sách. Khi được hỏi có hối hận vì ngày trước tiêu tốn cả đống tiền để học hành không, C thật thà: "Cuộc sống vốn là một trải nghiệm. Những nỗ lực khi đó được xây dựng dựa trên mong muốn khi đó. Còn hiện tại tôi không muốn làm thế nữa, tiếp tục làm nó không khác gì đang lãng phí cuộc đời".
Vậy, làm thế nào mà các nguồn thu nhập phân tán đầy bấp bênh kia vẫn giúp C duy trì chất lượng cuộc sống và những sở thích như du lịch? Câu trả lời của C hẳn sẽ làm không ít người ngạc nhiên. C giải thích: "Nhiều người cứ nghĩ thi mấy chứng chỉ như lặn, trượt ván hay leo núi là thứ dành cho giới nhà giàu, nhưng thực ra chi phí rẻ lắm".
Điều này cũng phản ánh mặt khác của C, đó là sự thờ ơ với nhu cầu theo đuổi vật chất: "Tôi không có ham muốn vật chất đặc biệt nào cả. Nhiều người trẻ thích đồ hiệu, tôi lại không hề hứng thú. Chỉ cần bạn không so đo với người khác, bạn sẽ không tiêu mất nhiều tiền đâu. Xe tôi cũng mua lại xe cũ, miễn vẫn còn đi được là được".
Nói về dự định trong tương lai, C cho biết: "Ý tưởng hiện tại của tôi là thi lấy một chứng chỉ sư phạm và đi dạy, để vừa có thu nhập ổn định vừa có thời gian cho bản thân. Tôi cũng sẽ không bắt con tôi phải học thêm từa lưa các lớp đâu. Tôi sẽ dành thời gian để ở bên con và tự mình dạy chúng. Tiết kiệm tiền với tôi không phải là mục tiêu. Điều quan trọng nhất là tôi muốn con cái mình sẽ lớn lên một cách hạnh phúc".
Quay trở lại với nguyên nhân vì sao người trẻ bỏ chốn công sở đang trở thành xu hướng, đã có rất nhiều từ khóa được đưa ra nhưng nổi bật nhất trong số đó vẫn là các cụm như "sức khỏe", "tiền lương", "thời gian làm việc", "thứ bỏ ra và thứ thu về"...
Phần đông những người được hỏi đều cho rằng việc tiêu tốn quá nhiều thời gian tại nơi làm việc là không cần thiết và nó sẽ giết chết nhiệt huyết trong công việc.
Một netizen than vãn: "Tôi không thể không tăng ca. Suốt 2 năm qua, tôi chưa từng có 2 ngày nghỉ ngơi hoàn chỉnh nào. Tôi cũng phải chịu đựng những xích mích nội bộ không cần thiết giữa 2 phòng ban tôi đang làm việc. Tôi cảm thấy mình gặp vấn đề cả về thể chất lẫn tinh thần".
Có thể thấy, ở một khía cạnh nào đó, sự xung đột giữa văn hóa tại nơi làm việc và các quan điểm giáo dục người trẻ được nhận càng ngày càng tăng cao. Họ được dạy tư duy phản biện, sáng tạo, bình đẳng... thế nhưng quy tắc bất thành văn ở phần lớn các văn phòng hiện tại vẫn là không được thách thức sếp, chỉ cần thực hiện nghiêm ngặt các quy tắc cứng nhắc và tuân theo sự phân cấp rõ ràng.
Rõ ràng, các chốn công sở hiện tại cũng nên bắt kịp thời đại. Dựa theo đặc điểm của người trẻ hiện nay, hãy thay đổi hệ thống và bầu không khí tại nơi làm việc, đồng thời thay đổi phương thức khuyến khích, hướng dẫn người trẻ sử dụng tài năng và sự sáng tạo của họ, đừng để các quy tắc lỗi thời tại nơi làm việc kìm hãm và hạn chế họ.
Người trẻ nói chung và Gen Z nói riêng càng ngày càng... sướng, họ có nền tảng gia đình cơ bản và không gặp quá nhiều khó khăn trong việc sinh tồn. Thứ mà họ theo đuổi khác rất nhiều so với các thế hệ trước. Mục tiêu nâng cao mà thế hệ nhân viên mới theo đuổi tại nơi làm việc là các kênh thăng tiến cũng như khả năng phát triển nghề nghiệp trong tương lai, và họ cần cảm nhận được giá trị của bản thân.
Nhìn chung, việc mất đi nguồn nhân lực trẻ chắc chắn là tình huống mà các công ty không muốn thấy, việc nhân viên nghỉ việc sẽ làm tăng chi phí tuyển dụng và quản lý, đồng thời cũng dễ tạo ra bầu không khí tiêu cực trong nội bộ công ty. Để cải thiện tình hình này, rõ ràng việc lập kế hoạch nghề nghiệp phù hợp, cải thiện hệ thống kênh phát triển nhân tài, thay đổi cơ chế đánh giá và phân phối hợp lý, cũng như sự quan tâm nhân văn hơn là các yếu tố cần được ưu tiên hàng đầu.
Pháp luật & Bạn đọc