Hội chợ sách quốc tế Frankfurt ở Đức
Ông Juergen Boos, Chủ tịch Hội sách Frankfurt thông báo rằng Bộ Văn hóa Đức đã cứu trợ gói 4 triệu euro để ban tổ chức xây dựng nền tảng online. Nền tảng trực tuyến này sẽ mở vào ngày 1.10 tới đây để các đơn vị đăng ký tham dự.
Theo dự kiến, năm nay, hội chợ được tổ chức từ 14 – 18.10 nhưng do dịch bệnh COVID-19 khiến sự kiện không thể diễn ra như hằng năm.
Hồi năm ngoái, hội chợ sách Frankfurt có 7.450 gian hàng, đến từ 104 quốc gia, vùng lãnh thổ với số lượng khách tham dự là 302.267 khách đã tham dự, bao gồm các chuyên gia và công chúng yêu sách.
Từ 2016, nhiều nhà xuất bản ở Việt Nam đã tham dự Hội chợ sách Frankfurt. Một số nhà văn Việt Nam cũng tạo dấu ấn tại hội chợ sách lớn nhất thế giới này. Hồi 2018, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã nhận được giải thưởng văn học danh giá này với tác phẩm Cánh đồng bất tận, được chuyển ngữ sang tiếng Đức. Năm 2019, nhà văn Hồ Anh Thái từng được mời tới đây làm diễn giả trong buổi tọa đàm "Văn chương và xã hội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Hội chợ sách quốc tế Frankfurt có lịch sử 500 năm diễn ra vào tháng 10 hằng năm ở miền Tây nước Đức.
Theo tài liệu xưa nhất còn lưu giữ, một khu chợ tương đối lớn đã tồn tại ở thành phố Frankfurt vào năm 1074. Đến giữa thế kỷ XII, hội chợ bắt đầu hình thành nhưng vẫn chưa có sách. Đến năm 1454, ngay sau khi Johannes Gutenberg - ông tổ ngành in thế giới - phát minh ra công nghệ in chữ rời ở Mainz, một thành phố nhỏ cách Frankfurt chừng 30km về phía Nam, thì Hội sách Frankfurt đầu tiên mới chính thức hình thành. Và giữ gìn, phát triển từ đó đến nay.
Hội chợ sách quốc tế Frankfurt là nơi gặp gỡ đại diện các nhà xuất bản sách, các công ty đa phương tiện và công nghệ trên khắp thế giới. Các chuyên gia xuất bản cũng tận dụng cơ hội này để mở rộng mạng lưới và mở ra các cơ hội kinh doanh mới, tiếp thị sản phẩm của họ hoặc tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp. Đây cũng là dịp để các quốc gia tham dự giới thiệu nét văn hóa đọc sách của quốc gia mình.
Nhật Hạ