Gần đây, trào lưu ăn kem cùng các loại mì được lấy cảm hứng từ giới trẻ Thái Lan đang gây xôn xao cộng đồng mạng Việt Nam. Bằng sự mới lạ trong cách ăn uống, nhiều food reviewer đã làm theo và thu hút đông đảo lượt tương tác của khán giả.
Mặc dù trong video, các food vlogger đều đưa ra cảm nhận, đánh giá khách quan của mình khi trải nghiệm món ăn nhưng ở dưới phần bình luận, hàng loạt ý kiến của cư dân mạng phản đối cách ăn uống "phá cách" này. Một số nội dung bình luận như: "trông sợ thế", "nhìn đau bụng", "Tào Tháo gõ cửa", "kinh dị", "phá hoại, lãng phí", "từ chối xem mấy cái video kiểu này",… Với nhiều người, cách ăn này còn bị xem là hành động thiếu tôn trọng nền ẩm thực.
Ăn mì kèm kem là một loại trải nghiệm "độc", "lạ"
Chia sẻ với PV Báo Dân trí, nhiều bạn trẻ tỏ ra vô cùng khó hiểu, bất ngờ vì cách ăn uống "khó đỡ" như thế này. Bên cạnh đó, cũng có người cho rằng đây không phải việc gì quá mới mẻ.
Bạn Quỳnh Trang cho biết: "Thỉnh thoảng, trên mạng xã hội vẫn có những trào lưu ăn uống "độc", "lạ". Tuy nhiên, mình thấy việc dám thử cái mới là một điều cần và nên làm trong tất cả các lĩnh vực, không riêng gì chuyện ăn uống. Và tất nhiên, việc thử nghiệm sẽ không tránh khỏi những ý kiến trái chiều nhưng miễn không vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức tối thiểu là được".
Bạn Thu Ngân nói: "Ban đầu, khi nghe thấy kem trộn với đồ ăn, mình đã nghĩ ngay tới món "kem xôi" mà mình rất thích. Thế nhưng, khi được xem video trên mạng xã hội thì không phải vậy. Mọi người trộn kem với lẩu thái, phở bò, bún riêu… Lúc đấy, thú thật mình tò mò về hương vị thật sự của nó lắm".
Bạn Kỳ Anh bày tỏ quan điểm: "Thực sự, mình thấy sự kết hợp này kỳ quặc. Kem và mì là hai loại đồ ăn hoàn toàn khác nhau. Chỉ nghĩ đến thôi, mình đã thấy ghê người". Anh cũng từ chối thử phong cách ăn uống không phù hợp với bản thân này. Chỉ cần sơ suất trong khâu ăn uống là hệ tiêu hóa sẽ gặp vấn đề.
"Xét về phương diện mới lạ, đây là một cách kết hợp lạ. Tuy nhiên, lạ theo hướng tiêu cực hay tích cực thì phụ thuộc vào cá tính, khẩu vị của mỗi người. Mình không cổ vũ cách ăn uống này nhưng cũng không phản đối gay gắt, bởi sau khi thử món ăn mới mẻ này, có người sẽ cảm thấy thích thú và có thể tiếp tục cách ăn đó, còn không họ sẽ cho rằng đó là một trải nghiệm ẩm thực khó thể quên", Kỳ Anh chia sẻ thêm.
Một làn gió mới trong ẩm thực hay "đu trend" bất chấp?
Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, giới trẻ với những kiểu ăn uống "phá cách" như thế này đang làm mất đi hương vị truyền thống, nét tinh túy của các món ăn. Đó không phải là sáng tạo mà là phá hoại.
Bạn Thu Ngân bộc bạch: "Trộn kem với đồ ăn phù hợp hay không còn phải xem xét đó là món ăn gì, liệu có ổn khi kết hợp những món ăn đó lại với nhau? Nếu thật sự tạo ra một món mới, độc đáo thì là chuyện tốt. Còn nếu ảnh hưởng tới sức khỏe thì mọi người nên cân nhắc cẩn thận.
Trong cuộc sống, đôi khi nên phá cách, sáng tạo một chút sẽ tạo ra nhiều sự bất ngờ và đạt kết quả ngoài mong đợi. Song, ăn uống không chỉ đơn giản là đưa thức ăn vào miệng mà nó còn là sự kết tinh, là đặc trưng của văn hóa, xã hội. Bạn có thể thử nghiệm cái mới nhưng điều đó phải phù hợp với văn hóa, lối sống".
Bên cạnh đó, bạn Quỳnh Trang cũng thẳng thắn chia sẻ: "Mình lại có suy nghĩ rằng các hương vị truyền thống tại thời điểm được tạo ra là một ý tưởng mới, một sự đột phá. Có thể ở thời điểm chúng ta ra đời, một số người cũng cho rằng đấy là một "thử nghiệm điên rồ" nhưng kết quả chúng lại được đón nhận và trở thành "hương vị truyền thống" mà chúng ta gọi bây giờ thì sao? Nếu thế thì việc kết hợp cái mới của các bạn trẻ là một quá trình thử nghiệm có tiềm năng thôi.
Đến cả danh họa Vincent van Gogh còn bị xa lánh, dè bỉu vì những suy nghĩ, hành động khác người, vậy cũng dễ hiểu khi những sáng kiến như việc trộn hai món ăn nghe có vẻ không liên quan vào nhau trở thành cái gây tranh cãi, bị công kích. Mình đọc được rất nhiều bình luận cực đoan, chê bai, hằn học trào lưu này trên Facebook. Tuy nhiên, việc có thử nghiệm món này không đều phụ thuộc vào cá nhân mỗi người. Hơn nữa, mình cũng mong mọi người đón nhận điều này với một thái độ tích cực, cởi mở hơn".