Dù muốn hay không muốn thì chúng ta cũng buộc phải thừa nhận rằng xã hội hiện đại tồn tại rất nhiều thứ áp lực khác nhau. Và rất nhiều trong số những áp lực ấy đã vô hình trung tụ lại một điểm và làm nảy sinh một suy nghĩ khá chung trong đầu nhiều người trẻ bây giờ, đó chính là ngại kết hôn và sinh con.
Không kết hôn, có kết hôn cũng không sinh con đang dần trở thành "tín ngưỡng" của một bộ phận không nhỏ những người sinh trong khoảng 1990-2000. Ngoài những cân nhắc liên quan đến áp lực xã hội, những người trẻ này còn bị ám ảnh bởi những mặt trái đằng sau việc kết hôn sinh con .
Trước đây, khi đối diện với tình trạng không vợ chồng, không con cái, người ta sẽ cảm thấy lưu tâm và lo lắng cho tương lai của mình lúc về già. Xét cho cùng, ở một đất nước vẫn tuân theo những quan niệm truyền thống, con cái chính là "bảo hiểm" tuổi già.
Suy nghĩ sinh con để có người chăm sóc khi về già đúng là ích kỷ nhưng suy cho cùng, nó cũng khắc họa một bức tranh hiện thực vô cùng rõ nét. Tuy nhiên, nếu ngẫm kỹ lại, khi bạn lâm bệnh nặng, con cái bạn chưa chắc đã giúp ích được gì nhiều. Giữa đời sống xã hội như hiện nay, cảnh những đứa con thực sự ân cần ở bên chăm sóc bố mẹ đến lúc trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện chẳng nhiều, trong khi cảnh anh em trong nhà đụng tay đụng chân nay trong bệnh viện vì tranh gia sản lại không ít.
Ngày trước, người ta cho rằng con cái như những "truyền nhân" đại diện cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta rời khỏi thế giới này. Còn ngày nay, trẻ em ngay từ khi sinh ra đã phải đối diện với những khắc nghiệt cuộc đời, không phải ai cũng tự tin có thể giúp con mình lành lặn vượt qua các cạnh tranh khốc liệt ấy và không phải ai cũng tự tin có thể nuôi dưỡng con cái mình thành những con người ưu tú, có ích. Hơn nữa, chi phí cho giáo dục hiện tại càng ngày càng cao, chi phí để nuôi nấng, để cho con cái đến trường thành tài càng không hề rẻ.
Đối mặt "thảm cảnh" về già không có ai chăm sóc vì không gia đình, không con cái, nhiều người lại không lấy thế làm lo. Bởi lẽ tuổi trẻ của họ còn dài, họ chọn dùng thanh xuân của mình để cố gắng, để chắt chiu những phút an nhàn tuổi già sau này. Đặc biệt, không phải ai cũng chăm chăm sống để hưởng thụ sau này, họ đơn giản sống vì muốn tồn tại, vì công việc, vì lao động, vì chính hiện tại mà thôi.
Ở một diễn biến khác, không khó để nhận ra con gái chiếm tỷ lệ lớn hơn trong số những người chọn không kết hôn, sinh con. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu về hôn nhân đối với con gái quá khắc nghiệt, quá hoàn hảo. Trong khi đó, hôn nhân về bản chất lại là sản phẩm của hệ thống kinh tế , nhằm ràng buộc lợi ích của hai bên và chia sẻ rủi ro, nó là một hệ thống quan hệ đối tác về mọi mặt của đời sống, sản xuất và tái sản xuất dưới sự ràng buộc của pháp luật.
Trong môi trường chung, cả nam và nữ sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tư tưởng gia trưởng, nhưng con gái thường phải đối mặt với nhiều áp lực hơn từ cả gia đình lẫn công việc. Nhiều cô gái không phải không muốn kết hôn, không phải không muốn tìm một người đàn ông để gắn bó suốt đời, chỉ là họ không đủ tự tin và can đảm để sinh con, để làm mẹ, để gánh vác trách nhiệm gia đình. Rõ ràng, việc nuôi dạy một đứa trẻ cần đến rất nhiều công sức và nỗ lực, đồng thời cũng ảnh hưởng phần nào đến đời sống vợ chồng.
Con cái là chất bôi trơn của cuộc sống gia đình và cũng là ngòi nổ của những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình. Từ đồ ăn, thức uống , quần áo, nhà ở và phương tiện đi lại đến những thứ to tát hơn tư vấn học tập, công việc..., nhìn chung nuôi dưỡng thành công một đứa trẻ chưa bao giờ là một vấn đề đơn giản. Bạn tự tin đến mức nào về khả năng nuôi dạy con của mình? Và mức độ tự tin của người bạn đời của bạn là ra sao?
Có bao nhiêu chàng trai và cô gái thực sự kết hôn vì tình yêu? Và có bao nhiêu người chọn kết hôn vì những lời thúc giục, áp bức từ cha mẹ và xã hội? Có người chọn kết hôn vì khó chấp nhận việc mình sẽ già đi một mình, có người cho rằng cần phải có con cho đỡ vất vả tuổi già và cũng có người thì không sợ tất cả những điều ấy, bởi thế nên họ chọn không kết hôn hoặc chọn không sinh con...
Đương nhiên, dù bạn đưa ra lựa chọn như thế nào, việc quan trọng nhất bạn cần làm là hãy chịu trách nhiệm vì lựa chọn của mình. Có nhiều người sống rất vô trách nhiệm hậu hôn nhân, rõ ràng đó là quyết định và mong muốn ban đầu của họ nhưng họ lại trốn tránh và để người khác phải gánh chịu chúng. Trong cuộc sống vợ chồng luôn tồn tại những mâu thuẫn khác nhau, một số người chọn nhắm mắt làm ngơ, không chịu giải quyết chúng triệt để, kết quả là họ phải chuốc lấy bất hạnh trong hôn nhân. Ví dụ như làm bố/ mẹ đơn thân, 2 vợ chồng phải nuôi 8 miệng ăn, hay vừa phải chăm lo gia đình vừa lo trả tiền nhà, tiền xe, tiền học...
Về mặt lý thuyết thì cuộc sống của 2 người có thương lượng, giao tiếp để san sẻ với nhau nhưng bạn không thể đảm bảo được rằng nửa kia của bạn liệu có phải là người có thể hỗ trợ bạn hay không và bạn cũng không thể đảm bảo được rằng người ấy có thể cùng bạn vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống hay không. Tình yêu không phải là chìa khóa vạn năng để giải quyết những mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng, và hôn nhân đòi hỏi hai người phải cùng nhau quản lý và duy trì nó.
Khi bạn đang lưỡng lự giữa việc kết hôn, sinh con hay không, bạn có thể nghĩ về lý do tại sao bạn đang sống? Nửa đầu của cuộc đời bạn có thực sự hạnh phúc hay không? Bạn có thể thực sự làm tốt vai trò của một người vợ, người chồng, người cha và người mẹ không? Nếu bạn không thể tự trả lời một cách chắc chắn, có lẽ việc bạn cần làm là nắm bắt cho tốt cuộc sống hiện tại và cố gắng hoàn thiện mình trước đã.
Không kết hôn, không sinh con chưa bao giờ là trốn tránh hiện thực, đó đơn giản là một lựa chọn, nhưng hãy đảm bảo rằng đó phải là lựa chọn sau khi bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng nữa nhé!
Ảnh minh họa: Tổng hợp