Tuy nhiên, cũng chính xu hướng chia sẻ bữa ăn lành mạnh sai thực tế này đã vô tình khơi dậy cảm xúc tiêu cực về ngoại hình, dẫn đến chứng rối loạn ăn uống.
Không ngừng so sánh, không ngừng tự ti…
Lướt TikTok, người dùng có thể dễ dàng bắt gặp những video "What I Eat In A Day" ("Tôi ăn gì trong ngày"). Từ việc trưng bày các bữa ăn thuần chay, lành mạnh, không có chút đồ ăn vặt nào, cho đến những "cheat day" ngập tràn hamburger, kem và cocktail.
Việc ghi lại thói quen ăn uống hằng ngày rất phổ biến với người dùng TikTok, đặc biệt là các cô gái trẻ. Chỉ riêng hashtag #whatieatinaday đã có hơn 9,1 tỷ lượt xem.
Đối với Sarah Geller, 22 tuổi đến từ Rochester (New York, Mỹ), việc xem các video về thói quen ăn uống này không phải là trải nghiệm thú vị. Với tư cách là một vận động viên tại trường trung học và trưởng thành trong thời đại Instagram, cô đã từng phải vật lộn với rối loạn ăn uống và tự ti về hình ảnh bản thân .
Cô nhớ lại, mình bị ám ảnh bởi các công thức nấu ăn "lành mạnh" trên Google, tin rằng một số loại thực phẩm đã vượt quá giới hạn vì chúng không bổ dưỡng.
Giờ đây, Geller là một chuyên gia dinh dưỡng tương lai, cô lo lắng rằng những cô gái ở độ tuổi của mình sẽ bị ảnh hưởng bởi trào lưu này. Nhiều video TikTok "Tôi ăn gì trong ngày" được tạo ra bởi những cô gái có thân hình mảnh mai; hơn nữa chỉ thấy được một phần về cuộc sống của họ mà thôi.
"Tôi nghĩ rằng, việc chia sẻ video "Tôi ăn gì trong ngày" thực sự không mang lại hiệu quả gì cả. Mạng xã hội có thể "đánh lừa" và những gì được đăng tải không được đảm bảo về độ chính xác", cô cho biết.
Jacqueline Sperling, giám đốc chương trình tại McLean Anxiety Mastery Programme và là giảng viên tại Trường ĐH Y Harvard, cho rằng, có nhiều cách khác nhau mà người dùng chọn để tương tác trên mạng xã hội. "Những đoạn video chỉ phản ánh một phần nhỏ trong cuộc sống của người dùng, không phải là toàn bộ trải nghiệm của họ. Nhưng mọi người lại có xu hướng so sánh bản thân với những đoạn video đó, sau đó họ cảm thấy thật tồi tệ".
Ngay cả khi người dùng không tìm kiếm nội dung về các món ăn hoặc trào lưu "Tôi ăn gì trong ngày", các thuật toán đề xuất của TikTok có thể khiến nó xuất hiện ngập tràn.
Sperling nói: "Nhiều người cảm thấy nội dung video ăn uống đó làm họ khó chịu hoặc làm phiền họ và nó khiến họ cảm thấy bản thân tồi tệ hơn. Và sau đó, đột nhiên họ sẽ thấy nhiều hình ảnh hơn liên quan đến nội dung này".
Trào lưu "đầu độc" sức khỏe tinh thần
Việc mạng xã hội tác động đến tâm lý khiến nhiều cô gái trẻ tự ti ngoại hình không phải là tin tức mới. Vào tháng 9, tờ đã phát hiện tài liệu nội bộ của Facebook, tiết lộ rằng "gã khổng lồ công nghệ" này biết Instagram là môi trường độc hại với các bạn tuổi teen - những người dễ mặc cảm về hình ảnh cơ thể.
Các mạng xã hội khác như TikTok, Snapchat và YouTube cũng đã đưa ra tuyên bố có hành động để bảo vệ sức khỏe tâm lý của người dùng trẻ tuổi.
Trên TikTok, ở đầu hashtag #whatieatinaday, có một thông điệp: "Nếu bạn hoặc ai đó mà bạn biết đang gặp phải những lo âu về hình ảnh cơ thể, việc ăn uống hoặc việc tập thể dục, thì điều quan trọng là luôn có được sự trợ giúp và bạn không hề đơn độc". Ngoài ra, cần có sự kết nối với Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia (NEDA) để người dùng được hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đó có thể không đủ để ngăn người dùng cảm thấy tự ti về bản thân. Dù được tạo ra với mục đích nào thì các video này có thể tác động lâu dài đến những người không tự tin về thói quen ăn uống của họ.
"Có những người đăng công thức nấu ăn để có cảm hứng vào bếp. Một số cảm thấy tội lỗi vì những gì họ đang ăn khác với video đăng tải trên mạng", Sperling nói.
Theo cách chuyên gia, bằng một số cách nào đó, trào lưu này có thể gây ra ảnh hưởng với sức khỏe cơ thể.
Allison Chase, một nhà tâm lý học lâm sàng và giám đốc lâm sàng của Trung tâm phục hồi ăn uống Pathlight (Texas, Mỹ), đối với những người đã phải vật lộn với chứng rối loạn ăn uống, việc xem video "Tôi ăn gì trong ngày" có thể kích hoạt thói quen ăn uống không lành mạnh. Còn với những người ít quan tâm đến điều này trước khi tải ứng dụng, thì theo dõi nội dung video nêu trên cũng có khả năng mắc chứng rối loạn ăn uống.
Chase nói thêm, có một "sự so sánh liên tục" xảy ra khi những video này xuất hiện không có điểm dừng, điều này có thể dẫn đến "rất nhiều cảm xúc thực sự tiêu cực".
Geller tin rằng, trào lưu này có thể ít gây hại hơn nếu người dùng kèm chú thích nhu cầu cá nhân của mỗi người là độc nhất. Thay vì ghi lại tất cả bữa ăn trong ngày, họ có thể chia sẻ công thức nấu ăn hoặc một món ăn yêu thích.
Chase cũng hoài nghi về việc liệu người dùng có thể tương tác với nội dung về ăn uống một cách lành mạnh, đặc biệt là với định dạng video ngắn của TikTok.
Chase nói: "Rất khó để thực sự có thể nhìn thấy sự cân bằng và lành mạnh ở những video mang tính giật gân. Sẽ thật tuyệt vời nếu đăng một video cân bằng được mọi thứ, nhưng đó là điều không thể thấy ở nền tảng này".
Nhưng một số người sáng tạo nội dung như Zoe Potter tin rằng, việc nhìn thấy thói quen ăn uống của người khác trên mạng có thể giúp cải thiện mối quan hệ với đồ ăn. Trên thực tế, Potter cho rằng, nếu TikTok xuất hiện sớm, thì cô ấy có thể đã đối mặt với các vấn đề tự ti ngoại hình của mình khi còn trẻ.
"Tôi cảm thấy tâm trạng tốt hơn khi nhìn thấy mọi người ăn uống một cách chân thực", Potter nói. Tuy nhiên, với cô, cần chú ý quản lý nội dung bạn muốn xem trên ứng dụng và theo dõi tài khoản có tác động tích cực.
"Khi bắt đầu cuộc hành trình của mình, tôi cần phải tìm hiểu thật cẩn thận các nội dung để cảm thụ. Bạn phải tìm thấy những gì phù hợp với bản thân", Potter kết luận.
T.N
Theo The Lily