“Đừng trở nên xấu xa” (Don’t be evil) là câu mở đầu nổi tiếng trong Quy tắc ứng xử nguyên bản của Google. Đây là triết lý mà ngày nay có vẻ giống như một di tích cổ của những ngày đầu thành lập công ty, khi hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin còn là sinh viên đại học Standford, phát minh ra một cách thức độc đáo để tìm kiếm trên internet: Google.
Vào thời điểm đó, họ cho rằng việc theo dõi hành vi tìm kiếm của mọi người và sử dụng dữ liệu đó để thu lợi là việc làm “có vẻ quá xấu xa”. Đáng buồn thay, đây lại chính xác là những gì mà Google cùng những tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) khác đang thực hiện.
Rana Foroohar – Phóng viên chuyên mục kinh doanh toàn cầu và là Phó tổng biên tập của tờ Financial Times đã ghi lại toàn bộ hành trình trở thành “kẻ phản diện” ấy trong tác phẩm gần đây của mình, từ lúc các Big Tech còn là những ý tưởng công nghệ cách tân và ngây thơ cho đến khi trở thành thứ “bóng tối công nghệ” bủa vây lấy loài người. Cô đã dùng câu triết lý “Đừng trở nên xấu xa” làm tiêu đề cho cuốn sách như một thông điệp đầy ẩn ý và sắc sảo gửi đến các ông trùm công nghệ.
Khi Rana Foroohar viết cuốn sách này, một số công ty Big Tech đang bị điều tra bởi Mỹ và châu Âu. Dù vậy, cô không nghĩ các vị lãnh đạo của các công ty công nghệ này là những tay tội phạm. Thay vì vậy, cô xem họ như những kẻ phản diện có những tham vọng vừa phi thường vừa điên rồ, tham lam và ngô nghê.
Khởi nguồn của những tham vọng
Mở đầu cuốn sách, tác giả đã mô tả Standford – ngôi trường nổi tiếng mà hai nhà sáng lập Google từng theo học - là “nơi đầy rẫy sự cạnh tranh của những tham vọng vô hạn đang ngụy trang dưới lớp vỏ ý thức của xã hội. Đó là điểm đến của những người quyết tâm thay đổi thế giới – và làm giàu từ đó”. Và Larry Page và Sergey Brin cũng không ngoại lệ.
Cả hai cùng tham gia một nhóm tương tác về máy tính – con người tại Standford, chủ yếu nghiên cứu về việc tìm cách tận dụng không gian ảo khổng lồ trên internet. Trong khi hầu hết các sinh viên trong nhóm tập trung xây dựng các cổng thông tin (portal) – điểm truy cập tin tức và trung tâm truyền tải dữ liệu (hub) để gửi email hoặc đăng hình ảnh, thì Brin và Page lại chọn đi theo một con đường hoàn toàn khác biệt.
Họ tập trung phát triển một công cụ có thể nhanh chóng phân loại và hệ thống mọi thứ trên không gian mạng khi mà mỗi ngày đều có rất nhiều nội dung mới được xuất hiện trên đó, từ bài viết, hình ảnh, cho đến vô số bài hát được tạo mới trên các trang web.
Để làm được điều đó, cả hai đã phát triển BackRub – một chương trình lần theo các đường link dẫn tới những tài liệu khác thông qua việc gửi các con bọ tìm kiếm (bot) “bò” khắp các trang mạng để tiếp cận nhiều tài liệu nhất có thể, gắn thẻ mỗi tài liệu bằng một đoạn mã (code) mà chỉ BackRub mới đọc được và thống kê tất cả các liên kết ngược (backlink) của tài liệu đó.
Trong lần chạy thử đầu tiên, BackRub đã ngốn toàn bộ băng thông máy tính trong khoa Khoa học máy tính, vậy nên Page và Brin đã trưng dụng cả hệ thống máy tính của Đại học Stanford với hiệu suất cao gần gấp năm lần. Nhờ vậy, những con bọ của họ có thể tự do đi khắp không gian ảo, gắn thẻ, thống kê; và trong quá trình đó, chúng có thể đã xâm phạm bản quyền của những người tạo ra các nội dung được chúng lần theo. Hành vi xâm phạm này đã được Google thực hiện trên quy mô công nghiệp khi mua lại YouTube trong nhiều năm sau đó.
Đối với Page và Brin, không có gì bất chính khi thực hiện những việc này. “Họ cho rằng bản thân chỉ đơn giản là tìm cách nắm bắt những kiến thức đang ẩn giấu trong kho lưu trữ máy tính để mang lại lợi ích cho mọi người. Và nếu việc đó cũng mang lại lợi ích cho họ thì càng tốt”, Rana Foroohar viết trong cuốn sách. Đây là ví dụ đầu tiên về những gì mà sau này chúng ta gọi là hành vi trộm cắp hợp pháp.
Larry và Sergey tin rằng nếu bạn cứ thế mà làm, mọi người sẽ dần chấp nhận hành động của bạn cho đến khi nhận ra bản thân đã quá gắn bó với những cách cũ dù chúng không tốt bằng. Họ nhất mực làm theo nguyên tắc bất thành văn “thà xin lỗi còn hơn xin phép”, dù sự thật là họ không xin lỗi mà cũng chẳng xin phép.
Chính lối tư duy và kiểu hành xử lộng quyền này đã trở thành phong cách của Google cũng như nhiều Big Tech khác. Khi khuyên nhân viên “đừng trở nên xấu xa”, Google biết rất rõ rằng cái xấu không chỉ là một sự cám dỗ mạnh mẽ mà còn ngầm ám chỉ sự xấu xa ấy có thể được hòa trộn vào các kế hoạch kinh doanh của mình.
Rana Foroohar nhận xét, Google nhẽ ra đã trở thành “một công ty công nghệ nhỏ và tử tế”, nếu không chịu cúi mình trước lòng tham…
Chấp nhận xấu xa để trở nên “khổng lồ”
Lật lại lịch sử, khi Google còn là một startup nhỏ bé vừa mới thành lập và bắt đầu nhận vốn đầu tư, Page và Brin vẫn chưa có một kế hoạch kinh doanh cụ thể giúp công ty kiếm được nhiều tiền. Hai nhà sáng lập trẻ tuổi khi ấy gặp áp lực trong việc tạo ra doanh thu và làm các nhà đầu tư hài lòng.
Lúc này, cả hai bắt đầu nghĩ ra ý tưởng kết hợp việc khai phá dữ liệu - vốn là lĩnh vực chuyên môn của Brin – với hình thức quảng cáo nhắm mục tiêu (targeted adversiting) dựa trên dữ liệu lớn (big data) của người dùng. Đây là “mỏ vàng” giúp những ai biết sử dụng mô hình kinh doanh này trở nên rất giàu có.
Tuy nhiên, trước đó, trong một bài viết được công bố vào năm 1998, Page và Brin đã lên tiếng cảnh báo về hành vi hoạt động tìm kiếm có thể tạo ra lợi nhuận như thế nào. Trong khi khai phá dữ liệu chỉ đơn giản là phân tích một lượng dữ liệu lớn để khám phá các xu hướng và khuôn mẫu trong một tập hợp, thì việc theo dõi hành vi của người khác – xem họ tìm kiếm những gì, nhấp vào kết quả nào… - và xây dựng một cơ sở dữ liệu về họ để sau đó bán lại thông tin cho các đơn vị quảng cáo, lại “có vẻ là việc làm quá xấu xa”.
Mỉa mai thay, chính mô hình kinh doanh mà hai nhà sáng lập kiên quyết phản đối ngay từ đầu ấy lại là thứ giúp Google thống trị toàn bộ ngành công nghiệp tìm kiếm và quảng cáo sau này. Trong cuốn sách “Đừng trở nên xấu xa”, Rana Foroohar gọi đây là mô hình kinh doanh “ác tính”, bởi nó thu lợi từ việc khai thác dữ liệu người dùng một cách không công bằng.
Giờ đây, hoạt động quảng cáo nhắm mục tiêu đã trở thành nguồn thu nhập chủ chốt của cả Google lẫn hàng loạt ông lớn khác như Facebook hay Amazon, tạo ra một mô hình kinh doanh tiêu chuẩn cho nhiều công ty trong việc thuyết phục mọi người mua hàng. Vốn dĩ các công ty này có thể phản đối quyền lực ngày càng tăng của Big Tech nhưng họ chọn giữ im lặng bởi bản thân họ cũng đang hưởng lợi từ mô hình quảng cáo nhắm mục tiêu mà những nền tảng này cung cấp.
Cụ thể, nhờ Big Tech, các công ty có thể theo dõi khách hàng 24/7 và nhắm đối tượng mục tiêu chính xác hơn bao giờ hết. Tác giả Rana Foroohar cho rằng đây thật sự là một “giao ước của quỷ”, bởi dù sớm hay muộn, các gã trùm công nghệ như Google cũng sẽ lấn sân sang mọi ngành nghề (từ chăm sóc sức khỏe cho đến giao thông vận tải).
Cô cảnh báo, điều mà các công ty sử dụng dịch vụ của Big Tech đang làm là từ bỏ thị trường, giao khách hàng vào tay những ông trùm này chứ không phải giành quyền kiểm soát. Họ đang cho phép Big Tech tăng trưởng theo cách mà cuối cùng có thể gây bất lợi cho mình, khi các gã trùm công nghệ “nhúng tay” vào mọi lĩnh vực.
Dưới ngòi bút sắc sảo và văn phong mạch lạc của một phóng viên kinh tế kỳ cựu, cách các Big Tech kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân của người dùng và ngày càng tham lam khi nắm giữ nhiều quyền lực… trở nên rất rõ ràng và dễ hiểu. Không những vậy, những luận điểm mà tác giả Rana Foroohar đưa ra còn được củng cố bởi ý kiến của các chuyên gia, số liệu từ kết quả nghiên cứu thực tế và chia sẻ của người trong cuộc.
Cuốn sách “Đừng trở nên xấu xa” là lời cảnh báo chưa bao giờ muộn với mọi người. Điều đáng trân trọng, là không chỉ đề cập đến thực trạng, Rana Foroohar đã cố gắng đề xuất nhiều giải pháp để Big Tech “không trở thành kẻ xấu”. Cuốn sách là một nỗ lực nhằm làm sáng tỏ những vấn đề có liên quan Big Tech đã khiến chúng ta lo lắng, cũng như những gì chúng ta có thể làm để giải quyết những vấn đề đó.
Tuy vậy, bên cạnh những giải pháp mang tính vĩ mô, điều mà mỗi người cần làm trước mắt là trang bị cho mình thái độ cảnh giác hơn trước những nguy cơ tiềm ẩn từ công nghệ. Bởi một khi chúng ta còn mải miết lướt Google, Facebook, hay YouTube…, tâm trí ta sẽ không còn đủ tỉnh táo để có thể thoát khỏi “mặt tối” của thứ ánh sáng xanh phát ra trên các thiết bị điện tử mỗi ngày.