1. Cậu thiếu niên ở Nê-pan
Trước đây, khu vực chân núi Himalaya ở Nê-pan rất hiếm khách ngoại quốc đặt chân tới. Sau này mới có nhiều người Nhật đến đây thăm quan du lịch hơn. Nghe nói nơi đây là nơi bắt nguồn của câu chuyện nói về lòng thành tín của một cậu thiếu niên.
Một hôm, vài người thợ chụp ảnh người Nhật nhờ một cậu thiếu niên người bản địa mua hộ họ vài chai bia. Cậu thiếu niên đã phải chạy đi mất hơn 3 tiếng đồng hồ mới mua được.
Ngày hôm sau, cậu thiếu niên tiếp tục xung phong thay họ đi mua bia. Lần này, những người thợ chụp ảnh đưa cậu rất nhiều tiền.
Nhưng chờ mãi đến chiều ngày thứ 3 vẫn chưa thấy cậu quay lại. Thế là, những người thợ ảnh bắt đầu bàn tán với nhau, cho rằng cậu thiếu niên kia đã lừa tiền của họ.
Cho đến tận đêm ngày thứ 3, cậu thiếu niên kia mới tìm người thợ chụp ảnh.
Thì ra, hôm ấy cậu chỉ mua được 4 chai bia, sau đó, cậu phải vượt qua một ngọn núi, lội qua một dòng sông mới mua thêm được 6 chai bia nữa. Trên đường trở về không may lại rơi vỡ mất 3 chai.
Cậu khóc lóc đem những mảnh vỡ thủy tinh đến trước mặt người thợ ảnh và trả lại họ tiền thừa. Những người có mặt ở đó không giấu nổi cảm giác ngạc nhiên và xúc động khi chứng kiến cảnh này.
Câu chuyện này khiến rất nhiều người ngoại quốc cảm động sâu sắc. Cũng chính nhờ thế mà sau đó, du khách đến nơi đây cũng ngày ngày một đông hơn.
Ảnh minh họa.
2. Cậu bé bán diêm
Có một vị thân sĩ giàu có người Anh sống vào thế kỷ thứ 18, vào một buổi đêm trên đường đi làm về, ông bỗng bị một cậu bé với quần áo lấm lem bẩn thỉu cản lại.
Cậu bé nói: "Thưa ngài, xin hãy mua giúp cháu một bao diêm".
Vị thân sĩ đáp: "Ta không mua đâu". Dứt lời vị thân sĩ liền tránh qua cậu bé rồi đi tiếp.
Cậu bé tiếp tục đuổi theo nài nỉ nói: "Thưa ngài, xin ngài mua giúp cháu một bao thôi, cả ngày hôm nay cháu vẫn chưa có thứ gì vào bụng".
Vị thân sĩ thấy không tránh được cậu bé nên đành nói với cậu: "Nhưng ta không có tiền lẻ".
Cậu bé nói ngay: "Thưa ngài, ngài cứ cầm lấy bao diêm trước, đợi cháu đi đổi tiền lẻ về đưa cho ngài".
Nói xong cậu cầm lấy tờ 1 bảng anh của vị thân sĩ kia rồi chạy đi thoăn thoắt. Vị thân sĩ sau đó chờ rất lâu mà vẫn chưa thấy cậu bé quay lại, ông mất kiên nhẫn nên quyết định trở về nhà.
Ngày hôm sau, khi vị thân sĩ kia đang làm việc trong văn phòng mình thì một nhân viên đến nói rằng có một cậu bé muốn gặp ông.
Thế là cậu bé được gọi vào. Cậu bé này thấp hơn cậu bé bán diêm hôm trước một chút, bộ quần áo trên người cũng có phần rách rưới hơn.
Cậu nói: "Xin lỗi chú, là anh trai cháu bảo cháu đến đưa trả cho chú số tiền lẻ hôm qua".
Vị thân sĩ hỏi: "Vậy anh trai cháu đâu?"
Cậu trả lời: "Anh cháu gặp tai nạn khi đang trên đường quay lại để trả cho chú tiền lẻ, hiện anh ấy đang bị thương nằm ở nhà ạ".
Vị thân sĩ bị sự chính trực của cậu bé kia làm cho cảm động, ông liền nói với cậu: "Đi thôi, chúng ta về xem anh trai cháu thế nào".
Nhà cậu bé chỉ có người mẹ kế đang chăm sóc cậu bé bị thương kia. Vừa thấy vị thân sĩ, cậu bé liên tục nói: "Cháu xin lỗi vì đã không đưa chú tiền lẻ ngay lúc ấy, xin lỗi vì cháu đã không giữ lời hứa với chú".
Vị thân sĩ lúc này thật sự bị sự chân thành của cậu bé làm xúc động. Sau khi biết được cha mẹ ruột của hai cậu bé đều đã mất, ông liền quyết định chu cấp toàn bộ những thứ cần thiết trong cuộc sống cho cả hai cậu bé.
3. Chủ tiệm sửa chữa xe hơi
Có một vị khách bước vào tiệm sửa chữa xe hơi, tự nhận là tài xế của một công ty vận chuyển nào đó.
Anh nói với người chủ tiệm: "Trên phiếu thu chi của tôi, nhờ ông ghi thêm vài linh kiện lên đó. Đợi sau khi tôi trở về thanh toán với công ty, tôi sẽ chia một phần tiền kiếm lời cho ông".
Nhưng ông chủ tiệm cự tuyệt yêu cầu này.
Vị khách vẫn kiên trì nói: "Việc kinh doanh của tôi cũng không nhỏ, sẽ thường xuyên đến đây, như thế ông chắc chắn sẽ kiếm được rất nhiều tiền từ tôi đấy".
Ông chủ tiệm bảo anh, chuyện này dù thế nào ông cũng nhất quyết không làm.
Vị khách nghe vậy rất tức giận, trách ông: "Ai mà chẳng làm như vậy, tôi thấy ông đúng là đồ ngốc".
Ông chủ tiệm cũng nóng nảy, muốn vị khách này lập tức rời khỏi, bảo anh đến chỗ khác mà bàn chuyện làm ăn.
Lúc này, trên mặt vị khách kia mới lộ ra vẻ mặt tươi cười, lòng đầy cảm phục, nắm tay ông chủ tiệm và nói: "Tôi chính là ông chủ của công ty vận chuyển kia, tôi vẫn đang tìm kiếm một tiệm sửa xe có chữ tín để làm ăn lâu dài, anh bảo tôi bây giờ phải đến nơi nào bàn chuyện làm ăn đây?"
Đối mặt với những cám dỗ mà lòng không dao động, cũng không bị mê hoặc. Cho dù bình đạm như mây trôi, mộc mạc như nước chảy, nhưng lại khiến người khác lĩnh hội được một loại cảm giác lớn lao như núi cao biển rộng. Đây chính là lòng thành tín, một kiểu nhân phẩm thanh cao mà đáng quý.
4. Mất mạng vì thói trở mặt
Trong "Úc Li Tử" có một câu chuyện được ghi lại như sau:
Ở Tế Dương (Trung Quốc) có một thương nhân nọ trong lúc ngồi thuyền qua sông, thật không may chiếc thuyền bị chìm.
Ông ta kêu cứu. Một ngư dân nghe thấy liền đến, thương nhân kia vội vàng hét lên: "Tôi là người giàu nhất ở Tế Dương, nếu anh có thể cứu tôi, tôi sẽ cho anh 100 lượng vàng".
Thật không ngờ, sau khi được cứu lên bờ, ông ta trở mặt không thực hiện lời hứa mà chỉ trả cho người đánh cá 10 lượng vàng.
Người đánh cá trách ông ta không giữ chữ tín, nói một đằng làm một nẻo nhưng gã thương nhân đã lạnh lùng nói: "Một mình anh đánh cá, cả đời cũng chẳng kiếm được mấy đồng, bây giờ tự nhiên kiếm được 10 lượng vàng, vẫn chưa hài lòng sao?"
Người đánh cá đành bỏ đi. Thật không ngờ là về sau, gã thương nhân lại bị lật thuyền một lần nữa ở đúng chỗ cũ. Có người muốn cứu ông ta nhưng người ngư dân đã từng bị lừa dối nói: "Hắn chính là kẻ không giữ lời hứa!"
Kết quả là, gã thương nhân chịu số phận chết chìm.
Lời bình
Thành tín (sự trung thực không dối trá, giữ chữ tín) là một phẩm chất tốt đẹp mà mọi người cần phải có, là một trong những mỹ đức đáng được ngợi ca.
Thành tín là nền tảng cơ bản không thể thiếu trong việc làm người, là sự tôn nghiêm của mỗi cá nhân, là đạo của tề gia, là cơ sở trong kết giao bằng hữu, là linh hồn của kinh doanh.
Thành tín còn là liều thuốc tốt của tâm linh. Người xưa có câu: "Phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên" nghĩa là: Quay về với thành tín, không gì vui hơn.
Chỉ có giữ được sự chân thành, trung thực, vô vi mới có thể khiến nội tâm không hổ thẹn; thản nhiên, điềm tĩnh mới mang đến cho con người tinh thần lạc quan nhất.
Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu "Một lần bất tín, vạn lần bất tin", câu nói này dù áp dụng ở thời nào cũng chẳng bao giờ sai.
Muốn được người khác tin tưởng, kính trọng, sẵn sàng giúp đỡ mình những lúc khó khăn thì phải nói được làm được, việc gì không làm được thì đừng nhận kẻo sẽ khiến mình trở thành người bất tín.
Khổng Tử cũng từng nói: “Người không có chữ tín sẽ chẳng làm nên việc gì.”
Chữ tín là gốc rễ trong mọi mối quan hệ! Đừng bao giờ để người khác mất lòng tin vào bạn, bởi khi người khác tin bạn, giá trị của bạn trong lòng người đó vô là cùng to lớn.
Pháp luật & Bạn đọc