“Một người hiếm khi buồn chán, không nhất thiết phải cần một môi trường bên ngoài thuận lợi mới có thể thưởng thức những khoảnh khắc, chính là đã vượt qua bài kiểm tra để đạt được một cuộc sống sáng tạo”, Mihaly Csikszentmihalyi - cha đẻ của thuyết Dòng chảy, và là cây đại thụ trong ngành Tâm lý học đương đại - chia sẻ.
Đường leo núi đầy hiểm nguy chực chờ. Người leo núi với hành trang trĩu nặng trên lưng. Sức mạnh nào giúp anh ấy nhấc hàng vạn bước chân để đứng được trên đỉnh núi cao vời vợi?
Tấm canvas trống trơn. Người họa sĩ chỉ với một vài ý niệm mơ hồ trong đầu. Động lực nào thúc đẩy cô dành hàng tháng trời làm việc trong đơn độc để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật lay động xúc cảm?
Chúng ta ngưỡng mộ những vận động viên, nghệ sĩ, những nhà khoa học, và bất cứ ai đạt được thành tựu nổi bật trong sự nghiệp của họ. Nhưng một số người lại cho rằng các nhân vật ấy vốn dĩ đã có sẵn lợi thế về trí tuệ, năng khiếu hay hoàn cảnh xuất thân, còn những ai có cuộc sống mờ nhạt hay bất hạnh là bởi ngay từ đầu họ đã không có được các nền tảng thuận lợi ấy.
Quan niệm trên xuất phát từ việc đặt nặng tác động của yếu tố ngoại cảnh lên chất lượng cuộc sống. Hầu hết, ta có xu hướng bỏ quên sức mạnh nội tại của mình. Nếu như vậy, tại sao trong suốt chiều dài lịch sử, với biết bao cuộc chiến tranh và thảm họa từ thiên nhiên, xã hội loài người vẫn tiến lên, các nhà khoa học vẫn đưa ra nhiều nghiên cứu giá trị, các nghệ sĩ vẫn làm ra tác phẩm đỉnh cao, và ông bà, cha mẹ vẫn vượt lên nghịch cảnh để nuôi ta nên người? Nếu như vậy, tại sao ở thời hiện đại, có đầy đủ điều kiện vật chất và cơ hội để thăng tiến, hưởng thụ thì vô số người vẫn không thể thoát khỏi nỗi chán chường và thất vọng triền miên?
Vì nghịch lý ấy mà tiến sĩ Tâm lý học người Mỹ gốc Hungary - Mihaly Csikszentmihalyi đã dành cả quãng đời của mình để nghiên cứu và đi tìm lởi giải.
Một người chịu nhiều thương tổn lại để cho đời một nghiên cứu đồ sộ về tâm lý học tích cực
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh châu Âu đầy hỗn loạn bởi chiến tranh và biến động chính trị, hai người anh trai đã hy sinh trong chiến tranh, người cha vốn là đại sứ Hungary ở Ý nhưng lại bị lưu vong vì từ chối làm việc cho chính quyền mới, Csikszentmihalyi hiểu rõ nghịch cảnh và cách mà chúng tác động lên chất lượng của cuộc sống.
Ông đã chứng kiến con người sống khổ sở và chật vật trong hoàn cảnh khốn cùng khi cả châu Âu tan hoang sau Thế chiến II. Nhưng đồng thời, ông cũng đã thấy thái độ sống lạc quan đáng ngạc nhiên ở một số người, như thể chẳng có bão tố nào dập tắt được niềm hoan ca thẳm sâu trong tâm hồn họ.
Từ chất liệu đời sống, Csikszentmihalyi cùng các cộng sự đã nghiên cứu và đưa ra thuyết Dòng chảy - bàn về những khía cạnh tích cực trong trải nghiệm của con người, những động lực nội tại và tiến trình hòa mình vào cuộc sống một cách trọn vẹn. Đặc biệt, những nghiên cứu về trải nghiệm tối ưu đã được Csikszentmihalyi trình bày một cách thân thiện với độc giả phổ thông thông qua cuốn sách “Flow - Dòng Chảy” - tác phẩm được xem là kinh điển của ngành Tâm lý học tích cực.
Thay vì liệt kê những bí quyết, những hành động độc giả nên hoặc không nên làm để có được hạnh phúc, Csikszentmihalyi dùng nhiều nghiên cứu và phân tích trải dài từ tâm lý học, triết học, tôn giáo và nghệ thuật để đi sâu vào gốc rễ của những vấn đề tâm lý mà mỗi cá nhân chúng ta phải đối mặt trong bối cảnh chung của xã hội. Sau mỗi thảo luận, một cánh cửa lại mở ra, đưa người đọc vào hành trình học hỏi và suy tưởng. Cứ như vậy, đọc cuốn sách “Flow - Dòng chảy” cũng là một cách để bạn tiếp cận trải nghiệm tối ưu.
Hạnh phúc nằm ở trải nghiệm, không phải kết quả
Khác với trạng thái chìm đắm vào những khoái lạc bản năng như rượu chè hay tình dục, cũng không phải cảm giác tự mãn khi sở hữu tài sản hay địa vị, trạng thái dòng chảy là kết quả của sự chủ động xây dựng thế giới nội tại.
Về cơ bản, theo thuyết Dòng Chảy, con người sẽ cảm nhận trọn vẹn sự hạnh phúc khi thực sự đắm mình vào hành trình trải nghiệm thay vì thành tựu, sẵn sàng đón nhận những biến đổi khôn lường như tham gia vào một trò chơi.
Sức mạnh của người leo núi đến từ việc quên đi quãng đường dài dằng dặc ở phía trước. Tư tưởng đây là một trải nghiệm gian khổ được thay thế bằng sự tận hưởng vẻ đẹp của mọi thứ trên cả chặng đường mà mình đi qua. Động lực của người họa sĩ đến khi cô thoát khỏi ý niệm mơ hồ ban đầu để thả mình vào dòng cảm xúc trong suốt quá trình vẽ tranh, rồi phác hoạ lại chúng bằng những màu sắc và nét cọ ngẫu hứng.
Khả năng tập trung cao độ đã khiến những nhân vật này mất đi ý thức về cái tôi, bởi thân-tâm của họ và môi trường xung quanh đã hòa hợp thành một thể thống nhất.
Bản thân niềm hạnh phúc đến từ việc thưởng thức khoảnh khắc hiện tại đã là một phần thưởng mà không một tác nhân ngoại cảnh nào có thể làm giảm đi giá trị của nó, như tác giả cũng đã viết “thành tố then chốt của một trải nghiệm tối ưu là nó nhắm đến đích đến là chính nó, hay nói cách khác, nó mang mục đích tự thân”.
Khi ở trong trạng thái dòng chảy để có trải nghiệm tối ưu, ta mới hiểu rằng, hạnh phúc không đến từ những kết quả đáng mơ ước, hay bất cứ tác nhân ngoại cảnh nào. Hạnh phúc đến từ cách ta nhìn nhận, thấu hiểu và hòa mình vào từng trải nghiệm trong cuộc sống.