Tôi thường bắt đầu lớp của mình với lí do liên quan (TẠI SAO) để giữ cho sinh viên chú ý. Liên quan là cái gì đó có nghĩa và thú vị cho học sinh. Chẳng hạn họ có thể đối diện với vấn đề gì khi họ đi làm? Mọi người thường phạm phải sai lầm gì và tại sao họ làm điều đó? Ý định là để cho họ biết lí do tại sao họ cần học tài liệu. Để thúc đẩy tính tò mò và sự quan tâm của họ, tôi thường dùng những bài báo hiện thời vẫn còn nóng sốt cho tâm trí họ để giải thích tại sao họ cần biết về tài liệu.
Chẳng hạn, vài ngày trước đã có một câu chuyện về một công ti lớn đã phí hoài vài triệu đô la vì người chủ không biết cái gì đã xảy ra trong dự án của công ti. Tôi bắt đầu lớp bằng việc hỏi: “Bao nhiêu người trong các em đã đọc bài báo “dự án ABCD” trong báo ra hôm nay?” Sau khi vài sinh viên giơ tay, tôi tiếp tục: “Em nào có thể kể cho thầy về vấn đề của dự án ABCD?”
Tôi chọn một sinh viên để tóm tắt bài báo rồi hỏi: “Vấn đề tại ABCD là gì?” Tôi để cho vài sinh viên nói chuyện về vấn đề rồi bắt đầu lớp: “Bây giờ, chúng ta nhìn thêm vào vấn đề quản lí dự án này.” Đến lúc này, phần lớn sinh viên đã quan tâm để học thêm.
Bước tiếp là giải thích các khái niệm tổng quan (CÁI GÌ) mà sinh viên cần biết. Chẳng hạn, tôi giải thích khác biệt giữa “Vòng đời quản lí dự án” (Khởi đầu, Lập kế hoạch, Thực thi, Kiểm soát và Đóng) và “Vòng đời phát triển phần mềm” (Yêu cầu, Thiết kế, Viết mã, Kiểm thử và Đưa ra) để chắc rằng sinh viên hiểu cả hai khái niệm cũng như khác biệt giữa hai khái niệm này.
Sau đó, tôi hội tụ vào chi tiết (THẾ NÀO). Chẳng hạn, pha Khởi đầu bắt đầu khi ai đó trong tổ chức có ý tưởng dự án; hay ý tưởng có thể tới từ khách hàng. Khởi đầu được hoàn thành khi các yêu cầu sơ bộ hay phát biểu phạm vi đã được chuẩn bị và người quản lí dự án đã được phân công cho dự án. Pha lập kế hoạch bắt đầu với việc phát triển bản kế hoạch dự án (như, hiến chương, yêu cầu, lịch biểu, chi phí, tài nguyên v.v.) Pha thực hiện không thể bắt đầu chừng nào bản kế hoạch dự án còn chưa được kiểm điểm, chấp thuận và tài nguyên là có sẵn. Pha kiểm soát là hành động để chắc rằng công việc được thực thi tương ứng với kế hoạch.
Việc kiểm soát được hoàn thành khi sản phẩm cuối cùng đáp ứng yêu cầu và chuẩn chất lượng. Pha đóng bắt đầu khi sản phẩm được khách hàng chấp nhận và tất cả công việc giấy tờ cần thiết được hoàn thành. Trong pha này, tổ dự án phải thảo luận điều họ đã học được trong dự án, cái gì đi đúng và cái gì đi sai, và làm tài liệu chúng cho các bài học rút ra cho tương lai.
Thầy giáo phải có ý thức rằng không phải mọi sinh viên đều hiểu rõ tài liệu vào lúc này. Họ có thể không nhớ các yếu tố quan trọng và điều họ nghe có thể nhanh chóng bị quên đi. Thầy giáo cần chọn một số sự kiện quan trọng mà họ muốn sinh viên biết và nhắc lại chúng nhiều lần trong thảo luận trên lớp.
Tôi thường kiểm điểm các lí do (TẠI SAO) và tổng quan các khái niện (CÁI GÌ) rồi yêu cầu sinh viên thảo luận chi tiết để đảm bảo rằng họ thực sự hiểu tài liệu. Chẳng hạn, tại sao người chủ công ti ABCD không biết về điều đã xảy ra trong công ti của ông ấy? Tại sao họ không thể dựa trên những người quản lí để báo cáo chính xác về tình trạng dự án? Sinh viên phải đi tới các câu trả lời như các lí do làm cho người quản lí dự án nói dối về tình trạng dự án (như, lập kế hoạch kém, thiếu kiểm soát, quá ngân sách, chất lượng thấp, và họ sợ mất việc làm v.v.)
Rồi câu hỏi được hỏi vè làm sao người chủ công ti giám sát được hiệu năng dự án, nếu họ không tin cậy vào người quản lí dự án? Sinh viên phải đi tới câu trả lời như phát triển nhóm giám sát như đảm bảo chất lượng hay tổ kiểm định. Thảo luận nên đi vào vấn đề về điều gì xảy ra nếu đảm bảo chất lượng hay tổ kiểm định không thể vượt qua được tác động của báo cáo sai dự án do người quản lí dự án làm. Sinh viên phải hiểu tầm quan trọng của tin cậy giữa những người báo cáo về tình trạng dự án và người lãnh đạo công ti, người nhận báo cáo.
Câu hỏi cuối cùng để thảo luận có thể là về điều gì xảy ra khi người chủ công ti bỏ qua những tin xấu. Sinh viên phải có khả năng nói thành thạo về cách những người lãnh đạo nên lắng nghe người của họ và coi trọng những tin xấu. Nếu họ không làm, các nhân viên sẽ ngần ngại báo cáo cáo tin xấu mãi cho tới khi cái gì đó thực sự xấu xảy ra, như trong trường hợp của công ti ABCD.
Tôi bao giờ cũng tin rằng sinh viên nên được yêu cầu làm nhiều hơn chỉ là nhớ sự kiện. Họ phải phát triển tư duy phê phán để phân tích bất kì tình huống nào và áp dụng tri thức của họ vào làm những thứ có nghĩa. Họ phải học qua hành, họ phải học bằng lắng nghe, họ phải học bằng thảo luận để cho họ có thể giải thích và soạn thảo công phu về khái niệm nhiều hơn điều thầy giáo dạy trên lớp. Bằng việc có môi trường học tập tích cực, nó sẽ khuyến khích sinh viên vẫn còn hội tụ và tham gia trong toàn bộ quá trình học, và giữ lại thông tin lâu hơn.