Hôm đó một sinh viên hỏi: “Công nghệ thay đổi nhanh chóng, việc gì sẽ xảy ra cho thị trường việc làm trong tương lai?”. Tôi nói rằng “không ai có thể biết việc gì sẽ xảy ra, nhưng thầy chắc chắn rằng khi các em tốt nghiệp, thị trường việc làm lúc đó sẽ khác với hôm nay. Là sinh viên các em cần chú tới những thay đổi này để điều chỉnh việc học của mình sao cho thích hợp”.
Đột nhiên một sinh viên nói: “Nếu biết trước tương lai, em sẽ đầu tư vào chứng khoán và kiếm ra nhiều tiền”. Khi cả lớp cười ầm lên, tôi thách thức: “Nếu thế các em sẽ làm gì nếu có nhiều tiền?”, cả lớp trở nên ồn ào khi một số sinh viên đưa ra những điều họ có thể mua như máy móc và các thiết bị điện tử.
Tôi tiếp tục: “Giả sử rằng em có thể mua được tất cả những thứ đó, nhưng vẫn còn dư ra nhiều tiền thì các em sẽ làm gì?”, mọi sinh viên đều đua nhau gợi ý: “Mua nhà, mua xe hơi, mua TV, mua thật nhiều thứ". Tôi hỏi: “Giả sử rằng mua xong, vẫn còn nhiều tiền thì các em sẽ làm gì?”, các sinh viên lại thêm nhiều thứ hơn vào danh sách của họ nhưng tôi vẫn tiếp tục thách thức.
Sau một hồi với danh sách đầy ắp mọi thứ. Một sinh viên thú nhận: “Nếu có mọi thứ mà em muốn thì em không biết phải làm gì với số tiền còn lại”. Phát biểu đó làm cho cuộc thảo luận đột nhiên dừng lại vì mọi sinh viên bắt đầu quay lại với thực tại. Tôi tiếp tục: “Trong trường hợp đó các em sẽ làm gì?”, lần này mọi sinh viên nhìn nhau, không ai muốn tiếp tục vì họ đă vét cạn danh sách những thứ mà tiền có thể mua được.
Tôi nói với sinh viên: “Không thành vấn đề các em có bao nhiêu tiền, các em vẫn muốn có thêm nữa. Tất nhiên, các em không thể có mọi thứ nhưng vì tham, một số trong các em sẽ làm bất kì điều gì, ngay cả việc bất hợp pháp, để có được điều em muốn. Đó là lý đó tại sao chúng ta có vấn đề vì mọi thứ bắt đầu bằng lòng tham. Các em tới trường để được giáo dục, điều đó có nghĩa là để biết bản thân các em, hiểu vai trò của các em trong xã hội. Việc biết bản thân mình sẽ giúp cho các em kiểm soát được việc làm, hành động của mình. Điều gì có thể làm, việc gì không thể làm. Biết bản thân mình chính là quá trình trưởng thành để hành động tương ứng. Đại học là thời gian tốt nhất để học về bản thân các em và phát triển tính cách của các em. Thời gian ở trường là thời gian tốt nhất để học nhiều điều vì các em còn trẻ, tâm trí còn tươi tắn. Nhưng khi học, các em phải dùng cả tâm lẫn trí để cho các em có thể áp dụng tri thức của mình tương ứng với vai trò của các em trong xã hội. Việc được giáo dục KHÔNG phải chỉ để phát triển kỹ năng mà còn cả về trách nhiệm nữa. Các em chịu trách nhiệm cho bản thân các em, cho gia đình các em, cho xã hội của các em, và cho toàn thể nhân loại nữa”
Một sinh viên cãi lại “Nhưng đâu có gì sai với việc có nhiều tiền?”.
Tôi giải thích: “Đúng thế, không có gì sai với việc có tiền nếu các em kiếm nó một cách lương thiện bằng tri thức và kỹ năng của mình. Nhưng nếu các em bị ám ảnh bởi tiền bạc và làm gì đó phi pháp để có tiền thì các em sẽ phải sống với hậu quả của việc mình làm. Vấn đề ở đây là là lòng tham, chứ không phải là tiền. Nếu các em để tiền bạc chi phối, ám ảnh, nó sẽ kiểm soát tâm trí các em. Khi đó các em có thể làm nhiều điều không tốt chỉ để có tiền. Hiện thời, phần lớn các em không có tiền nên các em ao ước có một số tiền. Vấn đề là khi các em có tiền, các em sẽ muốn có nhiều thêm nữa. Chung cuộc, các em không biết bao nhiêu là đủ và sẽ trở nên tham lam. Nếu không cẩn thận, các em sẽ bị chi phối bởi lòng tham này và có thể làm những việc trái với luật pháp. Tại sao các em cần được giáo dục? Nó có giúp cho các em hiểu bản thân các em tốt hơn không? Nó có giúp các em là người thông minh không? Giáo dục không phải là về có được tri thức kỹ thuật, nhưng giúp các em nhìn vào bức tranh lớn của việc sống một cách khách quan. Chức năng của giáo dục là để giúp cho các em đối diện với thực tại của thế giới mà các em đang sống bây giờ theo cách thông minh. Kỹ năng kỹ thuật các em có hôm nay sẽ không là kỹ năng mà các em dùng trong năm hay mười năm tới nhưng tri thức và sự hiểu biết mà các em đang phát triển hôm nay từ tâm trí và trái tim của các em sẽ ở lại cùng các em cả đời. Không ai có thể dự đoán tương lai sẽ ra sao? Nhưng các em có thể kiểm soát được các em sẽ là ai, các em sẽ trở thành người như thế nào. Các em sẽ đóng góp cho gia đình, xã hội, quốc gia và nhân loại như thế nào. Đó là lòng mong đợi của tôi và của tất cả những thầy cô đang dạy dỗ các em”.
- John Vu -