Tâm sự với khán giả về ngày tết, nữ danh ca tiết lộ bản thân “ghét năm con heo nhưng năm Kỷ Hợi – mùa xuân 1959 đã để lại rất nhiều kỷ niệm khó quên trong lòng cô”. Vì đây là cột mốc đánh dấu bước ngoặt Phương Dung đăng ký dự thi ca sĩ. Cô cho biết lúc đó cô là cô bé nhỏ nhất giữa hàng trăm thí sinh, trong đó có cả danh ca Thanh Sơn. Tuy nhiên, Phương Dung chỉ đoạt giải 4 vì bị “đánh rớt” về nhạc lý.
Từng hát nhiều ca khúc về mùa xuân, Phương Dung nhận định bản thân là người hoài niệm, luôn cảm thấy Tết xưa vui hơn Tết nay. Bởi vì, Tết xưa, cô thường cùng ông bà thức đêm nấu bánh chưng, bánh tét, làm mứt, được mặc quần áo mới, nhận lì xì đầu năm. Cô hóm hỉnh: “Bây giờ, ngày nào cũng mặc quần áo mới nên không còn sự mong chờ Tết”. Phương Dung cho rằng Tết nay không vui vì cô mất đi sự náo nức của một cô bé 12, 13 tuổi ngày xưa.
Phương Dung Tết tiết lộ ngày xưa từng theo mẹ hát tận 4 – 5 chương trình một đêm trong mùa Tết, bắt đầu từ đêm 30 Tết. Bây giờ khi đứng trên sân khấu hát về mùa xuân, Phương Dung nhớ đến những ngày hát ở các rạp Quốc Thanh, Hưng Đạo với cảm giác bồi hồi, nhớ nhung. Đôi lần đứng trên sân khấu hát, Phương Dung tự hỏi lòng còn có thể đứng trên sân khấu được bao lâu nữa?
Thời gian gần đây, danh ca Phương Dung gần như dành hẳn thời gian ở quê hương. Nữ danh ca dành phần lớn thời gian cho nghệ thuật và công tác thiện nguyện. Từ ngày chồng qua đời, các con vẫn thi thoảng về thăm cô. Hiện tại, nữ danh ca dùng thù lao đi hát góp sức với mọi người xây nơi nuôi hàng chục trẻ mồ côi ở Hóc Môn, TP.HCM. "Những ngày không đi hát, tôi về đây nấu nướng, chăm lo và dạy dỗ cho các con", cô kể.
Phan Phan