Đêm 22/8, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận một ca tai nạn trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân N.Đ.T., 32 tuổi, quê ở Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội, được đưa vào Khoa Cấp cứu vào lúc 23h51 sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Mặc dù không có tiền sử bệnh lý trước đó, bệnh nhân đã bị chấn thương đầu nặng và được chuyển từ Bệnh viện Đông Anh đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, xuất hiện nhiều dấu hiệu chấn thương nghiêm trọng như: hàm mặt sưng nề, tụ máu vùng bụng và chậu. T. được chẩn đoán mắc phải đa chấn thương nghiêm trọng chưa xác định rõ ràng. Bệnh viện đã nhanh chóng triển khai các xét nghiệm cần thiết.
Tình trạng nghiêm trọng của bệnh nhân đã khiến các bác sĩ quyết định chuyển ngay vào phòng mổ để tiến hành các can thiệp cần thiết vào lúc 1h30 ngày 23/8. Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực, tình trạng của T. tiếp tục xấu đi, phải chuyển sang Phòng Hồi sức ngoại vào lúc 2h58 để tiếp tục theo dõi.
Vào lúc 3h15 ngày 23/8, đội ngũ y bác sĩ đã tiến hành đánh giá lâm sàng và nghi ngờ bệnh nhân đã chết não. Sau ba lần kiểm tra kỹ lưỡng và chi tiết bởi các chuyên gia đầu ngành, kết quả cuối cùng đã khẳng định rằng, bệnh nhân N.Đ.T. không thể qua khỏi.
Quá đau khổ khi con trai tử vong đột ngột, bố mẹ anh T. đưa ra quyết định rất khó khăn, họ muốn cuộc sống của anh có thể tiếp tục theo một cách khác, nên đã đồng ý hiến tạng.
Theo TS.BS Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đây là lần đầu tiên, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nói riêng và cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế Hà Nội nói chung thực hiện lấy - ghép mô tạng từ người cho chết não.
Từ chiều 23/8, được sự hỗ trợ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã "chạy đua" xuyên đêm, để hoàn thiện quy trình thực hiện.
Hội đồng Chẩn đoán Chết não của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng đã tiến hành chẩn đoán chết não 3 lần theo quy định. Bệnh nhân được kết luận chết não.
Theo TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ngay sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cơ sở này đã xác định sẽ hỗ trợ không giới hạn để ca hiến - ghép tạng này được thực hiện thành công.
"Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn triển khai kỹ thuật này. Chúng tôi sẽ hỗ trợ hết sức để thực hiện ca hiến - ghép tạng thành công, tạo đà cho những lần sau. Thành công lần này, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn sẽ có thể có thêm danh mục kỹ thuật ghép tạng cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, mang lại giá trị rất cao cho người bệnh", BS Hùng cho hay.
Về phía Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đây cũng là lần đầu tiên cơ sở này thực hiện ghép tim, sau hơn 4 năm được đào tạo và chuẩn bị.
Để phục vụ công tác này, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trung tâm Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng đã tiến hành đánh giá chức năng tim của bệnh nhân trong ngày 23/8.
"Tạng hiến của bệnh nhân là món quà vô giá. Chúng tôi là những người mang món quà này đến với người nhận. Tôi tin rằng, sau 24 giờ nữa sẽ có thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống với sự phối hợp của tập thể các bệnh viện", BS Hùng bày tỏ quyết tâm trước "giờ G".
Tối 24/8, Hà Nội mưa tầm tã, bên trong phòng mổ số 5, Bệnh viện Xanh Pôn đột nhiên trở nên yên tĩnh, chỉ còn tiếng bíp của máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn.
Ngọn đèn không bóng chiếu sáng khuôn mặt của anh T. Khuôn mặt rắn rỏi và khỏe mạnh, với dấu vết của nắng, gió và sương giá của một vùng quê ngoại thành Hà Nội. Anh T. nằm lặng lẽ, như thể sau một ngày làm việc hết sức lực, anh cần được nghỉ ngơi thật lâu.
"Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước nghĩa cử cao đẹp của anh. Những gì anh để lại cho cuộc đời sẽ là món quà vô giá đối với những bệnh nhân hiểm nghèo...", vị bác sĩ thay mặt ekip đọc lời tri ân sau cuối. Tất cả nhân viên y tế cúi gập đầu bày tỏ sự cảm phục chàng trai trẻ.
Chỉ vài chục phút nữa, anh T. sẽ vĩnh biệt thế giới này, đó là những giây phút khó khăn nhất với các y bác sĩ và những người thân, khi phải chứng kiến sự ra đi của anh.
"Trận đánh lớn" tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn có sự hiệp đồng của lực lượng chính là hơn 60 y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
16h30, hệ thống máy móc được kết nối để theo dõi sát chỉ số sinh tồn của T. Thiết bị, dụng cụ mổ được chuẩn bị và kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho "trận đánh lớn" kéo dài nhiều giờ đồng hồ trước mắt.
Để đồng thời lấy - ghép tạng từ người cho chết não, hàng chục nhân sự ở nhiều vị trí khác nhau phải phối hợp ăn khớp như những bánh răng.
Ngay sát nơi đang diễn ra ca đại phẫu "cân não", 2 phòng mổ khác cũng sáng đèn. Trong phòng mổ số 4, kíp y bác sĩ gấp rút triển khai các phương tiện để xử lý và bảo quản tạng. Trong khi đó, ở phòng mổ số 5, công tác chuẩn bị cho 2 ca ghép thận cũng sắp sửa hoàn thành.
Đến tối, quả tim của bệnh nhân, sau nhiều thao tác y khoa, được lấy ra khỏi lồng ngực. Máy monitor chớp đỏ liên tục khi nhịp tim về "0". Trái tim nhanh chóng được đưa vào trong túi đựng dung dịch bảo quản, rồi bọc tiếp trong nhiều lớp nước đá, trước khi cho vào thùng bảo quản chuyên dụng.
Đây cũng là cơ quan được lấy ra sau cùng. Lý do là vì tim cần phải hoạt động cho đến thời điểm cuối cùng để duy trì tuần hoàn và cung cấp máu đến các cơ quan khác, đảm bảo chúng được bảo quản tốt nhất trước khi được lấy ra để cấy ghép. Quy trình này giúp tối ưu hóa khả năng thành công của việc cấy ghép các cơ quan.
20h, trời Hà Nội vẫn mưa như trút nước. 3 thùng đựng các cơ quan: tim, giác mạc và gan của người hiến được đưa lên xe cứu thương chờ sẵn ở sảnh bệnh viện. Xe chuyên dụng của lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội bật còi hú dẫn đường.
Đoàn xe lao vun vút trong đêm thẳng hướng Sân bay Nội Bài thực hiện sứ mệnh thiêng liêng: Thắp lên cuộc đời mới.
Do mưa lớn, một số điểm trên tuyến đường dẫn bị ngập úng, tổ CSGT đã chỉ đạo kíp dẫn thay đổi lộ trình, và yêu cầu các đội địa bàn tăng cường lực lượng phân luồng, hướng dẫn giao thông ở các nút giao để xe chở tạng và chuyên gia lưu thông bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Ngồi bên cạnh quả tim ở trên xe cứu thương là BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, ông đích thân ra Hà Nội tiếp nhận và vận chuyển trái tim này.
PGS Định chia sẻ, người nhận quả tim hiến là anh L.A.H. (SN 1987, ngụ tỉnh Gia Lai), được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim giãn, với chức năng tim rất kém. Nếu không ghép tim kịp thời, bệnh nhân sẽ không sống được bao lâu nữa.
Đến 20h40, các cán bộ, chiến sỹ Phòng CSGT đã hoàn thành nhiệm vụ, cùng các chuyên gia y tế đưa trái tim được hiến tặng đến sân bay Nội Bài, để chuyển đến TPHCM, ghép cho bệnh nhân ngay trong đêm 24/8.
Tại Sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an TPHCM đã huy động hàng chục mô tô chuyên dụng và gần 50 cán bộ chiến sĩ từ 4 đội nghiệp vụ để hỗ trợ đoàn vận chuyển tạng.
Mọi ngã tư trên lộ trình đều được lực lượng chức năng đảm bảo tín hiệu giao thông ưu tiên, giúp đoàn xe di chuyển liên tục mà không gặp trở ngại. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng cử đoàn gồm 2 xe cấp cứu, 2 xe hành chính ra sân bay đón đoàn.
Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị, đoàn xe chở trái tim hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất.
Trong phòng mổ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, chàng trai người Gia Lai, cơ thể suy kiệt sau thời gian dài "sống mòn" vì bệnh hiểm nghèo, đang chờ đợi "phép màu".
"Khi nhận được thông tin, toàn bộ hệ thống của bệnh viện đã được kích hoạt ngay lập tức. Có hai điều khiến chúng tôi rất thận trọng. Thứ nhất, người bệnh có áp lực động mạch phổi khá cao, có thể dẫn đến suy tim sau mổ, khiến quá trình hồi sức gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, người bệnh có nhóm máu Rh âm tính, một trường hợp rất hiếm gặp. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc xác định các kháng thể bất thường và chuẩn bị máu phù hợp cho ca mổ.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của giám đốc và sự tư vấn của Hội đồng chuyên môn Ghép tim, chúng tôi đã kịp thời chỉ định người bệnh và thực hiện ca mổ", PGS Định nói.
Ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng đồng hồ, tính từ khi trái tim được cấy ghép vào cơ thể người bệnh vào nửa đêm ngày 24/8. Tất cả các thành viên kíp mổ đều tập trung cao độ. Từng phút, thậm chí từng giây đều được các y bác sĩ tính toán cẩn trọng.
Cách đó 1.700km, thận của anh T. cũng đang được ghép cho 2 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Lá gan của chàng trai trẻ được đưa sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để ghép cho một bệnh nhân nặng. Giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân khiếm thị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Đến 3h ngày 25/8, trái tim của chàng trai Hà Nội đã bắt đầu nhịp đập đầu tiên trong lồng ngực "lạ", mang lại cuộc sống mới cho một sinh mệnh khác.
"Gia đình luôn lo lắng và đã chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất. Nhưng thật sự kỳ diệu, em tôi đã được cứu sống. Chúng tôi vô cùng biết ơn toàn thể ekip y bác sĩ, bệnh viện vì đã xử lý tình huống rất nhanh chóng và chu đáo; thực sự rất xúc động và biết ơn tất cả những người giúp đỡ em tôi có được cơ hội sống thứ hai.
Gia đình cũng muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến gia đình người hiến tạng ở Hà Nội. Chúng tôi sẽ không thể nào quên ơn này", anh trai bệnh nhân được ghép tim xúc động chia sẻ.
PGS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM chia sẻ, dù đã ở ngoài lồng ngực 7 giờ nhưng trái tim vẫn an toàn. Đây là niềm tự hào về tinh thần kết nối một lòng vì sự sống của người bệnh.
"Hàng trăm trái tim đã cùng nhịp đập hối hả để một trái tim lại tiếp tục được đập cho một hành trình sống mới. Đó cũng chính là sứ mệnh mà tất cả chúng ta đều mong muốn sẽ được làm hết sức mình", PGS Nguyễn Hoàng Bắc nói.
Tại Hà Nội, sức khỏe của hai bệnh nhân được ghép thận đều đang tiến triển tốt, các chỉ số theo dõi cơ bản ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, lượng nước tiểu ra tốt.
Trong đêm mưa tháng 8, chàng trai trẻ Hà Nội lặng lẽ ra đi, để lại cơ hội cho 4 bệnh nhân được hồi sinh và 2 bệnh nhân sẽ lần đầu tiên nhìn thấy ánh sáng trở lại.