Sức mạnh của sự trầm lắng - Những bí quyết giúp bạn tránh xao lãng khi đang lắng nghe

Lyn27/09/2022 08:00
Sức mạnh của sự trầm lắng - Những bí quyết giúp bạn tránh xao lãng khi đang lắng nghe

Trong Sức mạnh của sự trầm lắng (Quiet Influence), Tiến sĩ Jennifer Kahnweiler đã chỉ rõ những bí quyết để tránh xao lãng khi đang lắng nghe để có thể tạo nên sự khác biệt cho mình trong cuộc sống lẫn công việc.

Ngạn ngữ Nga có câu: “Con người mất ba tuổi để học nói, tuy nhiên phải mất cả cuộc đời để học lắng nghe”. Khi biết lắng nghe một cách chú tâm, bạn sẽ hiểu và thông cảm cho người khác, biết người khác hiện tại như thế nào và muốn gì, nhờ đó, con người có thể khiến cuộc sống tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu trong vài thập niên vừa qua cho thấy các chủ doanh nghiệp đều cho rằng kỹ năng lắng nghe là một trong những kỹ năng mà họ mong chờ nhất ở nhân viên của mình. Họ cho rằng, lắng nghe một cách chú tâm và sâu sắc sẽ đóng vai trò thiết yếu trong môi trường kinh doanh, nơi mà một sự hiểu nhầm có thể đáng giá đến hàng ngàn hoặc hàng triệu đô, hoặc khi lắng nghe một khách hàng, nhân viên có thể giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và gia tăng những nhân tố cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong cuốn sách Sức mạnh của sự trầm lắng tựa gốc: “Quiet Influence”, Tiến sĩ Jennifer Kahnweiler đã dành thời gian để phân tích thế mạnh này để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò và giá trị mà kỹ năng lắng nghe thấu đáo mang lại cho mỗi người. Bên cạnh đó, tác giả cũng chỉ cho bạn đọc những bí quyết để tránh xao lãng khi đang lắng nghe để có thể tạo nên sự khác biệt cho mình trong cuộc sống lẫn công việc. Dưới đây là một vài bí quyết sau đây để cải thiện khả năng tập trung của bạn:

Sách Sức mạnh của sự trầm lắng tựa gốc: “Quiet Influence”- tác giả Tiến sĩ Jennifer Kahnweiler

Tự đặt câu hỏi trong đầu cho bản thân. Khi bạn cần tập trung lắng nghe ai đó bàn luận về một vấn đề mà bạn không thấy có hứng thú, hãy đặt trong đầu những câu hỏi để bản thân tự trả lời về vấn đề đó. Những câu hỏi này sẽ giúp bạn tập trung chú ý vào vấn đề bạn đang lắng nghe và nhắc bạn lưu ý nhiều hơn vào những khía cạnh mà bạn có thể muốn biết thêm.

Vận động thân thể. Hãy học hỏi vị thẩm phán thông thái trong phiên tòa xét xử một tội phạm giết người mà tôi sẽ kể sau đây. Trong phiên tòa, cứ sau mỗi tiếng đồng hồ, thẩm phán lại quay sang bồi thẩm đoàn và yêu cầu: “Xin mời bồi thẩm đoàn đứng lên”. Ông giải thích rằng ông làm vậy là để giúp bồi thẩm đoàn giữ được sự tỉnh táo, vì ngồi quá lâu có thể khiến họ đánh mất khả năng lắng nghe sáng suốt và nhạy bén cần thiết đối với bồi thẩm đoàn. Tương tự, bạn cũng có thể cải thiện khả năng tập trung lắng nghe bằng cách đứng lên sau mỗi hai mươi phút, và có thể vừa đi loanh quanh vừa nói chuyện điện thoại hoặc nghe một bài diễn thuyết ở dạng audio.

Bỏ qua những thành kiến tiêu cực: Những thành kiến đó có thể xuất phát từ cách ăn mặc, tóc tai, giọng nói, cách sử dụng từ ngữ… của đối tượng khiến chúng ta đưa ra những lý lẽ để bác bỏ những thông tin từ người nói. Điều này không chỉ ngăn cản sự lắng nghe của bản thân mà còn ảnh hưởng đến giao tiếp về sau thậm chí là dẫn đến những cuộc tranh cãi không đáng có. Thay vì vậy, hãy đặt mình vào vị trí đối phương và cho họ cơ hội để trao đổi thay vì chỉ nghĩ về những đánh giá tiêu cực của bản thân dành cho họ.

Đừng làm việc khác trong khi đang lắng nghe. Mặc dù việc nói chuyện điện thoại khi đang lái xe ô-tô hay đi bộ trên phố đông đúc giúp bạn tiết kiệm thời gian, nhưng làm nhiều việc cùng một lúc khiến bạn không thể thật sự lắng nghe. Thay vì vậy, nếu có thể, bạn hãy hẹn lại cuộc nói chuyện điện thoại vào thời điểm nào đó khi bạn ít bị phân tâm hơn để có thể tập trung lắng nghe.

Gác lại những ý nghĩ khiến bạn phân tâm. Bạn có bao giờ phát hiện mình đang suy nghĩ vẩn vơ đủ thứ chuyện - về những việc chưa hoàn thành ở cơ quan, về chuyện sẽ nấu món gì cho bữa tối, hay bạn cần gọi cho mẹ - nên khó có thể tập trung lắng nghe người khác nói không? Những suy nghĩ lan man như thế khiến bạn khó mà chú tâm đến những sắc thái biểu cảm trong lời của người nói. Để cải thiện khả năng tập trung chú ý của mình, bạn hãy gác lại những suy nghĩ này để chúng “tạm lánh an toàn ở một nơi” trong lúc bạn thật sự lắng nghe. Chúng luôn chờ bạn ở đó cho đến khi bạn có thể quay trở lại với tâm thế sẵn sàng.

Lắng nghe thấu đáo sẽ giúp tạo ra sự đồng cảm, gây dựng lòng tin và thuyết phục người khác quan tâm đến ý tưởng của bạn - những yếu tố giúp làm nên các mối quan hệ tin cậy cần thiết cho việc gây ảnh hưởng. Ngoài việc lắng nghe người khác, bạn cũng cần nói ra ý tưởng hay đề xuất của mình để mọi người có thể quan tâm lắng nghe bạn.

Tuy đóng vai trò quan trọng, nhưng Lắng nghe thấu đáo chỉ là một trong những kỹ năng mà các chủ doanh nghiệp mong chờ ứng viên của mình. Chính vì vậy, bên cạnh việc bạn cần phát huy thế mạnh này để hiểu được quan điểm mà mọi người đưa ra từ đó khuyến khích mọi người tham gia chia sẻ, đồng thời thông qua tương tác và đối thoại chủ động, thúc đẩy các ý tưởng của mình phát triển thì bạn cũng phải không ngừng học hỏi những kiến thức và kỹ năng mới mẻ trong công việc nếu muốn tạo được dấu ấn trong công việc.

Ngoài ra, trong cuốn sách Sức mạnh của sự trầm lắng, ngoài kỹ năng lắng nghe Tiến sĩ Jennifer cũng chỉ ra những thế mạnh khác mà bạn có thể rèn luyện như: Dành thời gian dễ tĩnh lắng, chuẩn bị, trao đổi có trọng tâm, sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng, viết lách để bất kỳ ai cũng có thể tự truy xét lại tính cách của mình, từ đó tìm ra thế mạnh của riêng bản thân và có cách luyện tập phù hợp giúp bạn phát huy hết khả năng để làm nên điều khác biệt một cách đột phá và tức thì trong công việc cũng như trong cuộc sống.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024