Có đồng nghiệp thường xuyên nhận sách tôi mua giúp tôi hỏi: "Anh bận vậy mà đọc nhiều sách thế á?"
Tôi trả lời: "À vì anh có CÁCH ĐỌC khác mọi người."
Về cách đọc, thực ra tôi không đọc hết số sách tôi có đâu, và không bao giờ đọc đủ số trang sách một cách lần lượt (chắc chắn vậy!). Tôi khá chắc nhiều chuyên gia, các tiền bối của tôi cũng không đọc trọn từng trang trong cả cuốn bao giờ. Tôi nghĩ việc cứ lấy số lượng ra mà đếm rồi đo xem ai đọc được nhiều hơn, thì có thể còn nguy hiểm hơn là không đọc. Nó là thuốc bổ, nhưng cũng là độc được nếu sai cách.
Cách đọc của tôi ở đây không phải là cách đọc để nhớ, để thuộc, để thẩm, để đo lấy nhiều, để khoe... mà là CÁCH ĐỌC GẮP KIẾN THỨC LÀM GIÀU KIẾN THỨC CÓ CHỦ ĐÍCH VÀ CÓ HỆ THỐNG.
Chuyên gia marketing chiến lược Đoàn Đức Thuận trong một hội thảo tại Jakarta, Indonesia |
Đọc sách trước hết phải nói là việc tốt. Sách mang giá trị cung cấp kiến thức, thông tin chiêm nghiệm, thường cô đọng tâm huyết của người viết. Nó sẽ có nhiều giá trị với một số nhóm người và ít giá trị hơn với một số nhóm người khác.
Nhưng, ngày nay sách quá nhiều, quá dài, quá dày về vật lý và thời gian chúng ta quá ....ít ỏi. Việc nạp kiến thức cũng là một sự đánh đổi thời gian giữa các phương pháp (mà đọc sách chỉ là một thôi).
Người xưa (thậm chí đến tận vài chục năm trước) quý sách vì đó là kênh gần như duy nhất để chuyển giao, thu nạp kiến thức, bèn đem việc đọc nhiều hay đọc ít để đánh giá sự tiếp nhận kiến thức chủ động - vốn là một lối đi đến thành công.
Nhưng ngày nay ngoài sách có Google, Youtube, Bách khoa toàn thư, có cả ChatGPT nữa... Nếu ta phung phí quỹ thời gian ít ỏi vào đọc từng cuốn (riêng lẻ), từng trang, từng chương, ngày qua ngày... thì ngẩng mặt dậy chắc ta miên man mụ mị, mất bao thời gian với đời rồi.
Đọc hết cuốn Chiến lược Đại Dương Xanh mất cả tuần nhưng xem video recap nội dung ở Youtube chỉ mất 10' để biết và hiểu 70-80%, lại sống động thú vị (còn nói chuyện với Thuan Doan thì chỉ 5' thôi :D). Do vậy, đọc sách quá nhiều cũng có những ảnh hưởng tiêu cực (mất rất rất rất nhiều thời gian, mẩt cảm giác kết nối thực tế và chìm trong thế giới của những thông tin lý thuyết, quan điểm, định kiến vì không có tự kiểm nghiệm qua hành động, đọc quyển này xong quên quyển kia, mất tư duy bức tranh lớn nếu quá stick vào một vài cuốn, tận tín thư bất như vô thư - đọc nhiều sách mê muội tin sách - thì thà đừng có sách còn hơn ...).
Cách đọc sách (hay đúng ra là cách khai thác kiến thức theo thời gian từ sách), theo tôi nên là:
Mua và đọc sách có chủ đích, theo chủ điểm mà mình quan tâm (việc chủ đích chủ điểm này phải đi trước, rồi bạn phải tự biết tự chọn là thích tâm lý, tài chính, nhân sự hơn hay là kinh doanh.... ví dụ thế). Chủ điểm mình quan tâm là một bức tranh lớn, thì các miếng ghép được giải thich, bàn luận qua các cuốn sách khác nhau.
Việc có chủ điểm xác định khiến ta có hứng thú với việc "cuốn sách này giúp mình giải quyết vấn đề X của chủ điểm đó như thế nào, và cuốn kia thì lại giải quyết với một cách khác như thế nào". Đọc sách từ mục lục, đọc nhiều mục lục của các sách cùng chủ đề để ngày càng hoàn thiện chủ điểm mình quan tâm (nêu ở trên). Đọc ngẫu nhiên không chủ điểm, không mục đích thì chỉ nên làm với những sách thuộc loại cực nổi tiếng với tính tác động bao quát cao.
Với mỗi cuốn sách nên đọc lướt, đọc bao quát để nắm được tiếp cận và nội dung bóc tách. Các trang quan trọng nhất trong cuốn sách thường là những trang mục lục và những trang có tranh ảnh, mô hình, đồ họa; còn lại là những trang ví dụ, thông tin giải thích, thậm chí nhiều khi là bôi ra cho đủ dày thành sách ....
Không đọc kỹ từng trang ngay lần đầu vì đọc kỹ mất thời gian, và chìm trong tiếp cận riêng của cuốn sách đó (có thể bị bias). Cần hiểu cuốn sách đó còn ở đó và (có thể) nên được đọc lại vì theo thời gian, chủ điểm mình quan tâm ngày càng được tập hợp nhiều thông tin hơn (từ các nguồn khác ngoài sách), mình chỉ cần biết chủ điểm đó có những cuốn tham khảo đó. Khi vào tình huống cụ thể, hãy tìm lại cuốn đó và ngấu nghiến từng trang nếu cần.
Đọc để "gắp" thông tin chứ không phải để nhớ, thuộc. Việc có cái bút highlight là quan trọng để note lại (trước khi quên sau đó 15').
Tủ sách với trí thức như tủ thuốc với thầy lang. Thầy không cần mua một vị thuốc về để tầm bổ riêng ngay và luôn vị đó, mà thầy mua dần rồi kết hợp các vị khác nhau thành bài thuốc phù hợp cho từng bệnh.
Người trí thức có cả một tủ sách đồ sộ, không phải để họ thuộc ghi nhớ làu làu từng cuốn, mà họ biết vấn đề gì, có những cuốn gì tham khảo, và những cuốn đó giải quyết tổng lực cho vấn đề thế nào, và cần là có tham khảo chi tiết ngay.
Có một tập hợp hàng chục cuốn sách về chủ điểm mình quan tâm, là một động lực vô hình do những cuốn sách đó tạo ra, khuyến khích mình củng cố, sắp xếp và xây dựng một bức tranh hiểu biết về chủ điểm đó một cách...tỉnh thức :D. Và thấy cuốn nào hay trong chủ điểm mình quan tâm thì cứ mua thôi, thuốc có hỏng chứ sách giấy thì lâu hơn nhiều!