Kim Dung là một trong những tác giả nổi tiếng và thành công nhất với thể loại truyện kiếm hiệp. Các bộ truyện của ông không chỉ được xuất bản thành sách mà còn vô cùng thành công trên màn ảnh, trò chơi điện tử và tạo ra làn sóng văn hóa ở châu Á.
Trong các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp kinh điển như Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ… luôn có những cao thủ dù chỉ qua lời kể của nhân vật khác nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người hâm mộ. Có thể kể đến một số người như Tiêu Dao Tử, Hoàng Thường hay Vương Trùng Dương… Trong số họ, có một đại cao thủ chưa từng trực tiếp xuất hiện nhưng được nhắc tới nhiều nhất qua các bộ tiểu thuyết khác nhau. Và giới võ lâm đều công nhận vị này là thiên hạ vô địch, đó là ai?
Độc Cô Cầu Bại được xem là nhân vật huyền thoại của võ lâm dù ông chưa bao giờ xuất hiện thật sự trong các tiểu thuyết của Kim Dung. Dựa trên các chi tiết được nói tới thì có thể xác định nhân vật này sống trong giai đoạn đầu thế kỷ 12.
Qua lời kể của các nhân vật khác, Độc Cô Cầu Bại là một cao thủ có võ công đạt mức lư hỏa thuần thanh, đặc biệt là trình độ kiếm thuật vô địch. Ông tung hoành giang hồ suốt một đời mà chưa từng bị thất bại, không tìm được đối thủ của mình. Thời gian đầu ông ta luôn mong chờ một người có thể đánh bại ông ấy, nhưng sau đó mong muốn của Độc Cô Cầu Bại giản dị hơn, đó là tìm ra người có thể khiến ông quay kiếm về phòng thủ.
Về già ông chỉ ước có người đỡ được 10 chiêu kiếm, nhưng thủy chung đến cuối đời vẫn không ai có thể giúp ông hoàn thành tâm nguyện. Ông cô độc cho đến chết mà chỉ mong được một lần bại trận nên có tên là "cầu bại".
Độc Cô Cầu Bại có biệt hiệu là Kiếm Ma, ông được đề cập đến chi tiết trong hai bộ tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp, Tiếu ngạo giang hồ và rất ngắn gọn trong bộ Lộc đỉnh ký.
Độc Cô Cầu Bại được người trên giang hồ tôn là đệ nhất cao thủ bởi bộ kiếm pháp tuyệt học Độc cô cửu kiếm. Độc cô cửu kiếm được coi là triết lý đặc sắc của Đạo gia đề cao việc sử dụng kiếm thuật một cách linh hoạt, người luyện kiếm pháp này sẽ trở thành một cao thủ kiếm khách, có thể phá giải hết tất cả võ học trong thiên hạ. Luyện đến cảnh giới cuối cùng có thể dùng bất cứ thứ gì làm kiếm, đạt tới cảnh giới "vô chiêu thắng hữu chiêu".
Tên gọi Độc cô cửu kiếm của môn kiếm pháp này bắt nguồn từ việc nó có 9 chiêu thức chính: Tổng quát thức, phá kiếm thức, phá đao thức, phá chưởng thức, phá thương thức, phá tiên thức, phá sách thức, phá tiễn thức, phá khí thức.
Uy lực của nó cũng gần như bao trùm mọi loại võ công khác trên thiên hạ, khi có thể khắc chế mọi môn binh khí, chưởng pháp, nội công.
Thậm chí, cả một người không có nội lực cũng có thể nhờ Độc cô cửu kiếm đả thương một võ lâm cao thủ khác.
Đúng như tên gọi, mỗi thức của Độc cô cửu kiếm chính là khắc tinh của một loại binh khí, chưởng pháp cũng như ám khí.
Ví dụ một tay cao thủ sử dụng đao pháp gặp, chắc chắn sẽ không tránh nổi kết cục thảm bại. Ám khí, cung tên sẽ trở thành vô dụng trước, còn chưởng pháp, khí công gặp phải Phá chưởng thức, Phá khí thức e rằng cũng chẳng thể tung hoành nổi nửa chiêu.
Phong Thanh Dương được cho là nhân vật duy nhất luyện được Độc cô cửu kiếm đến cảnh giới cao nhất, được xếp vào 1 trong 3 đại cao thủ của Tiếu ngạo giang hồ. Lệnh Hồ Xung chỉ luyện Độc cô cửu kiếm một thời gian ngắn nhưng đã trở thành cao thủ kiếm thuật, thậm chí đánh bại cả những truyền nhân của Tịch Tà kiếm phổ như Nhạc Bất Quần và Lâm Bình Chi.
Trong Thần điêu hiệp lữ, Dương Quá không học kiếm thức của Độc cô cửu kiếm, nhưng dựa theo kiếm ý của Độc Cô Cầu Bại để tu luyện, sau cũng trở thành nhân vật có nội công thâm hậu bấc nhất trong Thần điêu hiệp lữ.
Trong tiểu thuyết Lộc đỉnh ký, Độc Cô Cầu Bại và cả nhân vật Lệnh Hồ Xung được nhắc đến ngắn gọn qua lời của nhân vật Trừng Quan đại sư: "Cổ nhân nói võ công luyện tới mức xuất thần nhập hóa thì như linh dương móc sừng lên cây để ngủ, không có dấu vết nào mà tìm được. Nghe nói ngày trước có vị Độc Cô Cầu Bại đại hiệp và Lệnh Hồ Xung đại hiệp dùng vô chiêu thắng hữu chiêu, vô địch trên đời...".
*Nguồn: Sohu, Sina