Trong các tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, Hoa Sơn luận kiếm là một sự kiện đặc biệt của giới võ lâm. Những đại cao thủ sẽ được mời tới núi Hoa Sơn để thi đấu. Sau đó, năm người mạnh nhất sẽ được mệnh danh là Ngũ tuyệt thiên hạ. Ngũ tuyệt thiên hạ sẽ đại diện cho năm phương hướng đông, tây, nam, bắc và trung tâm.
Hoa Sơn luận kiến được nhắc tới trong 2 tiểu thuyết là Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ. Hoa Sơn luận kiếm xảy ra theo định kỳ khoảng hơn 20 năm một lần. Tổng cộng trong các tác phẩm của Kim Dung có nhắc đến 3 kỳ luận kiếm.
Trong các lần Hoa Sơn luận kiếm thì lần đầu tiên được đánh giá là nổi tiếng nhất. Mục đích của sự kiện này là để tìm ra người có võ công mạnh nhất thiên hạ. Đồng thời, các cao thủ muốn tìm ra chủ nhân cho cuốn Cửu Âm chân kinh – một pho võ công cực kỳ thần diệu mà cả giang hồ đang tranh giành chiếm đoạt.
Kỳ Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất này diễn ra giữa mùa đông giá buốt. Có 6 người được mời tới tham dự kỳ luận kiếm này gồm: Vương Trùng Dương, Hoàng Dược Sư, Âu Dương phong, Đoàn Trí Hưng, Hồng Thất Công và Cừu Thiên Nhận. Tuy nhiên Cừu Thiên Nhận tự thấy võ công còn chưa đủ hỏa hầu nên không đến dự. Vậy nên trên đỉnh Hoa Sơn chỉ có 5 người còn lại và đồ đệ của Vương Trùng Dương là Vương Xứ Nhất.
5 người tham gia luận kiếm thuật, võ công, tay ra chiêu sử thức khắc địch chế thắng, đánh nhau liên tục trong vòng 7 ngày 7 đêm. Sau 7 ngày 7 đêm long tranh hổ đấu, Vương Trùng Dương võ công nhỉnh hơn 4 người kia, được bọn họ tôn là võ công đệ nhất thiên hạ đồng thời đoạt được Cửu Âm Chân Kinh. Bốn người còn lại võ công tương đương bất phân cao thấp.
Từ đó định ra Ngũ tuyệt thiên hạ gồm, Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Bắc Cái Hồng Thất Công và Trung Thần Thông Vương Trùng Dương.
Tuy nhiên, trang tin Sohu lại đưa ra luận điểm tiếc nuối đối với việc 2 đại cao thủ này không tham gia Hoa Sơn luận kiếm, nếu họ thi đấu thì kết quả đã khác. Vậy họ là ai?
Cừu Thiên Nhận là Bang chủ Thiết Chưởng Bang. Cừu Thiên Nhận có biệt hiệu là Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu, nổi tiếng với tuyệt chiêu "Thiết Chưởng" và công phu "Thủy thượng phiêu" (môn khinh công đi trên mặt nước).
Môn công phu đúng như tên gọi mỗi đòn đánh ra đều cứng rắn như thép, là võ công cương mãnh thuộc hạng nhất trong thiên hạ, chưởng lực sắc bén không gì nỡ nổi.
Trong truyện Anh hùng xạ điêu, Hoàng Dung bị trúng môn chưởng pháp này, tưởng rằng phải vong mạng. May nhờ Quách Tĩnh cõng nàng vượt núi tìm đến Nam đế Đoàn Trí Hưng (theo chỉ dẫn của Anh Cô). Ông đã dùng môn Nhất Dương Chỉ để cứu mạng cho Hoàng Dung. Và phải đánh đổi bằng việc bị hao tổn sức lức, mất võ công trong 5 năm.
Cừu Thiên Nhận được mời tới Hoa Sơn luận kiếm nhưng từ chối. Trên thực tế, võ công của Cừu Thiên Nhận được mô tả chỉ thua kém Ngũ tuyệt một chút. Công phu Thiết Chưởng của lão so với Nhất Dương Chỉ của Nhất Đăng Đại Sư cũng ngang ngửa. Nếu toàn lực thi triển Nhất Dương Chỉ thì Nam Đế có thể thắng công phu Thiết Chưởng một, hai chiêu thức.
Lâm Triều Anh được mô tả là một võ học kỳ tài, có võ công cao hơn 4 người trong Thiên hạ ngũ tuyệt và bất phân thắng bại với Trung Thần Thông - Vương Trùng Dương.
Bà tự sáng tạo ra Ngọc nữ tâm kinh chuyên khắc chế kiếm pháp của phái Toàn Chân, nhưng khi hai thứ kiếm pháp kết hợp lại thì gọi là Ngọc nữ tố tâm kiếm pháp.
Sau này, Vương Trùng Dương trở thành thiên hạ đệ nhất và sở hữu Cửu âm chân kinh, ông muốn dựa vào đó nghĩ ra cách hóa giải được Ngọc nữ tâm kinh nên đã đem Cửu âm chân kinh khắc trong mộ để hậu nhân của phái Cổ Mộ biết được. Có điều, Ngọc nữ tâm kinh là do Lâm Triều Anh tự sáng tạo ra, còn Vương Trùng Dương thì phải dựa vào bí kíp của người khác nên so ra thực lực vẫn kém Lâm Triều Anh một bậc.
Từ những thông tin trên, có thể thấy, nếu hai đại cao thủ là Cừu Thiên Nhận và Lâm Triều Anh tham gia kỳ Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất thì có thể kết quả cuộc tỉ thí và người giành được đã Cửu Âm chân kinh đã khác.
*Nguồn: Sohu, Sina