Trong các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung, nhiều nhân vật phản diện được miêu tả có võ công cao cường. Tuy nhiên, một số người dù có thực lực mạnh nhưng không thoát khỏi số phận nghiệt ngã. Cao thủ phản diện dưới đây là một trong số đó. Người này là ai?
Theo trang Sohu, nhân vật được đề cập tới trong bài viết này là Kim Luân Pháp Vương. Kim Luân Pháp Vương là nhân vật trong Thần điêu hiệp lữ. Trong truyện, Kim Luân Pháp Vương là Đệ nhất quốc sư Mông Cổ, và là nhân vật phản diện chính của bộ tiểu thuyết.
Lần đầu tiên Kim Luân Pháp Vương xuất hiện là tại Anh hùng đại yến. Tại đây lão cùng 2 đệ tử là Hoắc Đô và Đạt Nhĩ Ba tỉ thí võ công với các cao thủ võ lâm Trung Nguyên nhằm trở thành đệ nhất minh chủ võ lâm. Ý đồ này bị Dương Quá và Tiểu Long Nữ phá đám khi ra mặt tỉ thí cùng ông ta. Lúc này võ công Kim Luân Pháp Vương hay sử dụng là Ngũ luân, môn võ công rất lợi hại, nhưng bị khắc chế bởi Song kiếm hợp bích của Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Tuy nhiên, khi trận chiến đã ngã ngũ, Kim Luân vẫn cố chấp không chịu rút lui, Quách Tĩnh bất ngờ tung ra một chiêu Giáng Long chưởng khiến lão bị thương và phải bỏ đi.
16 năm sau, Kim Luân Pháp Vương trở lại Trung Nguyên. Lúc này lão đã luyện thành Long tượng bàn nhược công, môn công phu bí truyền của phái Mật Tông ở Tây Tạng.
Nghe nói mỗi đòn Long tượng bàn nhược công đánh ra bằng đại lực của mười con voi mười con rồng. Môn võ công này tuy có thiên hướng phật môn nhưng lại có nhược điểm luyện tầng càng cao, sát ý càng mạnh, càng khó nắm bắt được tâm tính của bản thân. Nếu không thể khống chế được bản thân, thần công sẽ trở thành tà công.
Môn công phu này gồm có 13 tầng. Tầng thứ nhất dễ luyện nhất, dù là người ngu dốt, chỉ cần một, hai năm cũng luyện thành. Tầng thứ hai khó gấp đôi tầng thứ nhất, tốn ba, bốn năm luyện tập. Tầng thứ ba khó gấp đôi tầng thứ hai, tốn bảy hoặc tám năm. Cứ thế càng về sau càng khó hơn, thường phải tốn mấy chục năm khổ luyện. Mười ba tầng của Long tượng bàn nhược công chưa có ai luyện thành.
Chỉ duy nhất Kim Luân Pháp Vương là có thành tựu cao nhất, nhờ khổ luyện, tiến cảnh cực nhanh, cuối cùng vượt qua được tầng thứ 9 cam go, đạt đến tầng thứ 10
Lúc bấy giờ trình độ võ công của Kim Luân đã sánh ngang với Ngũ tuyệt thiên hạ.
Khi lão dẫn Quách Tương đến Tuyệt Tình Cốc tìm Dương Quá, lão bị 3 đại cao thủ võ lâm là Hoàng Dược Sư, Đoàn Trí Hưng và Chu Bá Thông vây đánh và điểm huyệt lão. Lúc này Long tượng bàn nhược công của Kim Luân Pháp Vương đã luyện tới cấp thứ 10 trong số 13 cấp độ. Mỗi đòn Long tượng bàn nhược công đánh ra bằng đại lực của mười con voi mười con rồng. Chu Bá Thông đã dùng Cửu âm chân kinh đấu với ông ta. Chu Bá Thông đã nói rằng sức mạnh của Kim Luân Pháp Vương là chưa từng có. Cả hai đấu qua đấu lại rất lâu, chứng tỏ trình độ võ công của ông ta có thể so sánh với Chu Bá Thông.
Tại trận chiến ở thành Tương Dương, Kim Luân Pháp Vương từng khiến Dương Quá suýt mất mạng. Lúc này, Kim Luân Pháp Vương chiếm thượng phong do Dương Quá vì vui mừng khi gặp lại Tiểu Long Nữ nên bộ chưởng pháp Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng không dùng được nữa (bộ chưởng này chỉ khi lòng đầy buồn bã mới phát huy hết sức mạnh).
Khoảnh khắc lúc đó được Kim Dung miêu tả như sau: "Dương Quá cảm thấy một luồng chưởng phong áp xuống đỉnh đầu, chính là Kim Luân Pháp Vương phát chưởng tập kích. Dương Quá tung chưởng nghênh tiếp, bùng một tiếng, hai luồng kình lực đụng nhau, hai người cùng loạng choạng, cái thang gỗ rung chuyển mấy cái tựa hồ sắp gãy. Hai người cùng kinh ngạc, thầm thán phục đối thủ lợi hại. Dương Quá cảm thấy chưởng lực của Pháp vương quá trầm hùng, chàng chưa từng gặp đối thủ nào như thế".
Đang lúc cái chết cận kề, Dương Quá đau lòng vì sắp phải xa lìa Tiểu Long Nữ nên xuất thần tung ra một tuyệt chiêu "Đà nê đới thủy" trong Ám nhiên tiêu hồn chưởng thay đổi cục diện, khiến Kim Luân Pháp Vương ngã xuống khỏi đài cao, cuối cùng lão chết trong đám cháy.
Đáng tiếc cho Kim Luân Pháp Vương – cao thủ phản diện dù là một bậc kỳ tài hiếm thấy nhiều đời trong phái Mật Tông nhưng lại chết tức tưởi khi chưa hoàn thành tâm nguyện là tìm truyền nhân cho bộ Long tượng bàn nhược công.
Nhiều độc giả hâm mộ truyện của Kim Dung nhận định rằng, nếu Kim Luân Pháp Vương đã luyện tới tầng cuối cùng của Long tượng bàn nhược công e rằng không chỉ Dương Quá mà các đại cao thủ của Trung Nguyên cũng không phải đối thủ của ông ta.
*Nguồn: Sohu, Sina, 163