1. Đừng quản lý thời gian, hãy quản lý kỹ năng và kiến thức
Có một mô hình tôi rất thích và cũng khá dễ nhớ, đó là "bloom taxonamy" - hiểu một cách đơn giản, đây là kim tự tháp có 6 nấc ám chỉ khả năng học hỏi của một người gồm các bậc từ thấp tới cao lần lượt từ "nhớ", "hiểu", "ứng dụng", "phân tích", đến "đánh giá" và "phát minh".
Thông qua các trải nghiệm của tôi với bạn học, đồng nghiệp, học viên hoặc thậm chí là chính người thân trong gia đình, tôi thấy mọi người thường làm tốt 3 nấc thang đầu tiên, tức là có thể ứng dụng được. Tuy nhiên, nếu không tiến tới các nấc thang sau thì gần như bạn sẽ không bao giờ thượng thừa ở một thứ gì. Hầu hết những bạn tôi từng gặp phân tích một sự vật, hiện tượng khá hời hợt nhưng lại rất nhiệt tình đánh giá nên kết luận các bạn đưa ra thường không sâu, dẫn tới việc kiến tạo ra những cách thức làm việc mới thường không ổn.
Các bạn nên "bật" lại thói quen phân tích đa chiều mọi thứ diễn ra xung quanh mình bởi vốn chế độ này đã luôn có trong mỗi con người. Nhưng vì những ngăn cản không đáng có của môi trường mà ta dần tắt đi chế độ này, từ đó tắt luôn cả chế độ "phát minh" và tiếp nhận kiến thức một cách thụ động hơn. Điều này sẽ hạn chế việc các bạn hiểu được nguyên lý của các sự vật hiện tượng - một điều cốt yếu cần có để một người có thể gia tăng năng suất.
Vì thế để thượng thừa một điều gì đó, bạn cần đi xa hơn bước "ứng dụng". Bạn nên liên tục đặt câu hỏi và mài giũa kỹ năng của bản thân để có thể làm một việc ở mức độ tốt nhất có thể. Đó là quá trình liên tục làm, đúc rút, chỉnh sửa rồi làm lại. Điều này không chỉ áp dụng trong công việc, nó được áp dụng trong tất cả khía cạnh của cuộc sống từ thứ phức tạp như tình yêu cho tới thứ đơn giản như lái xe máy.
Nếu bạn muốn phát triển một khía cạnh nào thì nên đầu tư công sức để đạt đến cảnh giới làm một cách tự nhiên như ăn cơm vậy. Nhiều bạn thường mắc vấn đề với quản lý thời gian, tuy nhiên, tôi thấy các bạn có vấn đề kỹ năng thì đúng hơn. Vì khi bạn tốn nhiều thời gian hơn để làm một việc và quỹ thời gian trong ngày lại có hạn, chắc chắn bạn sẽ mất thời gian ngủ, mất thời gian ăn và không đủ thời gian chăm sóc cảm xúc của bản thân. Mấu chốt của vấn đề là bạn cần làm một thứ nhanh hơn nhưng mức độ hiệu quả không được giảm chứ không phải cố gắng duy trì một đống thứ bản thân làm không tốt trong 24 giờ đồng hồ.
2. Cách học nhanh nhất là bắt chước, cách bắt chước hiệu quả nhất là tìm người giỏi cái đó
Đầu tiên là bắt chước, tôi có một thói quen là cứ thấy cái gì hay thì sẽ làm theo, không cần nghĩ nhiều trừ khi nó có khả năng để lại các hệ lụy nghiêm trọng. Ví dụ thấy một người làm marketing hay, tôi sẽ học cách họ làm vài case study rồi cầm đi áp dụng hoặc thấy một người ném rổ hay, tôi sẽ lập tức học theo các tư thế mà họ đang thực hiện. Điều khác ở đây là tôi áp dụng tốt điều 1 để tìm ra điểm thích hợp cho bản thân, ở đó sẽ giao thoa mỗi kiến thức một ít.
Những ví dụ này tuy rất đơn giản nhưng khái quát nên tôi thấy đó là một thói quen tốt. Tôi là một người rất logic nhưng vẫn thấy việc "nhất định phải hiểu tường tận" một cái gì đó thì mới làm là không cần thiết, vì có những cái không làm sẽ không hiểu nổi. Nếu cứ ngồi đấy và mong hiểu hết mới làm thì bạn sẽ chả hiểu cái gì cả. Hãy cứ bắt chước và liên tục đặt câu hỏi, đấy vẫn luôn là cách lớn lên của một đứa trẻ: bắt chước một cách có chọn lọc.
Tiếp theo, tìm người giỏi ở đâu? Cách tôi thường làm là học - học cách nói ngôn ngữ của những người mình muốn tiếp cận. Tôi thấy có 2 cách nhanh nhất để gần gũi với một người là có chung sở thích hoặc có chung một người để nói xấu. Tất nhiên, tôi chọn phương án 1; hơn nữa, tôi thấy không nhất thiết phải là sở thích, chỉ cần dừng lại là cùng nói chuyện được về 1 chủ đề mà cả 2 hứng thú bàn luận là được rồi.
Hoặc ở một số khía cạnh, thay vì học cách nói ngôn ngữ của họ, thì mình thể "trông giống họ". Ví dụ, cách nhanh nhất để chơi với 1 coder là đọc qua những thứ cơ bản về lập trình hay muốn giao lưu với một người làm thẩm mỹ, bước đầu bạn chỉ cần học về da một chút thôi. "Học" với tôi luôn là tấm vé để bước vào cái bể của những người thích những thứ kiến thức đó.
Bản chất là để có một fast-track trong đời, bạn cần công cụ và cách sử dụng công cụ sao cho hiệu quả, cũng như người ta chế ra đồ đá, đồ sắt rồi hơi nước và giờ nó là 5G luôn rồi. Nếu vào được những môi trường tốt thì các công cụ của bạn sẽ tốt, từ đó tốc độ bạn đi sẽ nhanh hơn một chút vì xuất phát điểm cao hơn người bình thường. Còn để nhanh hơn nhiều chút và về đích sớm hơn thì hoàn toàn vẫn là sự cố gắng của bản thân thôi.
3. Mục tiêu rõ ràng, mà có 4 tận bước để làm, các bạn làm được mấy bước?
Hai bước đầu rất đơn giản, đó là biết mình muốn gì và ghi mục tiêu ra giấy. Mục tiêu không cần phải là cái gì quá to lớn đâu, miễn bạn thực sự muốn nó là được. Chẳng hạn, lý do duy nhất để tôi bắt đầu không muốn đến công ty làm việc "9 to 5" là vì tôi không muốn kẹt xe, còn viết mục tiêu ra giấy chủ yếu là để ngày nào cũng nhớ về mục tiêu.
Bước 3, bạn cần cảm nhận chi tiết mục tiêu của mình. Tôi đã thực sự tưởng tượng, khi kiếm được 5000 USD đầu tiên tôi sẽ mua một chiếc phân khối lớn của Kawasaki, sau này suy nghĩ này chuyển thành muốn đi du lịch, muốn thả dù... và tôi muốn rất chi tiết.
Bước 4, hãy nói mục tiêu của bạn cho người khác. Bạn nên nói ra vì khi đó bạn sẽ có trách nhiệm thực hiện hơn, để người khác không nói bạn "xạo". Với những người tin bạn, hãy cứ nói ra vì chắc chắn một số lúc trên chặng đường dài, bạn sẽ xao nhãng và rồi có đứa nó bảo "à thế mà dám hứa là ..." là bạn sẽ tỉnh ra ngay, lại lao đầu vào cố gắng. Tuy nhiên, nên thoải mái điều chỉnh và phát triển mục tiêu qua từng thời kỳ.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị