Có một lần, Đức Phật đến giáo hoá ở kinh đô Shravasti của vương quốc Kosala. Ngài sống tại tịnh xá Jetavanavihāra nằm ở phía nam ngoại thành Shravasti.
Hôm ấy, có một thanh niên trẻ thuộc đẳng cấp Bà-la-môn đã đến. Anh ta bất mãn với việc anh trai mình xuất gia theo Phật nên đã tức giận chửi rủa Đức Phật với những lời lẽ gay gắt trước mặt Người. Đức Phật yên lặng nghe hết những lời chửi rủa của thanh niên trẻ tuổi này, rồi Người mới hỏi lại anh ta: "Này cậu, bạn bè người thân của cậu có từng đến nhà thăm cậu không?"
"Có chứ, Cồ-đàm! Vậy thì sao?"
"Cậu có từng chuẩn bị đồ ăn để tiếp đãi bạn bè người thân ghé thăm mình không?"
"Có."
"Vậy nếu họ không ăn những món cậu chuẩn bị, vậy thì những thứ cậu chuẩn bị cuối cùng sẽ thuộc về ai?"
"Nếu họ không ăn, những thức ăn đó tất nhiên vẫn là của tôi rồi."
"Phải rồi đó, cậu đến trước mặt ta, phỉ báng lăng mạ ta, những lời sỉ nhục đó ta đều không nhận. Vậy thì những lời nói khó nghe ấy cuối cùng sẽ thuộc về ai?"
"Cồ-đàm! Tuy ông không nhận, nhưng tôi đã cho ông rồi."
"Này chàng trai, ta không nhận thì cậu cho đi kiểu gì?"
"Vậy ông nói xem thế nào là nhận, thế nào là cho đi? Thế nào là không nhận? Thế nào là không phải cho đi?
"Chàng trai trẻ, nếu như cậu mắng ta, ta quay lại mắng trả cậu; cậu tức giận với ta, ta cũng quay lại nổi giận với cậu; cậu đánh ta, ta cũng đánh trả lại cậu; cậu đấu chọi ta, ta đấu chọi lại cậu, như vậy là có sự chấp nhận của ta, cậu cũng hoàn thành được việc cho đi.
Ngược lại, nếu như ta không lấy lời chửi rủa để đáp trả lại chửi rủa của cậu, không lấy sự tức giận đáp trả lại sự tức giận, không lấy nắm đấm đáp trả lại nắm đấm, không dùng cách tranh giành đáp trả lại sự tranh giành, vậy thì sẽ không có cái gọi là nhận và cậu cũng sẽ không thực hiện được việc cho đi."
"Cồ-đàm! Tôi từng nghe những người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn lớn tuổi, có đức hạnh của chúng tôi nói rằng, những người giác ngộ giống Như Lai, A-la-hán sẽ không tức giận, cũng sẽ không nổi nóng khi đối mặt với lời chửi rủa nhục mạ của người khác. Vậy bây giờ ông có thấy tức giận không?"
Nghe vậy, Đức Phật trả lời: "Kẻ luôn ôm oán giận trong lòng, còn có việc gì khiến anh ta không tức giận?
Cậu phải hiểu rằng, người giỏi điều chỉnh bản thân để sống đứng đắn sẽ không có lòng oán giận, huống chi là người đã giải thoát, hoàn toàn sống dựa vào chánh trí, chánh tuệ!
Lấy sự tức giận đáp trả lại tức giận, đó là người tồi tệ, là việc tồi tệ.
Chỉ có những người không sự bình thản đáp trả lại sự giận dữ, nóng nảy mới có thể thắng được cuộc chiến khó thắng nhất. Bởi người đó không những hiểu rõ tại sao đối phương nóng giận mà còn có thể giúp bản thân bình tĩnh lại và suy nghĩ đến chánh niệm.
Bằng cách đó, người đó không những có thể chiến thắng được người khác mà còn chiến thắng được bản thân mình, để cả ta và người đều có lợi, là bác sĩ tốt cho cả đôi bên.
Nếu có kẻ nào cho rằng những người ứng xử như vậy là ngu ngốc, đó chẳng qua cũng chỉ là một kẻ vô tri không hiểu chánh pháp.
Không oán giận sẽ chiến thắng oán giận; làm việc thiện sẽ chiến thắng cái ác; bố thí sẽ chiến thắng tham lam; thành thật sẽ chiến thắng dối trá.
Bậc thánh hiền sẽ không nổi lòng oán giận, cũng sẽ không có ý nghĩ hại người khác.
Nhưng kẻ ác thì luôn cố chấp với ánh mắt thù hằn, sân hận, không những vậy, sự sân hận đó còn cố hữu, khó thay đổi.
Lòng oán hận giống như một con ngựa đang chạy lồng lên; ngựa chạy ắt phải cần đến dây cương để ghìm nó lại, tiết chế, kiểm soát nó.
Thế nhưng dây cương chế ngự con ngựa đang lồng lên đó đó vẫn không thể so sánh được với khả năng chế ngự của nội tâm.
Bởi vậy ta mới nói, người chế ngự tài giỏi nhất thế gian này không phải là người cầm trong tay sợ dây cương để chế ngự con ngựa đang mất kiểm soát."
Trí thức trẻ