Trong một cuộc trò chuyện gần đây, Fadell được hỏi về thứ quan trọng nhất mà ông học được từ Steve Jobs. "Kể chuyện, kể chuyện, kể chuyện". Đó là câu trả lời của Fadell.
Điều đáng mừng là bạn cũng có thể học được kỹ năng này từ Steve Jobs.
Bán giấc mơ chứ không phải sản phẩm
Không ai mua một sản phẩm cả, họ chỉ muốn mua giải pháp cho một vấn đề mà thôi. Nhưng Steve Jobs còn đưa phương châm này lên mức độ cao hơn. Đúng vậy, ông đã bán một giải pháp. Với những khách hàng muốn một thiết bị di động nằm giữa một chiếc smartphone và một chiếc laptop nhỏ, Jobs đã tạo ra iPad. Nhưng mỗi sản phẩm đều được định vị để phục vụ một nhu cầu cốt yếu nào đó.
"Những gì chúng tôi làm không phải là tạo ra các sản phẩm để giúp người ta làm một việc gì đó, mặc dù chúng tôi làm việc này khá tốt. Về cơ bản, Apple còn hơn thế", Steve Jobs từng nói. "Chúng tôi tin rằng những người có đam mê có thể thay đổi cả thế giới, và chúng tôi làm ra sản phẩm cho những người như thế".
Trước khi bạn mở ra một ứng dụng thuyết trình (PowerPoint, Apple Keynote), hãy làm rõ bạn đang muốn nói gì bằng cách xác định người nghe là ai. Họ hy vọng và khao khát điều gì? Giấc mơ sự nghiệp của họ là gì? Hãy đảm bảo rằng sản phẩm hay ý tưởng của bạn giúp họ biến giấc mơ thành hiện thực.
Tìm ra "kẻ xấu" để loại bỏ
Một câu chuyện có mở đầu, diễn biến và kết thúc. Nhưng một câu chuyện hay có người hùng, kẻ xấu, thử thách và những chi tiết gây hồi hộp. Jobs đã nâng tầm khái niệm này để biến các bài thuyết trình thành những câu chuyện đầy hấp dẫn.
Buổi giới thiệu Macintosh vào năm 1984 là một ví dụ rõ rệt. Bài giới thiệu của Jobs thậm chí còn tuân theo khuôn mẫu 3 hồi của các bộ phim Hollywood.
Hồi I: Sắp đặt
"Đó là vào năm 1958. IBM bỏ qua cơ hội mua một công ty còn non trẻ vừa sáng tạo ra một công nghệ mới gọi là "xerography" (công nghệ in tĩnh điện). Hai năm sau, công ty Xerox ra đời. Từ đó trở đi IBM luôn tự trách mình. Tiếp đến 10 năm sau. IBM loại bỏ máy tính mini vì chúng quá nhỏ để làm công việc tính toán và không quan trọng với hướng kinh doanh của họ."
Ở đây, Jobs giới thiệu nhân vật và mô tả kẻ xấu cần phải bị loại bỏ - IBM. Ông cũng nêu lại bối cảnh lịch sử về sự phát triển máy tính cá nhân. Sân khấu đã chuẩn bị sẵn để sản phẩm "người hùng" xuất hiện và cứu rỗi tất cả.
Hồi II: Chạm trán
"Bây giờ là năm 1984. Hóa ra IBM muốn tất cả. Apple được coi là niềm hy vọng duy nhất mang lại lợi ích cho IBM. Các tay môi giới e sợ về một tương lai trong đó IBM sẽ thống trị và kiểm soát tất cả. Họ hướng về Apple như thế lực duy nhất có thể đảm bảo một tương lai tự do cho họ. IBM muốn tất cả và hướng họng súng về phía trở ngại cuối cùng – Apple."
Ở đây, Jobs tạo ra một câu chuyện như giữa David và gã khổng lồ Goliath. Thậm chí cả từ ngữ mà ông sử dụng cũng mang tính kịch.
Hồi III: Giải pháp
Steve Jobs bước ra giữa sân khấu và bật mí người hùng, chiếc Macintosh đầu tiên. Ông lấy ra một chiếc đĩa mềm từ trong túi, đưa vào máy và để Macintosh "tự giới thiệu".
Đây là một ví dụ kinh điển về kết thúc của người hùng – chinh phục kẻ xấu và biến đổi thế giới. Và mọi người sống hạnh phúc mãi mãi.
Câu chuyện của bạn không nhất thiết phải kịch tính như thế. Đa phần một câu chuyện có thể nằm dưới dạng một giai thoại giải thích tại sao bạn nảy ra ý tưởng gì đó.
Tody Fadell thường kể câu chuyện về việc xây một ngôi nhà sử dụng hiệu quả năng lượng ở Hồ Tahoe, California. Ông tìm một chiếc máy điều nhiệt trên thị trường, nhưng mọi sản phẩm đều có quá ít chức năng, giá lại cao và thiếu hiệu quả sử dụng năng lượng. Ông nhận ra rằng ai cũng phải đối mặt với những khó khăn tương tự. Fadell quyết định thiết kế lại chiếc máy điều nhiệt và Nest Labs ra đời.
Lần tới nếu bạn phải chuẩn bị một bài thuyết trình, hãy nghe lời khuyên của thầy phù thủy vĩ đại nhất trong thế giới công nghệ: kể chuyện, kể chuyện, kể chuyện.
Theo Tổ quốc