Sinh ra tại ngôi làng miền núi ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, Tống Thanh Hoa đã mê vẽ từ nhỏ, thậm chí thầy cô, bạn bè luôn dành nhiều lời ngợi khen cho những tác phẩm của anh. Tuy nhiên, người đàn ông sinh năm 1976 lại luôn bị chính gia đình mình ngăn cản, bởi bố mẹ luôn muốn con trai chăm chú vào học tập để thay đổi tương lai.
Thậm chí, bố mẹ yêu cầu Thanh Hoa nếu không tập trung vào việc học thì sẽ không được chạm vào bút vẽ. Anh đành lòng làm theo lời bố mẹ nhưng tâm trí cũng không thể tiếp thu được kiến thức. Thanh Hoa học kém đến nỗi không nhận được bằng tốt nghiệp cấp 2. Không muốn con mình chịu khổ, bố anh đã hướng dẫn con quản lí ao cá. Nhưng tâm hồn bay bổng nghệ thuật cũng không cho phép anh thu nạp những gì bố nói.
Tức giận, bố anh nói thẳng trước mặt con trai: "Học không giỏi, làm nông cũng chẳng được, con định sau này sẽ sống ra sao?". Nhiều lần nín nhịn sau khi bố mẹ ép buộc đi tìm việc, lần này, Thanh Hoa quả quyết: "Con sẽ sống bằng nghề vẽ". Tuy nhiên, bố chỉ vào những bức tranh Thanh Hoa vẽ và so sánh chúng là “đống rác rưởi”.
Sau lần hai bố con cãi nhau lớn như vậy, Thanh Hoa thấy tóc bố bạc hơn, những nếp nhăn cũng nhiều hơn bởi ông đã lo lắng quá nhiều cho con trai. Không muốn bố mẹ suy nghĩ nhiều về mình như thế, Thanh Hoa quyết định đi hỏi vợ, nhưng người con gái anh quen hơn 1 năm đã mau chóng kết hôn với một người đàn ông giàu có. Lại một lần nữa, anh thất vọng.
Năm 1999, cuộc đời của anh đón một sự thay đổi lớn, anh kết hôn cùng với một cô gái ở làng bên luôn ngưỡng mộ những bức tranh của mình. Hạnh phúc chẳng kéo dài bao lâu khi Phó Ái Kiều nhận ra công việc vẽ tranh của chồng khiến cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền của gia đình cô lâm vào khốn khó. Trong mắt cô, chồng là người khá lười biếng, đặc biệt sau khi đứa con đầu lòng ra đời.
Bị thúc giục, Thanh Hoa lên thành phố đi làm trong nhà máy điện tử nhưng rồi cũng sớm nghỉ việc, trở về nhà và tiếp tục vẽ tranh. Dù từng nhìn thấy vợ khóc trước mặt nhưng anh cũng không thể "ép" mình làm công việc mình không thích. Anh tiếp tục vùi mình vào niềm đam mê còn vợ làm việc bên ngoài một mình. Ở độ tuổi 35, Thanh Hoa đã sở hữu khoảng 10.000 bức tranh.
Lại tiếp tục bị thúc giục, Thanh Hoa đành làm công việc giao sữa theo lời vợ nói. Một hôm, anh tình cờ gặp người bạn cũ khi đang đi giao sữa. Người bạn làm việc ở thành phố lớn, về thăm quê bỗng nhớ ra Thanh Hoa đam mê vẽ nên đã đề nghị về nhà anh ngắm tranh. Được tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh của người bạn, Lôi đã cầm điện thoại chụp lại và đăng tải lên MXH. Là người từng tham gia nhiều triển lãm tranh cao cấp nhưng Lôi cũng phải khẳng định nhiều bức tranh còn không đẹp bằng tranh Thanh Hoa vẽ.
Nhờ có chia sẻ của Lôi mà ngay sau đó, Thanh Hoa đã nhận được lời đề nghị mua tranh đầu tiên với giá 5.000 tệ (17 triệu đồng). Những bức tranh tiếp theo của anh cũng nhanh chóng được nhiều người trả giá. Thậm chí, anh còn được một phòng tranh ở Bắc Kinh mời tổ chức một buổi triển lãm cá nhân. Và hiển nhiên, anh không thể bỏ lỡ cơ hội này. Sau này, một trong những bức tranh của Thanh Hoa được mua tới giá 1,3 triệu tệ (khoảng 4,5 tỷ đồng).
Tên tuổi của Thanh Hoa ngày dần nổi tiếng, năm 2015, người ta thường nhắc tới anh với cái tên "họa sĩ nông dân". Dù liên tục được mời lên Bắc Kinh làm việc nhưng anh từ chối, muốn ở lại làng quê vì đây là nơi cho anh nhiều cảm hứng để vẽ nhất. Cuộc sống của anh cũng đã thay đổi tốt hơn, vợ anh không còn phải ra ngoài làm việc vất vả. Anh đã xây cho bố mẹ và vợ con một ăn biệt thự lớn cũng như anh cũng chẳng còn lo sợ những lời gièm pha, chỉ trích mà hoàn toàn thoải mái theo đuổi niềm đam mê.
Nguồn: 163, Toutiao.