Những ngày đầu mùa đông, trong căn phòng rộng chừng 40m2, anh Hoàng Anh đang tỉ mẩn cắt may, thiết kế trang phục cho những cô búp bê dân tộc xinh xắn. Vừa làm, anh vừa lần giở lại những câu chuyện thuở xưa, trước khi anh bén duyên với công việc chế tác phục trang dân tộc cho những cô búp bê.
Anh nói, bản thân vốn sinh ra ở Làng cổ Đường Lâm nhưng phố cổ (Hà Nội) lại là nơi lớn lên và chắp cánh cho những giấc mơ trên con đường nghệ thuật của mình.
Ngay từ nhỏ, anh đã được tiếp xúc với nhiều đoàn khách du lịch, được nghe họ giới thiệu về những sản phẩm lưu niệm truyền thống. Tuy nhiên điều khiến anh trăn trở nhất là búp bê làm quà lưu niệm vẫn chưa được ưa chuộng.
Hàng ngày, thấy những hình ảnh những cô búp bê bằng giấy, bằng len bị chất một chỗ trong quầy lưu niệm, không có khách hỏi mua khiến anh chạnh lòng. Thế nên, anh luôn ấp ủ mong muốn phát triển quà lưu niệm từ những cô búp bê sao cho đẹp nhất, tinh xảo nhất và mang đậm dấu ấn Việt Nam.
Trước khi bắt tay vào thực hiện, anh Hoàng Anh nói dành ra hai năm để đi thực tế tại các bản làng của người Việt, một phần thu thập chất liệu sáng tác, một phần cùng bà con sinh hoạt để lấy cảm hứng thực hiện nhuần nhuyễn trên từng sản phẩm búp bê.
Kết thúc hai năm khăn gói đi tìm chất liệu riêng, năm 2011 anh Hoàng Anh bắt tay vào chế tác trang phục dân tộc thu nhỏ.
Đôi tay thuần thục đưa từng mũi kim, anh Hoàng Anh nói, mỗi dân tộc có một trang phục riêng với những hoa văn độc đáo, từ màu sắc, hình dáng, quần áo, khăn, vòng cổ, các họa tiết… đều phải đúng với nguyên bản trang phục mỗi dân tộc.
Với một số dân tộc, phụ nữ có chồng cách ăn vận cũng khác các thiếu nữ. Nên phải am hiểu sâu sắc nét văn hóa truyền thống của các dân tộc mới có thể làm nên những cô búp bê có hồn. Chính vì vậy, công việc thu nhỏ trang phục dân tộc cho búp bê không phải dễ.
"Thời gian đầu, mình phải đến tận nơi cảm nhận đời sống của họ, nghe họ chia sẻ những câu chuyện dân gian, xem họ mặc trang phục truyền thống và ghi nhớ lại, có như thế khi về xuôi mới có thể khơi nguồn cảm hứng sáng tác được", anh Hoàng Anh cho biết.
Thiên hướng nghệ thuật và bàn tay tài hoa, qua đường chỉ, mũi kim, anh đã "biến hóa" thành nhiều cô búp bê dân tộc thu nhỏ với đường nét thiết kế hoa văn tinh xảo y hệt như bản gốc của người dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng...
Nguyên liệu để may trang phục cho búp bê chính từ chất liệu truyền thống như thổ cẩm, lụa của dân tộc Việt.
Từ ý thích ban đầu, anh Hoàng Anh đã tự mày mò, tìm cách chế tạo búp bê khởi đầu bằng việc đi khảo sát, nghiên cứu văn hóa, trang phục của đồng bào 54 dân tộc Việt như Mông, Dao, Hà Nhì, Lô Lô… và sáng tạo nên bộ sưu tập búp bê dân tộc Việt độc nhất vô nhị này.
Dưới bàn tay khéo léo của người họa sĩ, hình ảnh chị em dân tộc sống động được trau chuốt tỉ mỉ từ gương mặt, cử chỉ, chất liệu vải, hoa văn trên váy, hay những vật dụng gắn liền với đời sống thường nhật của họ như dùi, chiêng, trống, đôi dép, khăn, mũ, đồ trang sức… tất cả đều mang hơi thở đặc trưng của từng dân tộc.
Chẳng hạn phụ nữ Dao có tới 30 kiểu trang phục. Hoa văn trên trang phục Tà Ôi là thổ cẩm dệt cườm, còn người Dao và H'Mông lại bôi sáp ong lên mặt vải rồi mới nhuộm màu.
Phụ nữ H'Mông thường may váy nhiều tầng lớp và có kiểu thêu ngược đặc biệt... Tất cả những đặc điểm trên đều được họa sĩ Hoàng Anh nghiên cứu kỹ, ghi nhớ từng chi tiết nhỏ để bắt được "hồn" của các mẫu trang phục búp bê của mình.
Anh Hoàng Anh tâm tình: "Đây là bộ sưu tập được thực hiện bằng tâm huyết và niềm đam mê của mình. Qua đây, mình muốn lưu giữ lại nét văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em, để mọi người biết rằng trang phục truyền thống luôn đẹp và mang một giá trị tinh thần sâu sắc".
Để chế tác hoàn chỉnh một cô búp bê dân tộc, anh Hoàng Anh cho biết, bước đầu tiên anh thực hiện là nghiên cứu trang phục, sau đó tiến hành tạo phôi bằng chất liệu composite. Loại chất liệu này vừa bền đẹp lại vừa dễ tạo dáng, chất liệu không như sáp nhưng giúp diễn tả phần da thịt giống với người thật.
Tiếp đến, anh tiến hành tạo hình và vẽ nét mặt cho giống với đặc trưng của mỗi dân tộc. Theo anh, nét chung nhất trong dáng hình và khuôn mặt của hầu hết phụ nữ dân tộc là khuôn mặt tròn trịa, hồn hậu xen chút mộc mạc.
Bắt tay vào sự nghiệp đơn độc này hơn 10 năm trước, đến nay anh Hoàng Anh đã có trên dưới 5.000 búp bê thuộc 2 cỡ 25cm và 35cm đáng yêu mang hồn phách tâm hồn Việt, xúng xính trong những bộ áo dài, váy thổ cẩm… cực kì sang trọng và đẹp không thua kém các loại búp bê của nước ngoài.
Chia sẻ với PV Dân Trí, anh Hoàng Anh nói, thời gian tới, anh dự định sẽ hoàn thành đầy đủ bộ búp bê 54 dân tộc Việt Nam và một số bộ khắc họa người dân vùng cao phục vụ với thị hiếu và nhu cầu của du khách. Ngoài ra, thông qua bộ sưu tập búp bê của mình, anh Hoàng Anh muốn đưa vẻ đẹp truyền thống và nét lịch sử, văn hóa dân tộc Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
"Mình không ngờ sau khi những mẫu búp bê dân tộc "trình làng", rất nhiều khách du lịch yêu thích mua làm kỷ niệm khi đến Việt Nam. Họ mê say ngắm nhìn những chiếc váy thổ cẩm nhỏ được khoác lên người những cô búp bê cùng những phụ kiện mũ, khăn, vòng... thể hiện nét đẹp riêng biệt của người Việt.
Trong tương lai, mình sẽ cố gắng cho ra đời nhiều mẫu búp bê dân tộc hơn nữa, để quảng bá sâu rộng bản sắc dân tộc, cũng như trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam, bởi đây là một di sản văn hóa quý giá", anh Hoàng Anh bày tỏ.
Hoài Trang