Thời gian qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước thông tin hàng loạt di sản văn hóa, lịch sử bị xâm hại như Chùa Trăm Gian, đình Lương Xá (Hà Nội), đình Ngọ Xá (Bắc Giang), đền Lảnh Giang (Hà Nam), tháp Bình Thạch (Tây Ninh)… rồi đến lượt các tượng La Hán ở chùa Đậu (Hà Nội) bị sơn lại móng tay móng chân bằng sơn đỏ...
Tiếp đến việc bức tranh thuộc hàng bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí bị Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho vệ sinh bằng nước rửa chén. Đề án “vệ sinh” bức tranh quý này cũng do chính bảo tàng xây dựng và thực hiện.
Gần đây nhất là vụ tháp Đôi và tháp Bánh ít nằm trong quần thể tháp Chăm cổ hàng trăm năm tuổi bị khoan lên tường gạch, mặt tháp, bắt vít sắt khung sắt để treo biển quảng cáo du lịch. Điều đáng ngạc nhiên hơn là hành động này đến từ chính đơn vị quản lý di tích này.
Tháp Chăm ở Bình Định bị khoan, đục và bắt vít treo biển quảng bá du lịch - Ảnh: Nguyễn Khánh
Sau khi bị dư luận và báo chí phản ảnh, ông Đặng Hữu Thọ - Giám đốc Bảo tàng Bình Định đăng đàn phát biểu một cách “hồn nhiên” rằng: “Ban đầu, chúng tôi định làm khung có 2 trụ ở hai bên nhưng thấy xấu nên mới cho anh em khoan mỗi đầu 4 cái lỗ nhỏ rồi gắn ốc vít vào tường tháp nhằm giữ bảng khỏi bị đổ”, ông Thọ cho rằng việc gắn bảng quảng bá là để du khách có điểm chụp ảnh có câu slogan làm kỷ niệm, đồng thời giới thiệu cho du khách về tên tháp, giá trị mỹ thuật của tháp. Điều đáng ngạc nhiên hơn là việc gắn câu slogan gắn trên các tháp đã được Bảo tàng Bình Định xin góp ý của Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ và Sở Văn hóa Thể thao. Riêng việc khoan vào tháp là không xin ý kiến Sở Văn hóa Thể thao “vì thấy đơn giản nên làm luôn”
Theo Giám đốc Bảo tàng Bình Định, mục đích việc gắn bảng quảng bá điểm đến du lịch Bình Định trên Tháp Đôi Quy Nhơn là để du khách có... một điểm chụp ảnh
Những việc làm cụ thể nói trên cho thấy bản thân những những con người đang trực tiếp quản lý di sản cũng không hiểu hết giá trị các di sản, từ đó đặt ra yêu cầu nhà nước cần phải xem xét, đánh giá công tác quản lý, bảo tồn di sản còn quá nhiều bất cập như hiện nay.
Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại. Để các di sản văn hóa của đất nước được bảo tồn đồng thời phát huy giá trị di sản mộ cách hiệu quả nhất nhà nước không chỉ ban hành những văn bản pháp luật, mà còn phải quan tâm hơn nữa đến công tác đào tào cán bộ có đủ năng lực, trình độ để làm công việc quan trọng này.
Liên quan đến những thông tin về việc các di tích kiến trúc- nghệ thuật quốc gia Tháp Đôi (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) và tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) bị khoan, đục để lắp đặt biển quảng bá du lịch, tại công văn số 301/DSVH-DT gửi Sở VHTT tỉnh Bình Định, Cục Di sản Văn hóa đề nghị Sở VHTT Bình Định khẩn trương kiểm tra thực tế, xác minh những thông tin này và đề xuất phương án bảo vệ di tích, báo cáo UBND tỉnh Bình Định, Bộ VHTTDL kết quả xử lý trước ngày 10.5.2019.
Theo Điều 4, Nghị định 98/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa, đối với di tích lịch sử - văn hóa, những hành vi được coi là xâm phạm di tích bị nghiêm cấm gồm:
1. Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích.
2. Làm thay đổi môi trường cảnh quan di tích như: Chặt cây, phá đá, đào bới, xây trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích.
Tiểu Vũ