- TTH: Là người quen biết lâu năm với Đặng Lê Nguyên Vũ, anh nghĩ liệu "vua cafe" có ảnh hưởng đến mình không, và nếu có thì điều đó là gì?
TS Vương Quân Hoàng: Tôi quen biết anh Vũ đã lâu lại cũng có duyên nhiều lần gặp gỡ. Trong số nhiều kỷ niệm, đáng nhớ nhất là cách đây chừng 10 năm, anh Vũ và những người bạn (tôi vinh dự có mặt) nhiều lần ngồi trên đỉnh núi M'drak bàn chuyện phát triển Tây Nguyên thành thủ phủ cafe tầm vóc thế giới. M'drak còn nghèo, đất đai khô cằn sỏi đá. Ít ai nghĩ, từ vùng núi nghèo ấy lại có thể đặt ra viễn kiến trở thành trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế lớn không chỉ nằm ở biên giới thuộc lãnh thổ Việt Nam mà còn vươn xa khắp năm châu bốn biển.
Nhiều người cười nhạo anh Vũ. Có người cho rằng, muốn nhìn thấy Tây Nguyên thay đổi một chút thôi, ít nhất cũng cần đến hơn 30 năm. Những lời phán xét đó là đúng hay sai, chúng ta giờ đây đã có câu trả lời. Chưa cần đến 30 năm, Tây Nguyên giờ đã phát triển hơn xưa rất nhiều.
Cùng với sự ra đời của Làng cafe, Bảo tàng cafe, khu du lịch trong núi M'drak... do Trung Nguyên đầu tư, Tây Nguyên đang trở thành thủ phủ cafe của cả nước. Những điều anh Vũ gây dựng dần trở thành điều bình thường trong cuộc sống của người dân, mà trong cuộc đời này, cái gì đã thành bình thường lại chính là điều rất quan trọng. Ví như nếu đến Tây Nguyên, chắc chắn chúng ta sẽ đi thăm Bảo tàng cafe, thưởng thức không, gian văn hóa ở Làng cafe...
Kể câu chuyện dài như vậy là vì tôi muốn chứng minh tinh thần dám đặt ra viễn kiến, tầm nhìn suy nghĩ và làm điều khác biệt của anh Vũ. Nếu không có những người như anh thì chắc chắn, mảnh đất Tây Nguyên có lẽ không thể phát triển như bây giờ.
Anh Vũ - người mà tôi biết là như vậy - một người không vì sợ khó khăn, sợ thất bại hoặc chịu tổn thất về phía mình, sợ bị hiểu lầm, bị biến thành chuyện cười cợt từ miệng lưỡi thế gian... mà từ bỏ những việc mình tin là đúng đắn, mang lại lợi ích cộng đồng.
Đó cũng chính là điều đã có ảnh hưởng sâu sắc với tôi. Tôi có thời điểm tự cảm thấy hài lòng và ngại bước ra khỏi vùng an toàn. Tuy nhiên, khát vọng lớn của anh Vũ đã thôi thúc tôi dám nghĩ và thực hiện những công việc khó khăn, thử thách hơn để chinh phục giấc mơ của chính mình, cụ thể và trực tiếp nhất là công việc nghiên cứu khoa học.
- TTH: Nhắc đến núi M'drak, người ta thường nhớ đến câu chuyện Đặng Lê Nguyên Vũ lên đó ngồi thiền. Họ nói, 49 ngày nhịn ăn và thiền đã biến một doanh nhân đầy ý tưởng sáng tạo thành một "dị nhân vĩ cuồng". Với anh, Đặng Lê Nguyên Vũ sau 49 ngày ấy có còn là người đem lại cho anh nhiều ảnh hưởng tích cực như xưa không?
TS Vương Quân Hoàng: Khi anh Vũ ngồi thiền, tôi cũng được học thiền tại M'drak 4 ngày. Trước đó, tôi rất thích hoạt động này và khi có người hướng dẫn lại càng háo hức hơn. Trong cuộc đời, đó là những ngày quý giá và là trải nghiệm tuyệt vời. Khóa học chủ yếu dạy cách tĩnh tâm, cách điều chỉnh chế độ sinh hoạt, thực dưỡng...
Cho đến nay tôi vẫn cố gắng duy trì thói quen tốt. Hầu như không còn tụ tập bạn bè ăn nhậu, bàn chuyện tào lao. Công việc, theo vốn hiểu biết hạn hẹp của tôi, cũng có thể trở thành một cách "thiền". Chẳng mất nhiều thời gian, nhưng giá trị tinh thần thật khó đo đếm.
Tôi không có cơ duyên trải qua 49 ngày thiền đã thay đổi "vua cafe" và cũng không đủ hiểu biết về thiền để có thể nói nhiều hơn. Có điều, nhìn vào con người anh hiện tại, tôi thấy anh vẫn là anh nhưng thâm trầm, ít nói hơn và đặc biệt là mang trong mình trách nhiệm, khát vọng phụng sự lớn hơn xưa.
Quay trở lại với những lời đàm tiếu của thiên hạ nói về việc anh Vũ "vĩ cuồng" hoặc là không bình thường. Theo tôi hiểu, "vĩ cuồng" là kẻ huênh hoang về bản thân, tự mình nói nhảm về những điều lớn lao trong khi bản thân không có chút công trạng, tài cán, uy tín gì... Đặt trong trường hợp của anh Vũ, cụm từ này không đúng chút nào.
Nhiều người đang nhận thấy anh Vũ không bình thường khi nghe những câu nói như: "Qua biết hết, Qua thấu hết mọi việc", "Qua được Trời chọn"... Thực ra cùng là những câu nói ấy nhưng nếu nghe cách diễn đạt khác: "Tôi thấu hiểu sự việc, tôi có thể nhìn thấy trước các rủi ro, tôi có được sự tín nhiệm..." thì chúng ta lại thấy rất bình thường. Vấn đề khác nhau có lẽ nằm ở cách biểu đạt.
Bỏ qua vấn đề hình thức, nhìn vào bản chất và để ý những việc anh Vũ làm, mọi người sẽ thấy anh Vũ không "điên", cũng không phải dị nhân và càng không hề vĩ cuồng. "Vua cafe" là người thực tế và có tầm nhìn chiến lược.
Nếu nói 49 ngày nhịn ăn và thiền đã thay đổi anh Vũ thì tôi nghĩ, nó đã thay đổi anh từ một người đơn thuần là doanh nhân có nhiều khát vọng, ý tưởng sáng tạo trở thành một nhà tư tưởng, một người mang nhiều trọng trách lớn lao hơn trong vấn đề phụng sự đất nước.
Sau thời gian thiền đó, anh Vũ cũng trở nên thâm trầm, sâu sắc hơn, tập trung vào công việc và cũng đã có nhiều đóng góp lớn hơn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, cống hiến cho lớp trẻ... Phần nào đó, việc này đã được thể hiện thông qua chương trình tặng sách Hành trình Từ Trái Tim với quy mô mỗi năm một mở rộng, lớn hơn và ý nghĩa hơn.
- TTH: Với Hành trình Từ Trái Tim, Đặng Lê Nguyên Vũ đặt ra mục tiêu tặng 200 triệu cuốn sách đổi đời cho hơn 30 triệu thanh niên Việt. Là người đã có khoảng 7 năm đồng hành với Hành trình này, anh nghĩ sao về tác động mà nó đem lại cũng như khát vọng vĩ mô của ông Vũ?
TS Vương Quân Hoàng: Tác động của chương trình trao sách mà Trung Nguyên đang làm là vấn đề thông tin, kiến thức và cảm nhận của người tham gia nên không thể nói bằng một vài câu mà hết được. Tuy nhiên, nếu nhìn lại bức tranh 6-7 năm về trước, rõ ràng đất nước đã phát triển hơn xưa rất nhiều. Trong quãng thời gian từ 2012-2013 đến nay, có nhiều lúc, tinh thần khởi nghiệp, lập chí lớn chưa được coi trọng đúng mức thì giờ đây, những điều này đã được phản ánh cả trong các chương trình nghị sự quốc gia.
Thêm nữa, chúng ta có thể thấy rõ nhiều khái niệm, cách thức sống của thanh niên trẻ hiện nay có bóng dáng của những thông điệp mà anh Vũ muốn truyền tải. Ví như quyết định lựa chọn dám hành động, đương đầu với thất bại là điều được các bạn trẻ thế hệ mới nhắc tới rất nhiều.
Đó là những thay đổi có thể nhìn thấy được còn sâu xa hơn là những thứ bạn và tôi không thể nhìn thấy được. Khát vọng của anh Vũ rất lớn và nó đang được anh tranh thủ từng ngày để hiện thực hóa và tôi tin, ngày nào đó sẽ thành công.
- TTH: Đặng Lê Nguyên Vũ thường nhắc rất nhiều đến tinh thần khởi nghiệp, kiến quốc. Là một chuyên gia kinh tế, anh đánh giá như thế nào về tình hình thực tiễn cũng như tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ Việt?
TS Vương Quân Hoàng: Từ chỗ còn ngại nói về vấn đề khởi nghiệp kiến quốc, giờ đây nhiều người đã mạnh dạn hơn, dám lập thân, lập nghiệp, có chí hướng, khát vọng cống hiến cho dân tộc, đất nước.
Tuy nhiên, tôi vẫn thấy còn quá nhiều người trẻ Việt không dám khởi nghiệp vì hiểu sai nghiêm trọng ý nghĩa của cụm từ này.
Thực tế, nhiều người nhắc đến khởi nghiệp là nghĩ ngay đến việc thành lập doanh nghiệp hay thậm chí còn giản đơn hơn là: kiếm tiền. Đây là một cách nhìn không hợp lý, bởi khởi nghiệp nên được hiểu đúng theo ý nghĩa tạo dựng cho mình nền móng tri thức, ước mơ hoài bão và những kỹ năng cần thiết để hoàn thành ước mơ trong thời gian dài hạn.
Mỗi một người sống trên đời không chỉ có cuộc đời của riêng mình mà còn có gia đình, có xã hội xung quanh. Tất cả những thứ đó phải được đặt trong một khuôn khổ nhận thức và hành động. Vì thế, gọi là lập chí vĩ đại, khởi nghiệp kiến quốc chẳng qua là việc chuẩn bị tinh thần, kiến thức, kỹ năng, dám làm, dám đương đầu với khó khăn. Giống như điều anh Vũ vẫn trao đổi lúc trước: "Một trong những phép thử quan trọng nhất là dám đứng lên khi mình gặp thất bại".
- TTH: Nói như anh tôi nghĩ có thể nhiều người sẽ thắc mắc: Nếu "khởi nghiệp" chỉ là đơn giản là làm tốt giấc mơ của đời mình, làm tốt công việc mình đang làm, thì chúng ta có nhất thiết phải dùng cụm từ "khởi nghiệp kiến quốc" nghe rất vĩ mô hay không?
TS Vương Quân Hoàng: Vẫn phải dùng từ "khởi nghiệp kiến quốc" mới chính xác.
Tôi lấy ví dụ một bác sĩ giỏi, có sáng kiến điều trị hiệu quả, phương pháp giúp rút ngắn thời gian, chi phí... Đối với họ, đó có thể là một khởi sự rất lớn trong nghề nghiệp và sau đó có thể sẽ dẫn tới thay đổi to lớn trong ngành nghề.
Đôi khi có những thứ rất lớn ra đời chỉ từ những suy nghĩ táo bạo, những phép thử của một hoặc một vài cá nhân.
Thông điệp "khởi nghiệp kiến quốc" mà anh Vũ thường nói mang tính giáo dục con người chứ không chỉ đơn giản là lời kêu gọi mọi người đăng ký mở công ty hay kêu gọi một nguồn vốn hoặc cố gắng làm một vài việc theo tính toán có sinh lợi ích. Nếu nghĩ như vậy là chưa hiểu đúng tinh thần của điều anh Vũ khát vọng.
Xét về bản chất, đất nước không thể chỉ có toàn công ty. Nếu ai cũng đi mở công ty thì đất nước lấy ai làm bác sĩ, giáo viên, người tưới cây, ai nấu ăn, tạo mẫu tóc, v.v...? Xã hội phải có sự phân công lao động nhằm phát huy tối đa khả năng, thế mạnh của mỗi cá nhân. Điều ấy cũng giống như việc muốn có kim tự tháp phải có rất nhiều khối đá. Lấy đâu ra thứ vĩ đại nếu không có những điều bình thường? Mọi người hãy làm tốt nhất những việc bình thường đã, vì nếu việc bình thường mà không thể làm nổi thì làm sao có thể làm được điều vĩ đại?
Khởi sự của điều vĩ đại nằm ở điều bình thường. Cái bình thường mà phi thường chính là ở chỗ, dù ai đang làm gì cũng vẫn luôn nuôi khát vọng chinh phục thử thách, khởi nghiệp, lập chí để cống hiến cho nghề nghiệp mình những phát minh mới và sâu xa hơn là giúp đất nước tiến nhanh trước thời đại.
- TTH: Tôi được biết anh khởi nghiệp trong chính lĩnh vực anh từng làm, thì vì sao anh lại đề cao tinh thần dám thách thức thất bại của Đặng Lê Nguyên Vũ?
TS Vương Quân Hoàng: Một khi bạn đã dám làm việc khó, tức là bạn đã không còn ở trong vùng an toàn. Nếu bạn không khởi tâm làm một việc gì đó, bạn sẽ không có bắt đầu chứ đừng nói đến khó khăn, thất bại.
Lấy ví dụ với công việc của một nhà nghiên cứu, bạn có thể không chọn lĩnh vực khó khăn, hoặc chỉ làm ở mức độ vừa phải, đăng bài trên các tạp chí dễ tính, an nhàn sống qua ngày. Tuy nhiên, có một con đường nhiều chông gai hơn là làm những nghiên cứu khó, tiềm tàng giá trị sâu sắc, hoặc đóng góp kiến thức có tầm ảnh hưởng tốt cho mai sau.
Làm nghiên cứu khó, muốn đăng bài trên các tạp chí uy tín thế giới không dễ khi có những tạp chí tỷ lệ từ chối lên tới 90-95%, rất nhiều trong số không được chấp nhận công bố - dù cũng đều là những công trình nghiên cứu chất lượng rất cao.
Từ câu chuyện đó có thể nhìn thấy ngay, nếu như không có ý chí, rèn luyện cả về tinh thần, kỹ năng, chấp nhận cọ xát, thử thách khắc nghiệt thì không bao giờ đi đến đích cả. Thậm chí, chỉ cần nhìn thấy người khác làm đã sợ hãi không dám dấn thân vào. Đó là câu chuyện thực tế không chỉ xảy ra trong lĩnh vực nghiên cứu mà còn ở nhiều lĩnh vực khác nữa trong xã hội nước ta hiện nay.
- TTH: Như anh nói, ý chí và khát vọng của Đặng Lê Nguyên Vũ đã thôi thúc mình rất nhiều. Nhưng ngoài ra, còn điều gì khác đã giúp anh trên chặng đường khoa học gian khó mà anh vừa kể?
TS Vương Quân Hoàng: Tôi nghĩ việc đọc sách đã giúp mình rất nhiều, mỗi giai đoạn trong cuộc đời lại có những cuốn sách khác nhau có ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên, có một cuốn sách mà tôi đặc biệt yêu thích là "Khuyến học" được tác giả Fukuzawa Yukichi viết từ thế kỷ 19 nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là cuốn sách giản dị đánh thức tinh thần công dân, đề cao ý thức rèn luyện bản thân, khuyên con người ta biết khao khát cống hiến cho xã hội.
Để nói về câu chuyện vĩ mô ấy, Fukuzawa Yukichi đã đưa ra nhiều lập luận rất đơn giản như: Bạn đang làm rất tốt nhiều việc như chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái, bảo vệ ngôi nhà, dự trữ của cải... nhưng tất cả những việc bạn cho là tốt nhất mình có thể làm thì thực ra, những chú kiến cũng có thể làm tốt, bởi đó là bản năng của tất cả các loài động vật.
Hoặc Fukuzawa Yukichi đưa ra lý lẽ rằng thay đổi những thói quen, suy nghĩ nhỏ có thể thay đổi việc lớn. Ví dụ ông nói, một chén thì người uống rượu, ba chén thì rượu uống người. Đó là những điều rất thú vị, là những đúc kết giàu tính triết lý được Fukuzawa Yukichi chiêm nghiệm bằng thời gian hơn nửa đời mình.
Ngẫm về những điều ông nói, ta thấy chúng không hề xa xôi. Ví như sau mỗi dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 thôi là bao nhiêu câu chuyện uống rượu bia rồi gây tai nạn, để lại tiếc nuối, gánh nặng cho cả gia đình, xã hội. Chúng ta sẽ thấy ngay, câu chuyện trong "Khuyến học" không hề đơn giản là chỉ có việc nhỏ, bởi muốn đánh thức những khả năng, muốn làm việc lớn thì phải thay đổi từ những điều nhỏ nhặt tưởng như rất bình thường.
Cuốn sách giản dị vậy nhưng rất vĩ đại. Đó là lý do dân tộc Nhật họ đọc rất nhiều và hàng trăm năm trôi qua họ vẫn đọc.
- TTH: Chiêm nghiệm sâu sắc về vấn đề khởi nghiệp kiến quốc, anh có muốn dành lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang bắt đầu đi trên con đường này?
TS Vương Quân Hoàng: Mỗi chúng ta sống trên đời phải có tinh thần nỗ lực phát triển bản thân không ngừng nghỉ.
Nhìn vào lịch sử, chúng ta sẽ thấy nhiều doanh nghiệp, nhiều quốc gia đã trải qua hưng bại suy vong. Trong thế kỷ hội nhập 4.0 này, áp lực tiến lên ngày càng thúc bách hơn. Một trong những yêu cầu của thời đại là "tính sẵn sàng" trước những đòi hỏi cuộc sống (năng lực tư duy, kỹ năng, khả năng thích ứng...). Đây là điều nói thì rất dễ, có thể ai cũng nói được. Nhưng để thực hiện, trở thành kỷ luật và năng lực cốt lõi của bản thân thì không dễ, vì nó đòi hỏi một thứ rất khó khăn nhưng chỉ gói gọn trong 2 chữ thôi: độ bền!
- Xin cảm ơn anh vì những điều đã chia sẻ!
TS Vương Quân Hoàng, Trung tâm KHXH Liên ngành, thuộc Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) đóng góp 15-20 công bố quốc tế mỗi năm, trong giai đoạn 2016-2019. Anh cũng là nhà nghiên cứu KHXH liên tiếp công bố trên các tạp chí thuộc danh mục xuất bản của Nature Research danh tiếng như Scientific Data, Nature Human Behaviour. Hiện nay, TS Vương Quân Hoàng là thành viên ban biên tập các tạp chí ISI Scopus như Scientific Data, Palgrave Communications, Problems and Perspectives in Management, Journal of Risk and Financial Management...
Không chỉ là nhà nghiên cứu uy tín, TS Vương Quân Hoàng còn là một trong số nhiều người gắn bó với Đặng Lê Nguyên Vũ, với 7 năm đồng hành cùng chương trình trao sách Hành trình Từ Trái Tim do Tập đoàn Trung Nguyên Legend khởi xướng. Để hiểu hơn về con người của Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend cũng như câu chuyện quốc gia khởi nghiệp mà Đặng Lê Nguyên Vũ thường nhắc tới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi đầy thú vị với TS Hoàng.
"Hành trình Từ Trái Tim - Hành trình Lập Chí Vĩ Đại - Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 Triệu Thanh Niên Việt" do Tập đoàn Trung Nguyên Legend khởi xướng nhằm kiến tạo Khát Vọng Lớn, Chí Hướng Vĩ Đại cho thế hệ Thanh Niên Việt Nam; xây dựng Trí Huệ và sự Minh Triết toàn diện cho 30 triệu Thanh niên Việt thông qua việc trao tặng hàng chục triệu cuốn sách quý đổi đời tới Thanh niên Việt để có sức mạnh tri thức đúng đắn và toàn diện, để từ đó chuyển hóa thành sức mạnh tinh thần, sức mạnh vật chất và sức mạnh thể chất, tạo nên sức mạnh của Quốc gia.
"Tủ sách nền tảng đổi đời" gồm hơn 100 đầu sách quý được CHỦ TỊCH Tập đoàn Trung Nguyên Legend ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công nhất của nhân loại. Tủ sách thấm đẫm tư duy biện chứng, tuần hoàn liên thông từ lập thuyết đến thực hành, hợp nhất tinh hoa của toàn nhân loại để giúp học hỏi toàn diện và đúng đắn về 12 lĩnh vực căn cốt nhất: Khoa Học, Triết Học, Huyền Học, Y Học, Võ Học, Kinh Tài Học, Chính Trị Học, Đạo Đức Học, Xã Hội Học, Mỹ Học, Âm Thanh Học và Ngôn Ngữ Học.Trong đó, 5 cuốn sách "Nghĩ Giàu Làm Giàu", ‘Khuyến Học", "Quốc Gia Khởi Nghiệp", "Đắc Nhân Tâm", "Không Bao Giờ Là Thất Bại - Tất Cả Chỉ Là Thử Thách" là những cuốn sách mở đầu của "Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời".
Trương Thu Hường thực hiện