Cuối những năm 1960 là thời điểm những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam diễn ra rầm rộ tại Mỹ. Vào một ngày mùa đông lạnh giá, 22-12-1967, nhiếp ảnh gia Bernie Boston, lúc bấy giờ đang là phóng viên ảnh cho tờ Washington Star, đã mang máy đến ngồi trên một bờ tường ở ngay lối vào Lầu Năm Góc để săn tin. Lúc đoàn biểu tình vào gần đến cổng, ông thấy một trung úy Vệ binh Quốc gia chỉ huy một nhóm lính vũ trang đầy đủ tiến về phía đoàn người biểu tình. Nhóm lính đứng thành hình bán nguyệt, chĩa súng thẳng vào đoàn người.
Trong một bài phỏng vấn năm 2006, ông Bernie đã hồi tưởng về khoảnh khắc ấy. Khi ông tưởng rằng mọi chuyện sẽ diễn biến theo hướng tồi tệ thì đột nhiên “một thanh niên cầm hoa đi đến và cứ thế… cắm những đóa hoa vào những nòng súng đang chĩa về phía mình. Vì lúc đó đang ngồi trên bờ tường cao nên tôi đã chứng kiến toàn bộ sự việc và lập tức đưa máy lên chụp lại khoảnh khắc ấy”.
Sau một thời gian bị tòa báo Washington Star từ chối cho đăng tấm ảnh, cuối cùng Bernie đã tự mình mang bức ảnh được ông đặt tên là “Flower Power” (tạm dịch: Sức mạnh của hoa) này tham gia các cuộc thi nhiếp ảnh. Bức ảnh ông chụp cảnh một chàng trai tóc vàng trong chiếc áo sáng màu, đối lập với khung cảnh ảm đạm xung quanh, bình thản đặt những nụ hoa mong manh lên nòng súng lạnh lẽo đã ngay lập tức gây tiếng vang trên toàn thế giới, đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quan trọng, gồm cả giải thưởng Pulitzer danh giá về ảnh báo chí, và trở thành biểu tượng chống chiến tranh, yêu chuộng hòa bình của thế giới.
Nhiếp ảnh gia Bernie Boston qua đời ở Virginia năm 2008 nhưng bức ảnh “Flower Power” của ông đã đi vào lịch sử.