Từ bi - Osho: Cuộc cách mạng về giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Quin10/05/2023 08:00
Từ bi - Osho: Cuộc cách mạng về giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tạo ra một ranh giới thiêng liêng đầy tính lịch sử so với thời đại trước đó, khi mà mọi người cho rằng chỉ thiền định thôi là đủ và chẳng ai nhấn mạnh lòng từ bi đi đôi với thiền định.

Lý do là vì trước đó người ta cho rằng thiền định giúp con người giác ngộ, thăng hoa và tìm ra bản ngã của chính mình, như thế đã là quá đủ, chẳng còn ai đòi hỏi gì thêm nữa. Xét về phương diện cá nhân thì chỉ thiền thôi đã là quá đủ. Nhưng theo Đức Phật, con người cần phải giàu lòng nhân ái, tử tế và thương người hơn nữa, điều này thậm chí còn nên có trước khi ta thiền định.

Vốn dĩ có một lý giải mang tính khoa học đằng sau điều này. Đơn giản là trước khi giác ngộ nhờ thiền định, nếu đã sẵn có một trái tim nhân hậu và giàu lòng từ bi, chắc chắn ta sẽ có thể giúp những người khác cũng đạt đến cái đẹp, cái thanh cao và niềm vui đích thực như mình. Chính vì thế mà Đức Phật đã dạy con người trước hết nên có lòng từ bi để giúp cho mọi người cùng giác ngộ như mình. Nhưng tại sao ta phải bận tâm đến người khác khi bản thân đã đạt đến sự giác ngộ?

Đức Phật muốn dạy chúng ta không nên ích kỷ mà phải biết giúp nhau cùng giác ngộ, và đó là một sự thay đổi to lớn. Nếu con người chỉ biết yêu thương bản thân và tận hưởng cho riêng mình thì việc giác ngộ chẳng khác nào một sự ngăn cản không cho anh ta tiếp tục những niềm vui đó. Cũng chính vì thế mà trong số hàng trăm người giác ngộ, chỉ có một vài người trở thành bậc thầy.

Không phải ai giác ngộ cũng trở thành bậc thầy. Bởi để đạt được điều đó, bạn phải có lòng từ bi và bản thân bạn sẽ cảm thấy xấu hổ nếu chỉ biết tận hưởng những điều tuyệt vời mà sự giác ngộ mang đến cho mình. Khi đó, bạn muốn giúp mọi người thoát ra khỏi u minh và xem đó là một niềm vui chứ không phải là sự cản trở. Nói cách khác, bạn sẽ luôn sống trong niềm vui thăng hoa vì được nhìn thấy nhiều người xung quanh cũng thăng hoa nhờ giác ngộ. Bạn sẽ không còn là một cái cây nở hoa trơ trọi giữa rừng nữa mà xung quanh bạn sẽ là cả một khu rừng tưng bừng nở hoa. Sự giác ngộ của bạn khi đó sẽ giúp tạo nên một cuộc cách mạng cho thế giới này.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không chỉ giác ngộ mà còn là hiện thân của một cuộc cách mạng về giác ngộ. Mối quan tâm của ngài về con người và thế gian này là vô cùng to lớn. Ngài dạy các đệ tử tập thiền định và một khi đã đạt đến trạng thái an lạc thì hãy chia sẻ với mọi người chứ không nên giữ cho riêng mình, bởi càng cho đi thì khả năng nhận lại của ta càng lớn. Cho đi không có nghĩa là bạn mất đi mà ngược lại, điều đó sẽ giúp bạn nhân rộng những gì mình có. Một người chưa bao giờ biết đến từ bi sẽ không biết được thế nào là cho đi hay chia sẻ.

Trong cuốn sách “Từ bi”, Osho nhận định: Tình yêu, lòng tốt, sự tử tế không phải là những biểu hiện tình cảm cao nhất của con người mà từ bi mới chính là “đỉnh cao” của tình yêu thương. 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 27/03/2024