Đường mây qua xứ tuyết - Thiền chính là sống, sống đúng, sống thật với ý nghĩa của sự sống

Quin09/05/2023 08:00
Đường mây qua xứ tuyết - Thiền chính là sống, sống đúng, sống thật với ý nghĩa của sự sống

Thiền định là một lối sống chứ không phải một phương pháp để thực hành trong những lúc rảnh rỗi hay những khi không có việc gì để làm. Đây là một điểm hết sức quan trọng của Đại Thừa, vì Thiền chính là sống, sống đúng, sống thật với ý nghĩa của sự sống.

Trước khi bước chân vào con đường tu thiền, một người phải trau dồi thân–khẩu–ý cho thật trong sạch. Chỉ khi nào giữ vững được thân–khẩu–ý thì mới nên bước chân vào con đường tu thiền. Bước đầu của việc tu thiền là làm nảy nở lòng từ bi nơi mình, vì đó là điều kiện quan trọng nhất. Thiếu điều kiện này, thì việc tu thiền không những sẽ không mang lại kết quả gì mà còn rất nguy hiểm về sau, vì chỉ có từ bi mới giúp ta vượt qua được các trở ngại do các tình cảm ích kỷ và các giới hạn chật hẹp của tri thức gây nên.

Để đạt đến thái độ này, người tu thiền phải coi tất cả mọi chúng sinh như người thân trong gia đình, vì không một sinh vật nào trong vũ trụ này mà không có sự liên hệ với nhau trải qua vô lượng kiếp luân hồi. Ngoài ra, người tu thiền còn phải ý thức thật rõ rệt từng giây, từng phút mình đang sống, từng cử chỉ, từng lời nói, tất cả đều phải được hướng dẫn rõ rệt bằng nội tâm chứ không thể sống một cách máy móc, vô ý thức.

Hòa thượng Tomo nhấn mạnh rằng, thiền định là một lối sống chứ không phải một phương pháp để thực hành trong những lúc rảnh rỗi hay những khi không có việc gì để làm. Đây là một điểm hết sức quan trọng của Đại Thừa, vì Thiền chính là sống, sống đúng, sống thật với ý nghĩa của sự sống. Tiểu Thừa và các môn phái Yoga của Ấn Độ thường tách rời thiền định (meditation) ra khỏi cuộc sống và biến nó thành một phương pháp (technique) hơn là một lối sống.

Vì không phải là một kỹ thuật hay phương pháp, nên người ta không thể học hỏi nó qua sách vở mà phải có sự hướng dẫn trực tiếp của một vị thầy. Do đó, thiền định còn là một kinh nghiệm tâm linh giữa thầy và học trò mà trong đó, người học trò cố gắng đặt tâm thức của mình hòa hợp vào tâm thức của vị thầy.

Để đạt đến điều này, người tu thiền phải luôn luôn nghĩ đến đức Phật như ngài đang hiện diện bên trong họ chứ không phải ở bên ngoài. Bất cứ sự mong cầu một quyền lực nào bên ngoài cũng đều là những vọng niệm cần phải loại trừ, vì không một uy lực nào bên ngoài có thể giúp chúng ta. Ngay chính sự mong cầu một điều gì, dù là sự bình an hay niềm phúc lạc, cũng đã là một vọng niệm rồi.

Chỉ khi nào người tu thiền ý thức rõ rệt rằng đức Phật ngự trị ở bên trong, thì họ mới có thể hiểu trọn ý nghĩa câu thần chú linh thiêng “Om Mani Padme Hum”. Chỉ khi lòng từ bi hoàn toàn khai mở như một đóa hoa Sen (Padme) vươn cao lên khỏi vũng bùn và bắt đầu khai hoa, thì hương thơm của Trí Tuệ (Mani) mới bắt đầu tỏa ra khắp nơi và mọi hành động Thân–Khẩu–Ý (Om) mới thật sự phản ảnh trọn vẹn đúng cái ý nghĩa cao đẹp nhất của Sự Sống (Hum).

Khi lòng từ bi phát triển trọn vẹn, người tu thiền không còn ao ước sự giải thoát cho chính mình nữa, mà thấy mình và chúng sinh không hề sai khác, mình với tất cả chúng sinh chỉ là một, và khi chúng sinh còn vướng mắc trong vòng đau khổ thì làm sao mình có thể giải thoát được?

Khi trí tuệ đã phát triển trọn vẹn, thì làm sao mình có thể lầm lạc, có thể hành động trái với luật thiên nhiên, trái với chân lý được? Khi mọi vật đều sáng tỏ, không còn vô minh, tất cả mọi sự thật đều phơi bày rõ ràng thì đâu còn mê đắm, đâu còn khổ đau. Khi từ bi và trí tuệ đều phát triển trọn vẹn thì không còn sự phân biệt nữa. Từ bi cũng là trí tuệ mà trí tuệ cũng là từ bi, và người tu đã chứng đắc, đã đi vào con đường Trung Đạo, thấy rõ bản thể chân như của sự vật: Tất cả đều là một, hình tướng tuy khác nhưng thể tánh chỉ có một. Đó chính là ý nghĩa câu kinh “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”.

Đường mây qua xứ tuyết - Nguyên Phong.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025