Kim Dung không chỉ thành công trong việc xây dựng nhân vật mà ông cũng rất giỏi tạo tình huống trong các tác phẩm kinh điển của mình. Trong nhiều cuốn tiểu thuyết, ông đã "tạo ra" nhiều mối tình không giống ai như Dương Quá – Tiểu Long Nữ, Đông Phương Bất Bại – Dương Liên Đình hay mối tình tay tư của Trương Vô Kỵ - Triệu Mẫn – Chu Chỉ Nhược – Tiểu Chiêu – Ân Ly…
Đặc biệt, mối tình ngang trái của Chu Bá Thông và Anh Cô tuy không được tác giả mô tả nhiều nhưng đã lấy đi không ít nước mắt của độc giả. Nhiều người băn khoăn rằng vì sao Anh Cô lại phản bội hoàng đế Đại Lý là Đoàn Trí Hưng để yêu Chu Bá Thông?
Trước hết hãy cùng so sánh Đoàn Trí Hưng và Chu Bá Thông.
Trong Anh hùng xạ điêu của Kim Dung, Đoàn Trí Hưng là một nhân vật khá quan trọng. Ông cũng tiếp tục xuất hiện trong tiểu thuyết tiếp theo Thần điêu hiệp lữ. Ông là cháu nội đời sau của vợ chồng Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh trong tác phẩm Thiên long bát bộ. Sau Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Đoàn Trí Hưng trở thành một trong Thiên hạ ngũ tuyệt hiệu là Nam Đế, ông có võ công rất cao, nổi tiếng với tuyệt kỹ gia truyền Nhất dương chỉ.
Ở thời điểm diễn ra Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, thực lực của Chu Bá Thông vẫn còn kém xa Đoàn Trí Hưng.
Anh Cô từng là một quý phi trong cung của Đoàn Trí Hưng. Địa vị của bà trong hậu cung chỉ sau Hoàng quý phi và hoàng hậu. Điều này chứng tỏ Đoàn Trí Hưng có dành tình cảm cho bà.
Xét về võ công, Đoàn Trí Hưng vượt trội hơn hẳn Chu Bá Thông. Ngoài ra, ông không chỉ là hoàng đế mà còn có thể mang lại cuộc sống giàu sang, phú quý cho Anh Cô. Tuy nhiên, Anh Cô vẫn quyết định bỏ Đoàn Trí Hưng để theo Chu Bá Thông.
Fan của Kim Dung đã tổng kết trên diễn đàn của Sina và Sohu 2 lý do khiến Anh Cô rơi vào "lưới tình" với Chu Bá Thông.
Trong Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ, Chu Bá Thông được xây dựng là sư đệ của Vương Trùng Dương, sư thúc của Toàn Chân thất tử, dưới tay có cả một đám sư điệt già nua cổ thụ nhưng tâm hồn ông vẫn luôn trong sáng. Nhờ tính cách trẻ con, ông còn được gọi tên là Lão ngoan đồng.
Thứ nhất, hình tượng Chu Bá Thông qua ngòi bút nhà văn Kim Dung mô tả là một ông lão nhưng tính cách lại y hệt như một đứa trẻ lên ba lên bảy. Ông chỉ mải mê luyện tập võ nghệ, chứ không màng tranh giành ân oán với giang hồ.
Nét tính cách này của Chu Bá Thông với người khác là trẻ con nhưng trong mắt của Anh Cô thì đây lại là ưu điểm. Nàng ở trong thâm cung không cần lo cơm ăn áo mặc, ngày ngày được cung phụng. Tuy nhiên, với Anh Cô thì cuộc đời quá yên bình lại khiến nàng cảm thấy thiếu đi sự vui vẻ. Chính vì thế, sự náo nhiệt của Chu Bá Thông đã thu hút nàng.
Kể từ khi Chu Bá Thông xuất hiện, ông đã hoàn toàn giải tỏa nỗi cô đơn của Anh Cô. Đây cũng là lý do khiến nàng chọn Lão ngoan đồng và không hối hận với quyết định của mình.
Thứ hai, ưu điểm khác của Chu Bá Thông là sự tự do. Nhiều người có thể đánh giá thấp yếu tố này nhưng đây lại là nguyên nhân quan trọng khiến Đoàn Trí Hưng "thua cuộc" trước Chu Bá Thông.
Như đã nêu ở trên, Đoàn Trí Hưng là hoàng đế của Đại Lý. Ông cũng như những vị vua khác, mỗi ngày đều rất bận rộn với việc quốc sự. Ông cũng phải đọc và học rất nhiều về cách trị nước, về các vị thánh nhân. Ngoài ra, Đoàn Trí Hưng còn là một người mê võ thuật và thích luyện võ. Một người có quá nhiều việc phải làm như vậy làm sao có thời gian để trò chuyện với Anh Cô?
Ngược lại, Chu Bá Thông lại luôn tự do tự tại. Nếu Anh Cô ở bên Chu Bá Thông, nàng chỉ cần làm một việc đó là vui chơi. Nàng có thể làm mọi điều nàng muốn mà không ai quan tâm hay để ý tới. Nói cách khác, Anh Cô cảm thấy bản thân được giải thoát khỏi "nhà tù" cung điện khi ở bên Lão ngoan đồng.
Đối với nhiều người, việc Anh Cô phản bội Đoàn Trí Hưng là vô đạo đức. Nhưng, trên thực tế, Kim Dung lại muốn lồng ghép một khía cạnh khác là Anh Cô chỉ muốn kiếm tìm hạnh phúc cho mình mà thôi.
*Bài viết tổng hợp dựa trên các ý kiến chia sẻ quan điểm về những tiểu thuyết kiếm hiệp từ trang tin Sina, Sohu.