Một cái nhìn rất khác về từ bỏ
Từ bỏ, thường được đánh giá là hành động của một người yếu kém, thiếu bản lĩnh, hèn nhát, trốn tránh trách nhiệm, buông tay, bỏ cuộc, trốn chạy, đầu hàng. Từ bỏ thường được nhìn nhận dưới góc cạnh tiêu cực, không được ủng hộ. Nó được xem là đi ngược lại lời khuyên của các vĩ nhân, những người nổi tiếng, thành đạt, rằng: bạn phải kiên trì, bền bỉ, không được bỏ cuộc thì mới thành công.
Thế nhưng, dưới ngòi bút của Annie Duke trong tác phẩm “Quit - Từ bỏ”, khái niệm từ bỏ có nội hàm rộng hơn nhiều. Nó được xem xét dưới góc nhìn tích cực, khoa học, đa chiều. Nó đi ngược lại, thậm chí phản bác những niềm tin, cách hiểu phổ biến lâu nay.
Với Annie, từ bỏ đúng lúc, đúng thời điểm, nhiều lúc không phải là thất bại mà là thành công. Vì “thành công không nằm ở việc bám chặt lấy mục tiêu mà nằm ở việc xác định mục tiêu đúng đắn để gắn bó và từ bỏ mọi thứ còn lại”.
Sách đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể, sinh động; cung cấp cho ta nhiều kiến thức, kinh nghiệm đầy giá trị, đáng ngạc nhiên và vô cùng thuyết phục về hiệu quả tích cực của quyết định buông đúng lúc, bỏ đúng việc. Tác giả khẳng định “Từ bỏ một thứ khi nó không còn đáng theo đuổi không phải là thất bại. Đó là một thành công “.
Đọc “Từ bỏ” cũng giúp chúng ta hiểu được, tại sao từ bỏ đúng lúc thường cho cảm giác từ bỏ quá sớm khiến chúng ta chần chừ. Những thiên kiến nhận thức và các rào cản tâm lý nào có thể khiến ta gặp trở ngại trong việc từ bỏ đúng lúc. Ta có thể làm gì để đưa ra quyết định sáng suốt hơn trong lựa chọn kiên trì hay từ bỏ. Từ bỏ là sự bổ sung hoàn hảo cho bộ công cụ ra quyết định, giúp ta luôn sáng suốt trong mọi lựa chọn liên quan đến các khía cạnh quan trọng của cuộc sống, từ học hành, sự nghiệp, kinh doanh, đầu tư, đến các mối quan hệ. Vấn đề là làm sao để chúng ta buông đúng lúc, bỏ đúng việc ở những thời khắc quyết định nhất.
Tác giả sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những tác nhân ngăn cản bạn đưa ra quyết định đúng đắn về việc nên từ bỏ cái gì và từ bỏ khi nào, đồng thời xác định những hoàn cảnh mà ta thường lưỡng lự trong việc cất bước ra đi, từ đó giúp tất cả chúng ta có được góc nhìn tích cực hơn về quyết định từ bỏ để có thể cải thiện kỹ năng đưa ra quyết định của mình.
Dưới ngòi bút của Annie Duke trong tác phẩm "Quit - Từ bỏ", khái niệm từ bỏ có nội hàm rộng hơn nhiều |
Biết rời bỏ thứ không còn xứng đáng với nỗ lực của mình
Người đọc sẽ được thuyết phục bởi rất nhiều dẫn chứng về các trường hợp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tên tuổi đã từng đưa ra quyết định từ bỏ đúng, và họ thành công chứ không phải thất bại. Trong khi, “thường thì cách lý giải của chúng ta đều theo hướng thiếu tử tế với người bỏ cuộc”. Phân tích đó cho chúng ta cái nhìn rất khác và tích cực hơn nhiều về câu chuyện “từ bỏ”. Đặc biệt là khi tác giả phân tích về tư duy kỳ vọng.
Nếu bạn đang băn khoăn, lưỡng lự, thậm chí thật sự thấy quá khó khăn trước việc phải đưa ra một quyết định từ bỏ hay không từ bỏ, bạn hãy đọc những đúc kết này của Annie Duke: Thời điểm khó khăn để đưa ra quyết định từ bỏ là khi bạn đang trong tình thế buộc phải lựa chọn. Trực giác của chúng ta luôn mách bảo rằng việc từ bỏ sẽ làm chậm quá trình tiến bộ. Nhưng thật ra là ngược lại. Nếu biết rời bỏ một thứ không còn xứng đáng với nỗ lực của mình, bạn sẽ được tự do theo đuổi một con đường mới có nhiều khả năng giúp bạn đạt được mục tiêu - và tiến đến mục tiêu đó nhanh hơn.
Theo tác giả, nếu bạn thấy từ bỏ và tiếp tục tiến lên là hai lựa chọn gần như nhau, thì có khả năng từ bỏ là phương án tốt hơn. Và “tư duy theo giá trị kỳ vọng giúp bạn xác định liệu con đường mình đang đi có đáng để duy trì hay không. Giá trị kỳ vọng không chỉ áp dụng cho tiền bạc, mà còn cho sức khỏe, mức độ an sinh, hạnh phúc, thời gian, sự viên mãn, hài lòng trong các mối quan hệ, hoặc bất kỳ yếu tố nào có thể tác động đến cuộc sống của bạn”.
Nội dung thú vị nhất trong quyển sách có lẽ nằm ở phần “Căn tính và những trở ngại khác”, với những câu chuyện, những vấn đề hết sức thực tế, gần gũi và cho ta nhiều bài học “xương máu” khi đối diện với quyết định từ bỏ hay không từ bỏ. Trong đó, câu chuyện Andrew Wilkinson sáng lập MetaLab là một dẫn chứng đáng để nghiền ngẫm.
MetaLab được Wilkinson sáng lập năm 2006 và nhanh chóng phát triển rộng lớn đến mức Wilkinson được đặt biệt danh là “Warren Buffett của giới khởi nghiệp”. Sau đó xuất hiện một sản phẩm cạnh tranh với MetaLab là Asana do Dustin Moskovitz sáng lập. Asana càng liên tục vượt trội thì Wilkinson càng đổ tiền vào MetaLab mong xoay chuyển tình thế, mà không cân nhắc việc đóng cửa công ty khi mức tăng trưởng cứ chậm dần rồi ngưng hẳn. Cuối cùng, khi đã “đổ sông đổ biển” hơn 10 triệu đô la và nhận thất bại, Wilkinson mới nhận ra điều mà người khác đã nhận ra từ lâu. Kinh nghiệm rút ra là tính sở hữu có thể gây trở ngại khả năng từ bỏ của chúng ta, nhất là khi thứ ta sở hữu cũng là sản phẩm do chính ta tạo ra.
Tuy nhiên, theo phân tích của tác giả, từ bỏ bản thân là điều khó nhất, bởi vì khi phải từ bỏ, điều đau đớn phải từ bỏ là chính con người bạn. Ý tưởng, niềm tin và hành động là một phần căn tính của mỗi người. Chúng ta thường bị “mắc kẹt” bởi các vấn đề như, khi thông tin mâu thuẫn với niềm tin, tâm trí chúng ta sẽ có hiện tượng bất hòa nhận thức; quan điểm càng cực đoan thì nhận thức của ta sẽ càng nỗ lực để bào chữa cho nó; nỗi sợ bị người khác đánh giá nếu mình từ bỏ luôn bị thổi phồng…
Annie Duke cho rằng, nhìn chung khi từ bỏ ta lo sợ hai điều: ta đã thất bại và ta đã lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Để giúp thoát khỏi những lo sợ đó, tác giả không chỉ tư vấn những kỹ năng buông đúng lúc, bỏ đúng việc, mà còn đưa ra nhiều giải pháp về mục tiêu, chiến lược, kế hoạch để chúng ta có thể đưa ra quyết định đúng đắn, sáng suốt nhất ngay cả khi đối diện với những thách thức cam go nhất.