Có phải đứa trẻ cần được “sửa chữa” ?
Trong quá khứ, nghi thức rửa tội từng được coi là bước “hoàn thiện một đứa trẻ”. Tương tự, dường như việc đưa một đứa trẻ tới gặp bác sĩ tâm thần nhi có thể ngụ ý rằng đứa trẻ cần được “sửa chữa” hay có lẽ là nó “chưa được hoàn thiện”. Trừ phi chính cha mẹ cũng phải được “sửa chữa” cùng lúc với đứa trẻ, bằng không thì hầu hết mọi nỗ lực đều là lãng phí thời gian và tiền bạc.
Phần lớn phụ huynh cũng cảm nhận được điều đó bằng trực giác, nhưng một số không muốn dính líu hoặc không biết làm gì khác để ủng hộ ý tưởng trị liệu cho trẻ. Nhiều phụ huynh khác thì né tránh những điều chưa biết trong chuyện tìm kiếm sự giúp đỡ với việc nuôi dạy con, tự xem tình trạng của họ như một chiếc hộp Pandora tốt nhất không nên mở ra. Họ đọc những quyển sách mới nhất, tham khảo các mục trên báo và chơi trò “Nó tệ quá phải không” vào mỗi buổi cà phê sáng. Họ thực hành “tính kiên nhẫn” mà không có đáp án chắc chắn trong niềm hy vọng là đứa con bé bỏng của họ chỉ “đang trải qua một giai đoạn nhất thời” và đặt niềm hy vọng của họ trên một nguyên tắc không chắc chắn rằng dễ dãi, nuông chiều là tốt.
Những câu trả lời mà họ tìm kiếm không có vẻ gì là sắp xuất hiện và họ vật lộn trong việc nuôi dạy con với sự an ủi nhỏ nhoi, “Ừ thì, ít nhất tôi cũng lớn hơn nó”. Một số cha mẹ thể hiện “sự to lớn” của họ bằng bạo lực, đánh đập và ngược đãi con cái để uốn nắn chúng.
Rồi ngày “tính sổ” đến vào một thời điểm nào đó trong giai đoạn vị thành niên của đứa trẻ, khi mà “nó to lớn hơn tôi”. Cuộc sống lúc này ngập tràn đau khổ, cho cả cha mẹ lẫn đứa con. Nhưng chuyện đó không nhất thiết phải xảy ra. Việc trị liệu tâm lý cho trẻ em tương đối phát triển trong thời gian gần đây. Trong khi các nhà lý thuyết phân tâm học thời kỳ đầu nhấn mạnh tầm quan trọng của những gì đã xảy ra với đứa trẻ thuở đầu đời trong gia đình, thì làm việc trực tiếp với đứa trẻ lại không nằm trong ứng dụng ban đầu của lý thuyết đó vào trị liệu. Một khó khăn của việc này chính là vấn đề giao tiếp với trẻ nhỏ. Một khó khăn khác là nhận thức từ đầu rằng sẽ khó mà làm việc với đứa trẻ mà không có sự tham gia của những người trưởng thành quan trọng đối với môi trường sống của trẻ, chủ yếu là cha mẹ.
Đánh hay không đánh đòn trẻ?
Mô hình trị liệu cho trẻ em lần đầu tiên được phát triển vào những năm 1920, trong đó trẻ “được điều trị” bằng “liệu pháp chơi đùa” và cha mẹ được hỗ trợ bởi tham vấn tình huống xã hội. Qua việc sử dụng các món đồ chơi và các phương tiện mang tính biểu tượng để giao tiếp, đứa trẻ được khuyến khích chống lại những người gây đau khổ cho nó, chẳng hạn cha mẹ, để nhẹ nhàng giải trừ những “xúc cảm tiêu cực”.
Do vậy, khi đứa trẻ bỏ búp bê mẹ vào toilet và giội nước hay bẻ gãy tay của búp bê chị, thì hành động sẽ lập tức được ghi chú lại cho phiên “hội ý” tiếp theo. Giả định đưa ra là những sự bộc lộ ấy sẽ dọn đường cho việc phát triển nhiều cảm xúc tích cực hơn dựa trên sự hiểu biết mới mà cha mẹ sẽ có được từ quá trình làm việc với nhân viên xã hội – rằng sau khi đã nói đủ “con ghét mẹ/cha” sẽ đến lúc nói “con yêu mẹ/cha”.
Tuy nhiên, sự hiểu biết không đầy đủ của phụ huynh về các hành động, hay các tương giao, thứ tạo ra các cảm xúc, thường khiến tình trạng chẳng hề thay đổi. Trong thực tế, tình trạng còn trở nên xấu đi khi đứa trẻ được bảo rằng “bộc lộ cảm xúc là một điều tốt”, và gia đình biến thành một bãi chiến trường mà đứa con sẽ là tổng tư lệnh. Con cái hét vào mặt nhau và to tiếng với cha mẹ. Cha mẹ đọc nhiều để có nhiều dữ liệu hơn, nhưng những dữ liệu lại luôn mâu thuẫn nhau.
Một tác giả nói nên “đánh đòn”, tác giả khác lại nói “đừng bao giờ dùng đòn roi” còn một tác giả khác lại nói rằng “thỉnh thoảng nên đánh đòn”. Trong khi ấy, cảm xúc của cha mẹ chất chứa tới mức muốn “đánh cho lũ oắt con một trận ra trò”. Nhưng “Làm thế nào tôi có thể nuôi dạy con cái một cách đúng đắn?”. Với câu hỏi này, người bà có thể nhận xét với vẻ khôn ngoan rằng “chúng ta không hề gặp tất cả kiểu rắc rối này trong những ngày tốt đẹp xưa kia, trước khi tất cả những quyển sách về tâm lý học hiện đại ra đời”. Bà có lý khi nói vậy, vì đã từng có rất nhiều điều tốt đẹp trong những ngày cũ.
Còn ngày nay lũ trẻ sống trong chung cư, thậm chí trẻ con ở vùng ngoại ô cũng đã bị tước đi rất nhiều bạn đồng hành cũ, cả con người lẫn con vật. Không gian sống bị thu hẹp về kích thước, chỉ còn một vài phòng, một hành lang, một khoảng sân; có thể chỉ có một phòng đơn với một hoặc hai cửa sổ. Đã vậy, trước khi đứa trẻ đủ khả năng đương đầu với những khó khăn cơ bản của việc sống cùng gia đình, nó đã được tiếp xúc với những cuộc bạo loạn, những kẻ giết người hàng loạt và các nhà lãnh đạo thế giới tranh luận về khả năng hủy diệt toàn cầu. Thế đấy, đây là thế giới mà chúng có được, không phải là những khung cảnh đồng quê yên ả với đàn cừu và hoa vàng cỏ xanh hay những bài hát vui tươi.
Will Rogers từng nói: “Trường học không giống như chúng đã từng và chưa bao giờ như vậy cả”. Có thể những ngày xưa tươi đẹp cũng “chưa bao giờ như vậy cả”, nhưng khi ấy những điều tồi tệ không chạm vào những đứa trẻ quá sớm và quá sâu sắc như ngày nay. Điều này không làm thay đổi vấn đề, nhưng nó cho thấy một nhu cầu cấp bách hơn bao giờ hết là cha mẹ phải có một công cụ để giúp con cái phát triển một Cái Tôi Người Lớn càng sớm càng tốt nhằm có thể xoay xở với hiện trạng thế giới ngày nay.