Vào thời điểm này hàng năm, nhiều người đang trằn trọc không ngủ được, đầu óc học nghĩ ngược nghĩ xuôi cũng chỉ vì một vấn đề muôn thuở: Năm nay thưởng Tết là bao nhiêu? Ngay cả ban ngày đi làm, lòng cũng không yên, dù cao dù thấp thì ơ kìa, cũng phải lộ ra chút manh mối cho người ta biết chứ.
Đương nhiên, vẫn còn đôi chục ngày nữa mọi người mới được nghỉ Tết và thưởng Tết có lẽ khi đó mới về. Nhưng hôm nay, chúng ta cứ ngồi xuống đây và cùng bàn luận một chút về sự thưởng Tết này.
Thưởng Tết về cơ bản mang theo rất nhiều kỳ vọng của nhân viên với sếp, với công ty. Và đồng thời, đây cũng là kỳ thi cuối năm của các vị sếp. Hầu hết các vị sếp trên đời luôn cố gắng phấn đấu vì mục đích phát triển công ty, nhưng phát thưởng Tết như thế nào, phát ra sao thì mỗi người lại có một phương thức khác nhau, từ đó dẫn phát những câu chuyện khác nhau...
Đồng nghiệp của tôi hồi đầu năm tự lập một blog về làm đẹp. Tính đến hiện tại, trang blog đã hút tới 150k lượt người theo dõi và giúp cô ấy thu về hơn 2 tỷ trong vòng 1 năm thông qua việc bán hàng online.
Đợt rồi đi cafe với nhau, nó cảm khái nói nó vô cùng cảm ơn bữa ăn khó chịu cuối năm 2018 mà người sếp cũ của nó từng mời. Hôm đó, sếp nó nói có chuyện quan trọng cần bàn nên hẹn nó ra ngoài. Vì đó là thời điểm sắp Tết nên nó tưởng sếp tìm nó để bàn vấn đề thưởng Tết và thực hiện lời hứa mà sếp đã hứa với nó suốt 1 năm ròng.
Kết quả, đúng là sếp nói về chuyện thưởng Tết với nó nhưng không phải là nói chuyện mà chỉ để thông báo, thưởng Tết năm nay của công ty đã bị hủy. Ngay lúc đó, trong lòng nó có một thứ gì đó đã sụp đổ, và thứ đó gọi là niềm tin.
Năm 2015, đồng nghiệp của tôi bắt đầu tập tành làm beauty blog. Nó giỏi về sáng tạo nội dung, lại thêm vừa từ lúc còn đi học đã cực cuồng nghiên cứu thời trang, làm đẹp. Nó từng viết nhiều blog về lĩnh vực này và cũng có lượng fan không nhỏ.
Năm 2017, lĩnh vực đầu tư content bắt đầu trở nên phổ biến. Cuối năm đó, một nhà đầu tư đã tìm đến nó, thuê nó lập blog cho mình. Tính cách của nó vốn không phù hợp với việc kinh doanh độc lập, giờ lại có công ty truyền thông chủ động hợp tác kinh doanh, sử dụng nguồn lực công ty giúp nó phát triển kênh tốt hơn, đương nhiên nó sẽ đồng ý.
Nó bỏ kênh của mình và gia nhập công ty của nhà đầu tư kia vào năm 2018. Trước khi tham gia, đương nhiên đôi bên đã bàn bạc về điều kiện, ưu đãi. Sếp nói dự án này là kinh doanh nội bộ, không thể đưa ra mức lương quá cao nhưng nếu làm tốt thì cuối năm sẽ được thưởng rất cao, thậm chí còn nhận được cổ tức trong công ty.
Sau khi vào làm tại đây, đồng nghiệp của tôi coi như bắt đầu mọi thứ từ đầu. Lập blog, định vị tập khách hàng, cần mẫn làm content ngày này qua ngày khác. Sếp nói sẽ tuyển thêm trợ lý cho nó nhưng đến cuối cùng luôn lấy lý do không tuyển được ai để lấp liếm. Đồng nghiệp của tôi không hỏi thêm câu nào, và tự mình làm mọi thứ.
Làm content rất mệt mỏi, về cơ bản là không có cuối tuần, không có lễ Tết, làm thêm gần như mỗi ngày. Nhưng nghĩ đến KPI, nghĩ đến khoản thưởng Tết khổng lồ đang chờ đợi mình, mọi sự mệt mỏi đều được xem nhẹ.
Đồng nghiệp của tôi cho biết, thời điểm cuối năm đến gần, nó vẫn còn mơ tưởng về con số tiền thưởng: Sẽ là 300 triệu? 250 triệu? Hay chí ít cũng phải là 100 triệu chứ nhỉ? Thậm chí nó còn gọi điện về báo trước cho bố mẹ rằng năm nay nó sẽ sắm loạt đồ điện mới cho nhà.
Đọc đến đây hẳn nhiều người sẽ thắc mắc, thưởng Tết gì nhiều quá vậy. Vậy để tôi giải thích thêm một chút: trong suốt năm 2018, người bạn kia của tôi đã tự viết gần 150 bài và biến blog từ 0 người dùng trở thành blog gần 250.000 người dùng. Khái niệm 250.000 người theo dõi là không hề tầm thường chút nào đâu.
Và xin nhấn mạnh là đồng nghiệp của tôi đã làm tất cả một mình.
Ấy vậy mà sếp nó lại nói với nó rằng, "Blog do một mình cô xây dựng với 250.000 người dùng, điều này đúng là tuyệt vời. Nhưng theo quan điểm của công ty, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào blog này nhưng chưa thấy nỗ lực thương mại cụ thể nào, chúng tôi còn không chắc năm tới có thể kiếm được tiền từ nó hay không. Chúng tôi hy vọng cô sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ trong năm tới để làm cho blog này lớn mạnh hơn nữa và đồng thời thương mại hóa nó...".
Đồng nghiệp của tôi xin từ chức ngay ngày hôm sau. Công ty nhiều lần níu kéo nó nhưng không được. Đầu năm 2019, nó tự kinh doanh riêng và hiện tại, nó cùng công ty cũ trở thành đối thủ trực tiếp của nhau trong cùng một phân ngành.
Làm thế nào để khiến ai đó thất vọng về bạn một cách khủng khiếp? Bạn cứ hứa hẹn sẽ cho người ấy một thứ trong tương lai, cuối cùng lại nói hết rồi, không cho nữa.
Đừng xem nhẹ thưởng Tết của nhân viên, bởi nó là thứ nhân viên nhân nhận được vì đã nỗ lực suốt một năm. Và nó cũng chất chứa kỳ vọng, mong đợi của nhân viên cho tương lai một công ty để rồi họ quyết định có tiếp tục gắn bó, có cống hiến hết mình vì công ty hay không.
Cách đây khá lâu, tôi có quen một người bạn qua mạng. Và trong một lần hội nghị kinh doanh thường niên toàn miền, chúng tôi đã có cơ hội gặp nhau và trò chuyện rất vui vẻ. Ngày đó, anh bạn qua mạng của tôi rất phởi phấn khởi vì được sếp đưa đến dự hội nghị này, đồng thời đề nghị anh chàng đại diện công ty lên nhận giải. Cũng trong ngày hôm đó, sếp vui mừng tiết lộ cho anh rằng tiền thưởng Tết năm nay của anh sẽ là 150 triệu.
Anh bạn này đã đi làm được 5 năm nhưng chưa bao giờ nhận được thưởng Tết quá 50 triệu. Lần này nhận khoảng thưởng Tết ngang lương 4 tháng trời, anh chàng có thể không vui hay không?
Kết quả là một ngày của giữa năm sau đó, người bạn bất ngờ gọi cho tôi và hỏi có thể hỏi tôi một câu hay không. Tôi không hề biết rằng, cho đến khi kết thúc cuộc điện thoại, tiền thưởng Tết của anh ấy vẫn dừng lại ở con số 50 triệu.
Tiền thưởng Tết đúng là 150 triệu nhưng sếp của anh đã tổ chức một cuộc họp thường niên trước kì nghỉ và sếp nói với mọi người trong cuộc họp rằng công ty thưởng cuối năm cao như vậy để khuyến khích mọi người đóng góp tốt hơn cho công ty trong năm thứ hai. Tuy nhiên, để tránh tình trạng nhân viên bỏ việc sau khi nhận được thưởng Tết, công ty quyết định chỉ chi trả trước 1 phần còn phần còn lại sẽ được trả sau khi kết thúc quý I của năm thứ 2.
Tính ra, trong tổng số 150 triệu thưởng Tết, bạn tôi về quê nghỉ Tết với chỉ hơn 30 triệu cầm tay. Và bạn tôi đã trải qua cả kỳ nghỉ Tết trong không vui. Bạn tôi chìm trong suy nghĩ: Liệu số tiền 120 triệu còn lại mình có được nhận không? Nghỉ Tết xong đi làm trở lại, mình nên có trạng thái làm việc như thế nào.
Nguyên văn lời của bạn tôi là: "Lúc thì tôi nghĩ rằng mình phải biểu hiện thật tốt, vì vẫn còn hơn 120 triệu tiền thưởng Tết chờ mình. Lúc tôi lại thấy công ty thật quá quắt, thật vô lương tâm, một nơi quá chán để làm việc. Đôi khi tôi bực lắm và chỉ muốn bỏ việc luôn".
Trong thời gian đó, đầu óc bạn tôi lúc nào cũng quay cuồng. Kết quả sau đó còn bất ngờ hơn, dù đã thống nhất với nhân viên rằng sẽ trả hết thưởng Tết sau khi hết quý I nhưng tới tháng 5 năm đó, bạn tôi vẫn chỉ nhận được thêm 20 triệu. Công ty cho biết tình hình kinh doanh quý I của công ty không được lạc quan, tới tháng 8 sẽ trả nốt phần còn lại.
Đó là lý do tại sao anh chàng gọi điện cho tôi để than vãn. Anh bạn tôi đã mất thêm 3 tháng trời chỉ để lấy thêm 20 triệu. Tới tháng 8, anh bạn tôi nói sau khi nhận hết thưởng Tết, gần một nửa nhân tài của công ty đã bỏ đi.
Tôi hỏi: "Có phải mấy người đó là mấy người vốn đã định nhận thưởng Tết xong là nhảy việc không?".
Bạn tôi đáp: "Không. Cuối năm ngoái khi sếp thông báo thưởng Tết, ai cũng mừng lắm, nhận thưởng xong mọi người còn chăm chỉ làm việc hơn cơ. Còn giờ mọi người nghỉ là vì không hài lòng với công ty thôi. Cậu nghĩ xem, năm nay đã thế thì năm sau sẽ còn thế nào? Ai mà chịu được mãi".
Tôi rất đồng ý với câu cuối cùng mà anh ấy nói.
Làm thế nào để khiến ai đó không bao giờ muốn làm việc với bạn nữa? Bạn hứa sẽ người ấy một thứ với giọng điệu chắc chắn nhưng lại khiến người ấy cảm nhận được sự thiếu chắc chắn trong suốt quá trình người ấy đạt được thứ đó.
"Trước khi cầm thưởng Tết trên tay, bạn sẽ không bao giờ biết được món thưởng Tết mà sếp bạn suốt ngày xa xả nhắc tới thực chất không đáng để kỳ vọng tới mực nào", có ai đó đã từng nói như thế này.
Một cô em tôi quen làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Tháng 10 năm ngoái, sếp em ấy tổ chức cuộc họp tổng kết công việc và cho biết 2 tháng nữa hết năm nhưng KPI hàng năm vẫn còn thiếu 30%. Lúc đầu phần đông nhân viên đều không quá quan tâm và có tâm huyết để hoàn thành, bởi vì ai cũng biết công ty này vốn không ưu đãi thưởng Tết. Tuy nhiên sau cuộc họp, ai nấy đều hào hứng hơn hẳn.
Vị sếp cho biết vì tình hình hoạt động chung của công ty trong năm nay không được lý tưởng nên anh ấy đã nộp đơn với sếp lớn, nói rằng hai tháng cuối năm nhân viên sẽ cố gắng hết sức, nếu hoàn thành được thì cuối năm sẽ có thưởng đặc biệt cho mọi người. Năm nay, tất cả mọi người sẽ có một cái Tết ấm no.
"Có tiền vào thì ai cũng có động lực thôi. Lần đầu tiên, tất cả nhân viên bọn em lao vào làm việc điên cuồng. Từng nhóm từng nhóm chia nhỏ KPI và phân công cụ thể mỗi người làm thêm gì. Nếu hôm nay không hoàn thành thì hôm sau làm nhiều thêm một chút...", người em tôi quen kể.
Nó liên miên nói về cách cả nhóm phải tăng ca vất vả như thế nào để hoàn thành KPI khiến tôi buộc phải ngắt lời: "Rồi cuối cùng bọn em hoàn thành được không?".
"Bọn em vượt chỉ tiêu 8%", nó nói.
Tôi hỏi tiếp: "Vậy cuối năm em được bao nhiêu tiền thưởng?".
Người em tôi quen cười: "3 triệu ạ".
Tôi lập tức: "À...".
Quả thực thấp đến không ngờ. Người em đó là leader nhóm mà chỉ được 3 triệu, những nhân viên khác cấp thấp hơn ước tính cũng chỉ nhận được 1-2 triệu là cùng. Đây là cái gọi là "một cái Tết ấm no" ư? Khéo còn chưa đủ tiền mua vé máy bay về nhà nữa.
Tôi hỏi lại: "Thế em có định nghỉ việc không?".
Người em kia lại cười: "Dịch bệnh liên miên thế này khéo năm sau còn tệ hơn năm trước, sao em dám từ chức. Nhưng nói thật là năm sau chắc bọn em không bao giờ chịu làm quần quật như thế nữa đâu, cứ kệ thôi".
Làm thế nào để khiến ai đó không còn mong chờ ở bạn nữa? Bạn cho người ấy hy vọng, cuối cùng lại cho người ấy một thứ không được như kỳ vọng và người ấy sẽ không bao giờ mong đợi gì nữa.
Đây là câu chuyện đến từ một người tôi khá ngưỡng mộ. Anh ấy là doanh nhân trong giới Internet. Bản thân anh là Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của một công ty về game rất lớn. Ai cũng khen anh ấy giỏi kiếm tiền, bởi vì anh ấy biết cách để những người giỏi giúp anh ấy kiếm tiền. Anh ấy đã làm điều đó như thế nào?
Một là ủy quyền táo bạo, và hai là khuyến khích đầy đủ. Về mặt ủy quyền, anh ấy tóm tắt bằng 2 câu:
Câu 1: Ủy quyền trước, sau đó kiểm toán. Tức là giao quyền trước thì làm trước, nhưng sau khi thực hiện chắc chắn sẽ có kiểm toán. Tôi giao phó niềm tin cho bạn, để bạn tự do phát triển.
Câu 2: Kiểm toán nhiều hơn, ủy quyền nhiều hơn. Nếu một người liên tục có thể vượt qua cuộc kiểm toán, chứng tỏ người đó đáng tin cậy và có đạo đức nghề nghiệp, vì vậy có thể trao cho họ nhiều quyền hơn.
Đối với anh ấy, đây là một chu kỳ tích cực, càng ủy quyền nhiều thì anh ấy càng nhàn nhã và công việc thì càng được hỗ trợ bởi các nhân viên ưu tú, đáng tin cậy. Nhưng đối với nhân viên, nếu họ muốn bước vào một chu kỳ tích cực thì vẫn còn thiếu một thứ, đó là sự khuyến khích. Nếu bạn không ưu đãi cho tôi thì dù tôi có quyền lực đến đâu, tôi cũng không thể làm tốt được.
Vị doanh nhân tôi kể đã nói: "Ủy quyền giải quyết vấn đề liệu nhân viên có thể tự chủ hay không, và các biện pháp khuyến khích giải quyết vấn đề liệu nhân viên có sẵn sàng độc lập hay không".
Làm thế nào để tạo động lực? Một trong những bài học của anh ấy là những phần thưởng bất ngờ.
Bất ngờ tới mức nào ư? Năm kia, khi công việc kinh doanh của công ty đang trên đà phát triển vượt bậc, tại cuộc họp thường niên, vị doanh nhân này đã tuyên bố rằng sẽ thưởng Tết cho mỗi nhân viên một chiếc xe tô tô.
Sau khi anh tuyên bố, tất cả im lặng suốt 15 giây, thậm chí không một tiếng vỗ tay, nhưng một lúc sau, tất cả mọi người đột nhiên phản ứng và đồng loạt nhao nhao: "Có thật không sếp?"
Và các nhân viên của công ty đã không buông lời thắc mắc nữa cho đến khi tất cả mọi người đều nhận được chìa khóa xe của riêng mình. Hình thức khen thưởng này sẽ khiến nhân viên hiểu rằng công ty sẽ không coi thường bất kỳ ai làm việc chăm chỉ, và nhân viên sẽ càng yêu quý công ty hơn.
Làm sao để người khác luôn mong chờ và trung thành đồng hành cùng bạn? Đừng nói quá, hành động là điều quan trọng nhất, làm người ấy bất ngờ. Bất ngờ là gì, người ấy nên nhận được bao nhiêu thì bạn cho bao nhiêu, đó không phải là bất ngờ, đó là hợp tình hợp lý.
Đương nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng ta đều không truy cầu sự bất ngờ, đâu phải ai cũng tham lam vậy đâu. Nhưng yêu cầu sếp đánh giá mình đúng năng lực và nhận về phần thưởng xứng đáng là điều hoàn toàn hợp lý.
Ảnh minh họa: Tổng hợp