LTS: Tuyến bài "Nhà sư viết sách chữa lành tâm hồn" sẽ kể về những tác giả đặc biệt. Họ khoác áo nâu sồng, học đạo Giải thoát của ức Phật nên có cái nhìn về cuộc sống một cách thiền vị, tỉnh thức. Những tác phẩm của họ có thể là “liều thuốc” giúp độc giả vượt qua chướng ngại, phiền não trong cuộc sống, công việc, tình yêu hay những khó khăn tự thân nhờ cảm nhận sâu sắc và cùng thực hành.
Đại đức Thích Đồng Tâm, hiện là giảng viên cơ hữu Khoa Pali và Phật học thuộc Học viện Phật giáo Quốc tế Sri Lanka, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học tại Sri Lanka, Phó ban Phật giáo quốc tế thuộc Ban Trị sự Phật giáo TP.Cần Thơ, giáo thọ sư Trường Cao đẳng Phật học TP.Cần Thơ.
Vài năm trước, thầy Đồng Tâm ra mắt sách Đủ duyên ta lại tương phùng và Sát-na này là thiên thu nhằm gây quỹ cho hoạt động thiện nguyện. Tháng 4 năm nay, hai cuốn này được chỉnh sửa, bổ sung và khoác một diện mạo hoàn toàn mới in kèm Tịch tịnh (NXB Dân Trí) - tác phẩm mới nhất của thầy, tạo ra một bộ ba cuốn sách tỉnh thức, với phong cách tự sự mà ở đó, chữ “duyên” được gửi gắm xuyên suốt.
Bộ ba cuốn sách mới ra mắt của thầy Đồng Tâm. |
Từ những suy nghiệm về cuộc sống…
Không phải là người xuất gia từ bé, trước khi chọn trở thành nhà tu hành, Đại đức Thích Đồng Tâm (thế danh Nguyễn Khắc Tín) đã tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Địa lý Kinh tế Xã hội - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) và tham gia công tác giảng dạy tại Khoa Địa lý 3 năm. Nói về việc “từ bỏ” học vị và công việc đáng mơ ước của nhiều người, nhà sư cười hiền lành bảo, đó là duyên.
Theo thầy, mỗi người trong đời đều có nhân duyên riêng, chính chữ duyên vận hành làm cho một người có những trải nghiệm khác nhau.
Tác giả Thích Đồng Tâm.
Sau khi xuất gia, thầy Thích Đồng Tâm tiếp tục dấn thân vào việc học. Hơn 10 năm miệt mài “trau kinh nấu sử”, thầy tốt nghiệp Cử nhân Phật học chuyên ngành Anh văn Phật pháp tại Học viện Phật giáo Việt Nam. Rồi tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học tại trường MCU Thái Lan và Thạc sĩ Phật học tại Đại học Phật giáo quốc tế Sri Lanka - SIBA Campus.
Chính những nền tảng kiến thức trong đạo, ngoài đời này đã giúp cho thầy có cái nhìn sáng tỏ hơn về cuộc sống, từ đó chắt lọc ngôn từ, chia sẻ với những người hữu duyên. Từ Facebook “Mây” của mình, thầy Đồng Tâm đã kết duyên thêm nhiều bạn trẻ vì họ đọc và cảm được, cũng thấy phần nào an lạc, nhẹ nhàng khi nhìn về những đổ vỡ, những vết thương tự thân.
Chia sẻ về nhân duyên viết lách, Đại đức nhắc đến cuốn sách đầu tiên - Thương một áng mây bay - tập hợp những bài viết khi thầy vừa mới bước chân vào chốn thiền môn, cách đây hơn 15 năm.
“Thật sự, bản thân tôi lúc ấy chỉ muốn ghi lại những suy nghĩ, tư duy của mình trên con đường học Đạo. Bạn bè, thầy cô, Phật tử khi đó đọc những chia sẻ của tôi trên mạng xã hội đã động viên nên tập hợp, in thành sách. May mắn, tác phẩm được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Và nhờ nhân duyên đó cho đến bây giờ là quyển thứ 5 - Tịch tịnh ra mắt”, tác giả Thích Đồng Tâm bày tỏ.
“Mỗi một tác phẩm mang dấu ấn riêng về sự trải nghiệm Pháp (cuộc sống) vận hành theo từng giai đoạn khác nhau của quá trình tu học và chiêm nghiệm của bản thân tôi”, thầy nói thêm.
Theo thầy Thích Đồng Tâm, mỗi tác phẩm ghi lại một chặng hành trình trải nghiệm tu học, chuyển hóa của bản thân, nó như một phần của cuộc đời thầy. Những quyển đầu có thể còn non nớt trong cách viết, tư duy nhưng lại trong trẻo hồn nhiên, mang tâm thế tươi mới và nhiệt huyết của tuổi trẻ trên con đường tu học và phụng sự. Dần cho đến các tác phẩm sau này với sự trải nghiệm nhiều hơn, cái thấy sâu hơn, có sự tự tại an nhiên trong cái thấy, trải nghiệm về cuộc sống.
“Khó mà nói tôi thích quyển nào nhiều hơn bởi để có sự trưởng thành, độ chín trong những tác phẩm được đón nhận nhiều như hiện tại không thể không có những bước đi chập chững đầu tiên. Tôi trân quý tất cả như một phần trên hành trình trải nghiệm của chính mình”, Đại đức Thích Đồng Tâm chia sẻ.
"Tôi trân quý tất cả các tác phẩm như một phần trên hành trình trải nghiệm của chính mình”.
Bán sách làm từ thiện
Gần hai mươi năm trước thầy là chủ nhiệm của câu lạc bộ từ thiện Miền yêu thương. Trước khi tái bản và ra mắt bộ 3 cuốn sách Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh, thầy Đồng Tâm viết sách, bán sách làm từ thiện.
“Tất cả lợi nhuận từ việc phát hành sách tôi dành cúng dường Tam bảo, tặng học bổng và các công tác thiện nguyện khác - như một cách tri ân Tam bảo, tri ân Thầy tổ, tri ân cuộc đời, tri ân độc giả”, thầy tiết lộ.
Theo thầy Đồng Tâm, những điều tốt đẹp nên được nhân lên và lan tỏa chứ không nên dừng lại tại nơi mỗi người.
Để viết một cuốn sách, nhất là sách mang nội dung tỉnh thức, chữa lành thì người viết cần rèn luyện, trau dồi đạo đức, lối sống. Tác giả khẳng định: “Đạo đức vẫn là cốt lõi của đời sống, dù bạn có tu tập theo hay không theo bất cứ một truyền thống tâm linh nào. Thứ mà con người có thể dành tặng cho nhau là sự tử tế, minh triết soi sáng cho mình và người khác”.
Đại đức Thích Đồng Tâm cho rằng, không chỉ là viết sách, trong bất cứ ngành nghề gì miễn là con người làm với sự chú tâm, tử tế và vị tha thì công việc đó chính là sự chữa lành, người làm và người thừa hưởng thành quả cũng được chữa lành.
“Vấn đề không phải là loại công việc mình làm mà chính là ở thái độ làm như thế nào. Hiện tại dù đang chà rửa nhà vệ sinh, quét rác, nấu ăn tôi vẫn tràn đầy hạnh phúc và an lạc giống như việc ngồi bên tách trà viết những câu văn về thực tại. Nó xuất phát từ thái độ chân chính (chánh kiến), chánh niệm, tỉnh giác trên tinh thần vô ngã, vị tha”, tác giả bày tỏ.
Đảm trách khá nhiều công việc, từ hành chính giáo hội đến giáo dục, thầy Thích Đồng Tâm cho biết đọc sách vẫn nằm trong thời gian biểu của bản thân: “Đọc sách như một sự khát khao tri thức và tích lũy kiến thức, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu khám phá cuộc đời”.
Đại đức Thích Đồng Tâm khẳng định, đó là một hành trình thú vị. Tuy nhiên, từ khi học và trải nghiệm lời Phật dạy thì Đại đức cho rằng đã, đang bắt đầu từng phút đọc quyển sách lớn nhất đời mình, đó là quyển sách thân - thọ - tâm - pháp nơi chính bản thân để hiểu rõ về mình và thực tại.
Tất nhiên, sách của các tác giả khác, sách kinh điển thầy cũng đọc, nghiên cứu khi có duyên hoặc cần tra cứu tìm hiểu thêm về lĩnh vực nào đó.
Tác giả khẳng định, đọc sách cũng như việc học - vô cùng cần thiết đối với sự trải nghiệm và khám phá thế giới. Còn viết là cách giao tiếp và bày tỏ với thế giới về sự tương giao của chính mình với thực tại. Song cần có chánh kiến, chánh tư duy, chánh niệm khi đọc và viết. Nếu lựa chọn sai (việc đọc) sẽ đưa đến tư duy sai và hành xử không đúng có thể gây tổn thất và nguy hại cho cá nhân.
“Truyền đạt tư tưởng của bản thân không đặt trên tinh thần từ bi - vô ngã - vị tha sẽ gây tổn thất và nguy hại cho người khác. Chánh niệm tỉnh giác vẫn là cốt lõi cho việc đọc và viết”, vị thầy từ tốn nói.
Tôi vẫn tiếp tục viết... Tôi viết theo cảm hứng tự nhiên, cần thì viết, không gượng ép, cố gắng hay tự đặt ra một quy tắc hay mong cầu nào hết. Mọi thứ nên làm một cách tự nhiên, thận trọng và chú tâm, cần thì làm, không thì nghỉ, có thể có sách mới tiếp tục ra hoặc không điều đó không còn quan trọng. Điều quan trọng bây giờ là sống trọn vẹn tỉnh giác trong sự tương giao giữa mình và Pháp.
Đại đức Thích Đồng Tâm