Khi chấp nhận một cái xấu to lớn, chẳng hạn chiến tranh, thì nghĩa là bạn đã mở cánh cửa đi vào một loạt những bất hạnh và thảm họa nhỏ. Bạn được dạy cho kiểu định kiến này, bạn đạt được nó, thừa hưởng nó thông qua truyền thống, di sản này được duy trì và kích động bởi khao khát bẩm sinh muốn được thống trị, muốn có uy quyền, vượt trội hơn người khác. Chính sự thôi thúc bẩm sinh này đã nuôi dưỡng và duy trì định kiến, nên việc nỗ lực tống khứ nó – cái bề ngoài, cái hệ quả – sẽ là vô ích chừng nào nó còn được nuôi dưỡng bởi một nguyên nhân sâu sắc và hùng mạnh hơn.
Khi hiểu được nguyên nhân sâu sắc và hùng mạnh hơn này, thì nguyên nhân có tầm quan trọng thứ yếu sẽ tự mờ nhạt dần. Nhờ nhấn mạnh vào nguyên nhân cơ bản, có tầm quan trọng hàng đầu, thì nguyên nhân thứ yếu sẽ mất đi trọng lượng và ý nghĩa của nó. Ngược lại, nếu bạn nhấn mạnh vào cái thứ yếu, không quan trọng, thì sẽ dẫn tới mọi kiểu hỗn loạn, đau khổ và không thể nào giải quyết được.
Nếu không có sự hiểu biết và do vậy không thể vượt qua khao khát thống trị, thể hiện uy quyền và vượt trội hơn người khác, thì sợ hãi, tàn nhẫn, đố kỵ và các trở ngại khác bắt đầu hiện hữu. Người ta có thể nhận ra sự thống trị, uy quyền,… áp đặt lên người khác tất yếu sẽ dẫn tới điều gì – nổi loạn, phản kháng, bạo quyền, và cuối cùng là chiến tranh.
Bạn không thể cải tạo người khác hay mang lại điều tốt lành cho họ chừng nào còn chưa sửa đổi được chính mình, chừng nào còn chưa hoàn thiện bản thân. Bạn là một bộ phận của xã hội, và để có thể ảnh hưởng tới cái toàn thể, bộ phận phải chuyển hóa chính mình. Để mang lại sự thay đổi cần thiết và có ích này, sự thống trị và khao khát uy quyền dưới nhiều hình thức – quốc tịch, chủng tộc thượng đẳng, sự cạnh tranh, tự bành trướng,… – phải được tìm hiểu và quan sát với lòng bao dung chân thành.
Bạn phải nhìn ra điều này ở bản thân mình trước nhất chứ không phải nơi người khác, bởi vì bạn không thể thay đổi người khác, mà chỉ có thể chuyển hóa chính mình.
Lược trích Thế giới trong bạn.