Sau khi Thần điêu hiệp lữ đến hồi kết, Kim Dung đã rất khéo léo sắp xếp tuyến nhân vật mới xuất hiện để chuẩn bị cho tác phẩm kiếm hiệp mới "ra đời". Những cao thủ được đề cập tới ở cuối Thần điêu hiệp lữ là Quách Tương và Trương Tam Phong.
Trong phần đầu của Ỷ Thiên Đồ Long ký, Quách Tương đã gặp lại Trương Tam Phong. Tuy nhiên, Kim Dung đã khiến nhiều người thất vọng khi ông chọn Trương Vô Kỵ làm nhân vật chính. Quách Tương và Trương Chân Nhân sau đó đã thành lập giáo phái của riêng mình.
Tuy nhiên, những người hâm mộ thế giới kiếm hiệp của Kim Dung đã bày tỏ băn khoăn của mình trên diễn đàn của trang Sohu và Sina về việc Quách Tương lập ra phái Nga Mi. Bởi trong mắt họ, nếu Trương Tam Phong là đại cao thủ hàng đầu thì Quách Tương chỉ xứng đáng là cao thủ hạng hai. Hãy cùng xét thực lực của 2 nhân vật này!
Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Trương Quân Bảo (Trương Tam Phong) gặp lại Quách Tương năm 16 tuổi. Trương Tam Phong từ nhỏ đã theo học võ ở chùa Thiếu Lâm do Giác Viễn đại sư chỉ dạy.
Vì một vài biến cố, Giác Viễn đại sư đã kiệt sức và viên tịch. Trước lúc mất ông đã đọc lại toàn bộ Cửu Dương Chân Kinh cho Quách Tương và Quân Bảo nghe. Quách Tương nghe xong nhớ khoảng ba phần, còn Quân Bảo do vốn đã biết một nửa Cửu Dương Chân Kinh nay lại biết thêm hai phần nữa do Giác Viễn đại sư nên sau đó đã biết được sáu, bảy phần của bộ kinh này.
Sau khi chôn Giác Viễn đại sư, Trương Tam Phong lên núi Võ Đang kiếm một cái hang luyện tập chăm chỉ Cửu Dương Chân Kinh mà Giác Viễn để lại, trong mười năm sau nội lực đã tiến bộ vượt bậc. Về sau lại học Đạo Tạng, tâm đắc phép luyện khí của Đạo gia. Trương Tam Phong có bước tiến cực lớn về võ thuật, không chỉ học được Cửu Dương Chân Kinh mà còn sáng tạo ra nhiều bí kíp thượng thừa như Thái Cực Công, Thuần Dương Vô Cực Công, Thiên Tằm Công, Cửu Tiêu Chân Kinh, Thê Vân Tung… Sau đó, ông đã lập ra phái Võ Đang. Quách Tương vì buồn tủi mối tình đơn phương với Dương Quá mà lập nên phái Nga Mi.
Về phần Quách Tương, nàng được truyền dạy võ công của từ rất nhiều các cao thủ hàng đầu trong giang hồ: Hoàng Dược Sư, Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Dương Quá và Tiểu Long Nữ, Nhất Đăng Đại Sư, Châu Bá Thông, Toàn Chân Giáo, Giang Nam Thất Quái,... Nàng cũng có cơ duyên học được một phần của Cửu Dương Chân Kinh từ Giác Viễn đại sư. Tuy nhiên, võ công của nàng cũng chỉ đạt tới trình độ của cao thủ hạng 2 bởi mỗi môn võ chỉ biết một chút, hoàn toàn không có tính hệ thống. Vậy vì sao, thực lực của Quách Tương không cao nhưng vẫn có thể thành lập môn phái của riêng mình?
Theo ý kiến của các độc giả, Quách Tương tuy võ công tầm thường nhưng nàng lại sớm ngộ ra chân lý của võ thuật. Sự hiểu biết của Quách Tương được đánh giá có nhiều điểm tương đồng với Độc Cô Cầu Bại – một cao thủ không có đối thủ của võ lâm.
Trên thực tế, Quách Tương vốn sinh ra trong một gia đình toàn các cao thủ võ thuật nên nàng có cơ hội tiếp xúc với những môn võ hàng đầu. Sự thấu hiểu về võ thuật của Quách Tương được thể hiện rõ qua màn đối đầu với Vô Sắc thiền sư ở chùa Thiếu Lâm.
Khi đó Vô Sắc thiền sư thách nàng qua 10 chiêu sẽ nói rõ lai lịch, thân thế của nàng. Quách Tương bèn liên tục xử 10 chiêu thuộc 10 môn phái khác nhau, khiến Vô Sắc thiền sư vô cùng ngạc nhiên, khâm phục và không làm sao đoán biết được cô gái này thuộc môn phái nào. Đặc biệt, trong khi tỷ thí với Vô Sắc thiền sư, Quách Tương vừa quá xinh đẹp mảnh mai, lại thân thủ phi phàm, võ công tuyệt mỹ, đã "trình diễn" những kiếm pháp không những cao siêu mà còn vô cùng uyển chuyển đẹp mắt - như Lạc Anh kiếm pháp do ông ngoại nàng là đảo chủ Đào Hoa Hoàng Dược Sư sáng tạo, hay Ngọc nữ kiếm pháp của môn phái Cổ Mộ - đều là dạng "nữ kiếm", đạt đến đỉnh cao của vẻ đẹp nghệ thuật. Cho nên Quách Tương khi ấy không chỉ là biết bắt chước người đi trước mà đây là sự hiểu biết của riêng nàng với từng môn võ.
Thậm chí khi Quách Tương sử dụng Đả Cẩu Bổng Pháp tỉ thí với Vô Sắc thiền sư, nàng đã khiến ông nhất thời không tìm được cách đối phó. Điều này chứng tỏ, những chiêu thức do Quách Tương đánh ra không chỉ mạnh mẽ mà còn có nhiều điểm khác biệt so với phiên bản gốc. Vì thế, một đại cao thủ như Vô Sắc thiền sư đã gặp khó khăn khi đấu với nàng.
Trình độ hiểu biết về võ thuật của Quách Tương có thể nói tương đương với Độc Cô Cầu Bại khi ngộ ra triết lý của kiếm thuật.
Khi chưa 20, Độc Cô Cầu Bại đã nổi tiếng ở khu vực phía Bắc với một thanh kiếm sắc bén. Chưa tới 30 tuổi, Độc Cô Cầu Bại chuyển sang sử dụng thanh Tử Vi nhuyễn kiếm (thanh kiếm mềm) đến Trung Nguyên tìm kiếm cao thủ tỉ thí. Trước tuổi 40, Độc Cô Cầu Bại đã đánh bại nhiều đại cao thủ chỉ với một thanh kiếm không cần lưỡi sắc, vì ông đã đạt tới cảnh giới không cần nhờ tới sự sắc bén của vũ khí hay chiêu thức để hạ gục đối thủ. Tới tuổi 40, Độc Cô Cầu Bại chỉ cần 1 cây gậy gỗ đã có thể sử dụng như kiếm. Như vậy, thời điểm này ông đã đạt tới đỉnh điểm của sự thấu hiểu về võ công. Có nghĩa là, đây là cảnh giới "không kiếm" khi một cao thủ không còn bị bó buộc với việc dùng kiếm hay không để địch lại đối thủ.
Quay trở lại với Quách Tương, nàng đã ngộ ra nguyên tắc này khi mới 18, 19 tuổi trong lúc sử dụng Đả Cẩu Bổng Pháp. Nếu những cao thủ từng học Đả Cẩu Bổng Pháp chỉ sử dụng gậy khi ra chiêu thì Quách Tương dù chỉ là học lỏm nhưng đã biết dùng kiếm chuyển chiêu khiến Vô Sắc thiền sư đã tung hoành võ lâm lâu năm không thể đoán được đây là môn võ gì.
Từ góc nhìn này, ta có thể thấy, sự giác ngộ với võ thuật của Quách Tương rất cao, do đó, việc nàng tuy thực lực chỉ là cao thủ hạng 2 nhưng có thể thành lập môn phái riêng là rất hợp lý.
*Bài viết tổng hợp dựa trên các ý kiến chia sẻ quan điểm về những tiểu thuyết kiếm hiệp từ trang tin Sina, Sohu.