Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 đã khép lại, nhưng nhiều nội dung trong đêm chung kết vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Nổi bật nhất là phần trình diễn áo dài, trong đó có bộ sưu tập Tinh hoa đờn ca Việt của nhà thiết kế La Sen Vũ được cho rằng sao chép ý tưởng từ bộ sưu tập Đờn ca tài tử của nhà thiết kế Huệ Thi là một trong những vấn đề được giới thiết kế thời trang và công chúng quan tâm theo dõi và tranh luận...
Nhà thiết kế (NKT) áo dài Minh Hạnh – người luôn tâm huyết cho việc bảo tồn gìn giữ và phát triển tà áo dài truyền thống Việt Nam đã dành riêng cho Một Thế Giới cuộc trao đổi về các nội dung nói trên.
- Chị có theo dõi phần trình diễn áo dài trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020 không? Có nhiều ý kiến cho rằng tổng thể phần trình diễn áo dài này trùng ý tưởng với các chương trình áo dài di sản mà chị làm trước đó ?
- Hôm ấy tôi không xem truyền hình trực tiếp, qua ngày hôm sau, tôi cũng nhận được khá nhiều ý kiến phản ánh về việc này. Theo tôi, những ý tưởng dựa trên di sản văn hóa dân tộc là rất đáng trân trọng và cần nhiều hơn nữa cho áo dài. Trong năm 2020 chúng tôi có hai cuộc biểu diễn áo dài, một tại Ký ức Hội An vào tháng 6 và một ở Văn Miếu – Quốc Tử giám Hà Nội hồi tháng 7. Với mục đích cùng đồng hành với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong chiến dịch đưa áo dài trở thành di sản văn hóa Việt Nam. Đây là một chiến dịch, vì thế tính chiến lược để áo dài được công nhận tại Việt Nam và thế giới được chúng tôi tính toán một cách chặt chẽ.
- Cũng trong phần trình diễn áo dài chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020, nhà thiết kế Huệ Thi ở Cần Thơ phát hiện bộ áo dài Tinh hoa đờn ca Việt của La Sen Vũ là lấy tưởng từ bộ áo dài Đờn ca tài tử của cô ấy?
- Theo tôi, việc trùng lặp ý tưởng là chuyện bình thường, nhất là những ý tưởng từ những di sản lớn của Việt Nam như áo dài. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhà thiết kế cần có cảm xúc sâu sắc, tư duy độc lập, và tìm kiếm những điều mới lạ hơn thì mới chứng minh được năng lực sáng tạo. Điều tối kỵ trong lãnh vực thiết kế là làm giống một ai đó, một thiết kế nào trước đó.
Việc sao chép mẫu trong thiết kế thời trang vẫn xảy ra thường xuyên kể cả các nước trên thế giới. Dĩ nhiên, giá trị của những thương hiệu hay giá trị của nhà thiết kế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Luật pháp chỉ bảo hộ thương hiệu nhưng sự tự trọng và đạo đức nghề nghiệp sẽ là cách bảo hộ bền vững cho sáng tạo của các nhà thiết kế hơn.
- Trả lời phỏng vấn trên Một Thế Giới, Huệ Thi nói rằng bộ áo dài Đờn ca tài tử chính là đề tài được chị giao cho cô ấy thiết kế. Thực hư việc này như thế nào? Vì sao chị chọn Huệ Thi để giao việc thiết kế mẫu áo dài lấy cảm hứng từ đờn ca tài tử Nam Bộ?
- Trong chiến dịch Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thì Huệ Thi là nhà thiết kế được chọn cho đề tài này. Thời điểm đó, tôi và phó chủ tịch đã đến Cần Thơ. Với cảm nhận của một người nhiều kinh nghiệm trong nghề thiết kế áo dài khiến tôi thực sự yên tâm khi gặp gỡ Huệ Thi lần đầu tiên.
Với tôi, đờn ca tài tử là một đề tài khó bởi tính hàn lâm mà lại rất dung dị giản đơn. Phải là một người sống, hiểu và yêu con người, yêu sông nước miền Nam một cách chân thật thì mới thể hiện được tính hào sảng của dân miền Tây sông nước.
- Quá trình thiết kế của Huệ Thi diễn ra như thế nào? Chị đã gợi ý hướng dẫn chỉnh sửa ra sao để có bộ sưu tập Đờn ca tài tử hoàn chỉnh?
- Huệ Thi lần đầu tiên tham gia một sự kiện lớn về áo dài mà lại một đề tài về di sản văn hóa phi vật thể là rất khó. Huệ Thi đề nghị sử dụng chất liệu của bản địa là Lụa Mạc nưa Tân Châu và khăn rằn là những dấu hiệu để nhận biết rõ nét. Tôi thực sự yên tâm và có cảnh báo rằng, đờn ca tài tử là rất bác học, sang trọng chứ đừng làm theo quan điểm của một số người thường cho rằng đờn ca tài tử hay cải lương thì phải sến.
- Đứng ở góc độ một nhà thiết kế chị cảm nhận như thế nào khi thấy bộ áo dài của La Sen Vũ đang bị nghi vấn là sao chép ý tưởng từ bộ áo dài Đờn ca tài tử của NTK Huệ Thi?
- La Sen Vũ đầu tư khá mạnh tay cho với bộ sưu tập này, tôi chỉ thấy đáng tiếc, nếu La Sen Vũ chọn một cách thể hiện khác thì hiệu quả sẽ tốt hơn.
- Với tư cách là một nhà thiết kế áo dài nổi tiếng, chị có lời khuyên gì cho những nhà thiết kế trẻ, đặc biệt là những người đang theo đuổi thiết kế áo dài.
Chạm đến áo dài là chạm đến truyền thống. Muốn thể hiện truyền thống thì nhà thiết kế cần có văn hóa nền vững chắc. Đừng biến chiếc áo dài trở thành một chiếc áo đầm xẻ hai tà rồi cho mặc một cái quần bên trong thì gọi là áo dài. Áo dài phải giữ được hồn cốt dân tộc mà vẫn phải tạo được hấp lực của thời đại. Không đủ văn hóa nền dễ biến áo dài thành thảm họa. Hãy đặt để áo dài ở vị trí thiêng liêng nhất trong tâm hồn, trong đời sống tinh thần của người Việt.
- Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!