Cổng vào Bảo tàng Áo dài Việt Nam
Trải qua bao nhiêu biến thiên của thời cuộc, trong trí nhớ của chúng tôi, hình ảnh giờ tan học trước một trường trung học nữ ở Sài Gòn vào những năm trước 1975 không sao quên được.
Chúng tôi đã từng đến trước cổng trường Gia Long (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), Trưng Vương, Lê Văn Duyệt (Võ Thị Sáu) vào cuối các buổi học để xem những tà áo dài trắng thướt tha chậm rãi trên chiếc xe đạp ra về. Tà áo dài của các nữ sinh đã phủ trắng những con đường xung quanh ...
Bây giờ, những tà áo dài ấy hầu như đã vắng bóng. Trên các đường phố, thỉnh thoảng có thiếu nữ mặc áo dài nhưng những chiếc áo dài đó đã được cách tân cách điệu.
Thật may, chúng tôi đã tìm gặp lại chiếc áo dài với một quá trình lịch sử tại bảo tàng trên đường Long Thuận (P. Long Phước, Q. 9, TP.HCM).
Bảo tàng Áo dài Việt Nam.
Bảo tàng áo dài có diện tích 2ha. Bước vào, một quang cảnh đẹp đến nao lòng đã làm chúng tôi chựng lại. Hình ảnh thanh bình của làng quê sông nước hiện ra trước mắt chúng tôi: Cũng sông nước, cũng con đò...
Từ những cụm dừa nước ven sông đến chiếc cầu khỉ đơn sơ mộc mạc đều có đủ trong không gian nhỏ bé này. Tại đây, chúng tôi còn tìm thấy cả hoa sen, những mái lá bên cạnh những ngôi nhà ngói cổ.
Làng quê phương nam với đủ sắc thái, đủ hương vị có thể trong chốc lát giúp chúng ta nhớ lại một thời đã qua để rồi sau đó, bước vào không gian chính, bảo tàng áo dài.
Từ rặng dừa nước ven sông...
...đến chiếc cầu khỉ đơn sơ mộc mạc.
Mái ngói cổ ven kênh.
Hoa sen trồng trong Bảo tàng Áo dài Việt Nam.
Trong căn nhà gỗ khá rộng được xây dựng theo kiến trúc cổ, câu chuyện về chiếc áo dài được giới thiệu thật chi tiết và đầy đủ qua từng giai đoạn.
Tuy nhiên, trước khi đi vào không gian của áo dài. Chúng tôi đứng thật lâu trước bàn máy may cũ kỹ được kê ngay gần cổng ra vào. Máy đã cũ, chỉ có bàn đạp và đầu máy. Bên cạnh là những xấp vải và bàn cắt cùng những dụng cụ cần thiết để người thợ may có thể tạo ra chiếc áo dài.
Hình ảnh một người thợ cẩn thận từ li vải, dùng thước kẻ vạch từng đường lên vải trước khi cắt và khi ngồi vào máy, từng chi tiết một được nâng niu đã làm cho chúng tôi bồi hồi...
Bàn máy may cũ.
Khách đến tham quan sẽ được giới thiệu câu chuyện về chiếc áo dài từ lúc khởi đầu bằng chiếc áo tứ thân khoảng năm 1645 đến áo dài năm thân ở thế kỷ 18 và tiếp đến thời vương triều nhà Nguyễn ở thế kỷ 19.
Tất cả được tái hiện bằng nhiệt tâm của những nghệ nhân nặng lòng với áo dài.
Áo dài tứ thân có từ thế kỷ 17.
Áo dài năm thân thế kỷ 18.
Áo dài thời nhà Nguyễn thế kỷ 19.
Rồi tiếp đến là những áo dài tân thời có từ năm 1934. Áo dài này do họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1912 - 1946) thiết kế.
Câu chuyện được kể lại, ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1933. Năm sau, báo Phong Hóa số xuân giao cho ông phụ trách tiết mục mới, tiết mục 'vẻ đẹp' để tặng cho phụ nữ thời bấy giờ. Việc cải tiến y phục phụ nữ VN của ông rất sâu xa, lạ lùng đã vang dội trên cả nước.
Sau đó, chiếc áo dài tiếp tục được cải tiến, áo dài cổ cao vào năm 1950. Tám năm sau - một cải tiến mới - áo dài cổ thuyền và tay Raglan. Tay Raglan đến nay vẫn còn được ưa chuộng.
Áo dài cồ thuyền va tay raglan năm 1950.
Năm 1968, phong trào Hippy với triết lý 'sống hết mình' du nhập vào Việt Nam. Chiếc áo dài Hyppy hay còn gọi áo dài mini lập tức xuất hiện để đáp ứng trào lưu. Đặc điểm của áo dài này là vạt áo hẹp và ngắn đến đầu gối. Thân áo rộng lươn theo dáng người. Cổ áo thấp. Áo không chiết eo. Đặc biệt, để mặc với áo dài này, các cô hay mặc với quần ống rất rộng hoặc có thể mặc với quần tây.
Viết đến đây, chúng tôi nhớ lại thời trai trẻ của mình, đã từng ngất ngây trước những chiếc áo dài như thế. Thậm chí, có lần chúng tôi ngồi thật lâu ở một góc đường ngắm những tà áo dài thật kiêu sa này mà trong lòng rộn rã.
Hôm nay, đứng trong lòng bảo tàng, xung quanh là những tà áo mang đậm dấu ấn của thời gian chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Chỉ có ở đây mới lưu lại được những chiếc áo dài của những phụ nữ nổi tiếng ở các lĩnh vực. Đó là áo dài của bà Nguyễn Thị Bình, phó chủ tịch nước, anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Thị Định, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, NSND Trà Giang, NSND Bạch Tuyết…
Được biết, bảo tàng áo dài trực thuộc nhóm chuyên đề của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM được hình thành từ ý tưởng của nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Bảo tàng chính thức hoạt động từ ngày 22/1/2014.
Áo dài Hippy năm 1968.
Áo dài của bà Nguyễn Thị Bình và Trương Mỹ Hoa.
Áo dài của cha con NSƯT Đặng Hùng và Linh Nga.
Toàn bộ phòng trưng bày áo dài.
Theo Trần Chánh Nghĩa/ Vietnamnet