Cảm nhận đời người trong lịch sử nhân loại chỉ là những đoạn ngắn, nhỏ. Con người đến rồi đi, trong hàng tỷ người của từng thế hệ có mấy người mà hai con số (năm sinh, năm mất) của mình được ghi lại trong sử sách. Danh nhân cũng là những người đã đến và đi, nhưng những gì họ để lại thì hoàn thiện hơn dân tộc họ và nhân loại nói chung ở nhiều phương diện của đời sống con người. Di sản của họ vì thế cả trăm, ngàn năm sau vẫn còn được nhắc đến và ghi ơn. Câu "hổ chết để da, người chết để tiếng" thật ra đúng với hổ hơn chứ hàng ngàn triệu người có bao nhiêu người để lại tiếng thơm cho hậu thế...
Khi đọc tiểu sử các danh nhân lịch sử Việt Nam luôn có những cảm xúc thú vị. Tuy nhiên cảm nhận rất khác với các danh nhân thế giới. Cảm thấy tiền nhân của mình rất gần, đôi khi như chỉ với vài tầm tay, vài thế hệ là gặp họ. Nếu tạm cho đời người là sự tiếp nối bằng những cái trăm năm thì lịch sử năm, sáu trăm năm cũng chỉ là năm bảy cánh tay nối dài: Lê Lợi rồi Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tôn... cũng chỉ mới đây thôi. Khi đọc lịch sử các chúa Nguyễn khai phá những vùng đất miền Trung và miền Nam càng dễ cảm nhận điều đó - họ rất gần, như mới đây, ta trò chuyện với họ được.
Hai con số dưới tên của các danh nhân Việt cũng là chi tiết ấn tượng. Ai không từng có cảm giác thán phục và ngạc nhiên tự hỏi, tại sao nhiều danh nhân, chỉ với quãng nhân gian vài mươi năm lại có thể để lại cho đời những di sản đồ sộ. Đó có thể là một nhà thơ như Hàn Mặc Tử (1912-1940), một danh tướng lừng lẫy như Quang Trung (1753-1792), hay một nhà cải cách với nhiều kiến nghị vượt thời gian, đầy nuối tiếc - Nguyễn Trường Tộ (1830-1871)... Nếu họ ở lại thêm vài năm thì lịch sử VN sẽ như thế nào...
Trước đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá
Cuộc đời danh nhân lịch sử dài hay ngắn vì thế cũng không có nhiều ý nghĩa như những gì họ để lại - những di sản đã làm cho lịch sử, văn hóa Việt giàu đẹp và đáng tự hào hơn. Hai con số dưới tên của họ đi vào sử sách để người dân một nước ghi nhớ. Trong khi chúng ta, những người dân thường, hai con số của mình sẽ ở trên bia mà nếu vài thế hệ sau con cháu còn có đứa nhớ cũng là may mắn lắm rồi. Đó là sự khác nhau giữa ta và những danh nhân lịch sử - những người được đất nước hay nhân loại ghi công.
Lịch sử là tiếp nối, những người đã mất là những gạch nối trước ta và những người chưa sinh ra là những gạch nối tiếp theo. Ta đến rồi cũng sẽ đi. Là thường dân thì đến và đi như những hạt bụi trên dòng thời gian. Danh nhân là những hạt kim cương lấp lánh. Một khi còn tồn tại trên cõi nhân sinh này thì không ai có thể ngăn ta chiêm ngưỡng và quý trọng những hạt kim cương mà tạo hóa đã ban tặng cho nhân loại và dân tộc mình. Đất nước càng có nhiều những nhà văn hóa, những trí thức, những chính trị gia lỗi lạc, những nhà lãnh đạo vì dân vì nước, những nhà khoa học đích thực... đã và đang trở thành những hạt kim cương cho hậu thế, thì đất nước càng giàu đẹp văn minh, trường tồn mạnh mẽ, người dân càng tự do và tự hào.
Ngược lại, khi đất nước mà hầu hết thành phần trên chỉ quan tâm đến vun vén tài sản vật chất cho đời sống hữu hạn của mình và gia đình mình mà không bận tâm gì đến những gì mình để lại thì đất nước sẽ phủ đầy bụi bặm và đứng sau lưng nhân loại. Tiếc nhất có lẽ là các chính trị gia, các quan chức lãnh đạo quốc gia, được lịch sử ban cho cơ hội để trở thành những hạt kim cương trên dòng lịch sử nhưng nếu vì quá bận tâm với quyền lực, với đời sống vật chất ngắn hạn, mụ mị với viễn kiến tương lai, thì rồi phút chốc cũng sẽ trở thành những hạt bụi trên dòng thời gian...
Lê Vĩnh Triển