Được sự tài trợ của Đại học Oklahoma và tạp chí văn học quốc tế World Literature Today, Giải văn học quốc tế Neustadt thành lập năm 1969. Ivar Ivask, chủ biên mục “Sách nước ngoài” đã sáng lập ra giải này với tên ban đầu là “Giải Neustadt cho sách nước ngoài”.
Đến năm 1976 thì giải đổi tên và duy trì tên gọi đó cho đến hôm nay. Kể từ mùa giải đầu tiên năm 1970, giải trao hai năm một lần cho một tác giả chứ không phải tác phẩm riêng lẻ, nhằm vinh danh sự đóng góp của tác giả đó cho nền văn học thế giới.
Không phải vì giá trị hiện kim của giải thưởng lên đến 50 ngàn USD mà chính vì uy tín thẩm định trong việc lựa chọn quán quân mà Giải văn học quốc tế Neustadt trở nên danh giá và được xem là đối trọng của giải Nobel. Chỉ trao cho tác giả viết hư cấu (thơ, văn xuôi, kịch) còn sống, Giải văn học quốc tế Neustadt còn được gọi “Nobel của Mỹ”, thậm chí được coi là vòng tuyển chọn đầu tiên cho giải Nobel.
Nguyên nhân của nhận định trên xuất phát từ việc rất nhiều nhà văn nhà thơ liên quan đến Giải văn học quốc tế Neustadt bao gồm người đoạt giải, ứng cử viên thậm chí là ban giảm khảo của giải thưởng đã đoạt giải Nobel Văn học, có thể kể ra đây những tên tuổi như Gabriel García Márquez tác giả Trăm năm cô đơn mười năm trước khi ông được trao giải Nobel (1982), hay nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer được Giải văn học quốc tế Neustadt gọi tên năm 1990 và phải mất hơn hai thập niên sau mới được những viện sĩ đồng hương vinh danh bằng giải Nobel (2011).
Nhà văn gốc Việt Hoa Nguyen.
Danh sách chung khảo của mùa giải năm 2020 bao gồm những tên tuổi: Emmanuel Carrère (Pháp) tác giả của The Adversary (tạm dịch: Kẻ thù); Jorie Graham (Mỹ) tác giả của Fast (Nhanh); Jessica Hagedorn (Mỹ) tác giả tiểu thuyết Dogeaters; Eduardo Halfón (Guatemala) tác giả của Mourning (Tang chế); nhà văn Ismail Kadare (Albania); Sahar Khalifeh người Palestine nổi tiếng với Wild Thorns (Những bụi gai dại); Abdellatif Laâbi (Morocco) tác giả của Beyond the Barbed Wire (Bên kia dây thép gai); Lee Maracle người Canada tác giả của Celia’s Song (Bài hát của Celia) và cuối cùng là Hoa Nguyen quốc tịch Mỹ. Trong đó Eduardo Halfón là tác giả trẻ nhất (47 tuổi).
Nhìn qua danh sách này có thể chú ý đến vài cái tên, chẳng hạn như nhà văn Ismail Kadare, ứng viên cao tuổi nhất mùa giải năm nay (83 tuổi) đồng thời là ứng viên nặng ký nhất và nhiều khả năng sẽ là quán quân Giải văn học quốc tế Neustadt 2020. Ở Việt Nam, ông được biết đến nhiều với tiểu thuyết Viên tướng của đạo quân chết. Kadare được coi là đại thụ của văn học Albania, trong nhiều năm liền là ứng viên tiềm năng của giải Nobel Văn chương và là người đầu tiên đoạt giải Man Booker Quốc tế (2005). Hay như nhà văn Pháp Emmanuel Carrère mà từ năm 1995, độc giả Việt Nam đã có dịp tiếp xúc với văn chương của ông qua tiểu thuyết Lớp học tuyết.
Và một niềm vui nho nhỏ cho độc giả Việt, khi tên Hoa Nguyen xuất hiện trong danh sách chung khảo năm nay. Hoa Nguyen cùng với nữ văn sĩ người Mỹ gốc Philippines - Jessica Hagedorn là hai tác giả gốc Á trong vòng chung khảo.
Sinh tại Vĩnh Long năm 1967, Hoa Nguyen có mẹ là người Việt và cha người Mỹ, người đã bỏ rơi mẹ con cô trước lúc cô ra đời. Nhà thơ lớn lên ở Washington DC (Mỹ) và học về thơ tại New College of California ở San Francisco, sau đó chuyển đến giảng dạy ở Đại học Ryerson ở Toronto (Canada). Thơ cô giàu cảm xúc, với những cung bậc yêu thương và giận dữ, dịch chuyển giữa hai thái cực hài hước và buồn bã. Tập thơ đáng chú ý của cô có thể kể đến Red Juice (tạm dịch Nước ép đỏ) là tuyển tập những bài thơ cô sáng tác trong vòng 10 năm (1998 - 2008).
Dù rất khó để Hoa Nguyen đoạt Giải văn học quốc tế Neustadt 2020, nhưng việc cô lọt vào danh sách chung khảo bên cạnh những tên tuổi lớn là niềm cổ võ cho những nhà văn gốc Việt trên khắp thế giới như Linda Lê hay Viet Thanh Nguyen.
Nữ Lâm/Người Đô Thị