Lần đầu nói chuyện với chàng trai khuyết tật Chánh Tín qua mạng, Trúc không ngờ người này sẽ là bến đỗ bình yên của mình.
Trong buổi gặp gỡ độc giả hôm 12/3 tại Hà Nội, Nguyễn Chánh Tín (quê Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cầm trên tay cuốn sách "Tôi chọn sống", tái bản lần thứ hai. Đầu bìa sách, tác giả viết: "Luôn có một ngày mai cho những ai bước tiếp".
Với Chánh Tín, "ngày mai" của anh được đúc kết sau hành trình 10 năm không đầu hàng số phận. Chàng trai 36 tuổi nói cơ thể tuy tật nguyền, nhưng không bao giờ cho phép ý nghĩ tật nguyền theo. Anh đã chọn sống, giữa lằn ranh sinh - tử, để không uổng một lần được sinh ra.
Năm 18 tuổi, Nguyễn Chánh Tín từ Bình Định vào Sài Gòn theo học ngành xây dựng tại trường Đại học Công nghệ TPHCM, với tâm thế quyết tâm thay đổi cuộc sống nghèo khó.
Để đỡ đần cha mẹ, Tín vừa lên giảng đường, vừa đi làm thêm đủ thứ việc từ bưng bê cho đến trực tổng đài. Anh bắt mối, rao bán điện thoại, máy tính xách tay qua mạng để tăng thu nhập, được bạn bè ví von như "cỗ máy kiếm tiền".
Đến năm hai Đại học, biết đam mê của mình không phải lĩnh vực xây dựng đang theo học mà là kinh doanh, Tín xin bảo lưu. Anh khởi nghiệp một doanh nghiệp nhỏ chuyên buôn bán thiết bị điện tử. Anh cũng đồng thời làm việc tại một công ty xây dựng, dần tạo được chỗ đứng và bước đầu gặt hái thành công.
"Tôi ước mơ mua một căn nhà ở TPHCM, ấp ủ nhiều dự định, mở rộng công ty", anh Tín hào hứng kể, miêu tả cuộc sống khi đó toàn màu hồng, chỉ cần một chút nữa thôi là chạm tay đến thành công.
Nhưng một biến cố xảy đến bất ngờ đã buộc anh phải tạm gác mọi thứ.
Một đêm mưa tháng 10/2010, sau khi lo xong công việc, Tín gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường về nhà. Anh ngã đập đầu xuống nắp hố ga, bị dập tủy sống cổ, liệt tứ chi, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
"Tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện, người thân tập trung xung quanh", anh nhớ lại.
Giây phút mở mắt, chàng trai bất động, không thể nói, hoang mang không biết chuyện gì đã xảy ra. Mọi thứ sụp đổ, anh nghĩ mới hôm qua còn khỏe mạnh, nay đã như một người thực vật.
Những ngày điều trị, nhiều lúc Tín không thể thở, phải dùng máy, bóp bóng, cảm giác như "chết hẳn đi". Anh nằm một chỗ, bị tắt tiếng, phải truyền thức ăn trực tiếp vào dạ dày. Chỉ còn đôi mắt của anh "giao tiếp" với xung quanh nhưng không ai "đáp lời".
Cú sốc lớn khiến Tín đau khổ tự hỏi: "Sống hay là chết đây?". Không ít lần, anh muốn buông xuôi, mặc kệ số phận. Nhưng nghĩ đến bố mẹ, anh dần chấp nhận, quyết tâm "phải sống bằng mọi giá".
Để trang trải chi phí điều trị bạc tỷ, Tín rút hết tiền đầu tư doanh nghiệp, lao vào tập phục hồi chức năng, được mẹ chăm sóc hoàn toàn. Bà Bích Thư, mẹ anh, nói chăm trẻ sơ sinh dễ hơn gấp 10 lần so với chăm người bệnh liệt tứ chi như anh. Hiểu được những nhọc nhằn và vất vả của bố mẹ, chàng trai Bình Định cố gắng vươn lên, đã có thể tự cầm thìa xúc cơm sau gần một năm. Anh cũng cử động được cánh tay, gõ trên bàn phím bằng những khớp ngón.
"Gia đình là điểm tựa lớn nhất trong giai đoạn khó khăn của cuộc đời", Tín trầm ngâm.
Rời Sài Gòn về quê, anh một lần nữa khởi nghiệp bằng cách chẳng giống ai: nằm trên giường bán hàng online. Từ kinh nghiệm kinh doanh và những đồng vốn ít ỏi còn lại, anh bắt đầu mua bán điện thoại cũ. Anh liên hệ đầu mối, nhờ họ bỏ hàng, rồi chuyển sang cho người bán lẻ. Thu nhập khá giúp anh giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Nhưng một đêm Tín sốt cao năm 2012, trộm vào nhà "khoắng" sạch điện thoại, laptop, ví tiền, tổng khoảng 50 triệu đồng. Anh thở dài: "Tay trắng lại trắng tay".
Năm 2014, anh nhập viện cấp cứu vì hoại tử do ngồi làm việc quá nhiều. Anh may mắn thoát khỏi "bàn tay tử thần", nhưng xuất viện không thể ngồi được nữa.
Không bỏ cuộc, anh tiếp tục vay mượn, mở tiệm tạp hóa "tự phục vụ", kinh doanh đặc sản quê hương. Khách đến mua tự lấy hàng, tự tính tiền bỏ vào hộp, rồi tự lấy lại tiền thừa. Để có lợi nhuận cao, Tín thường săn hàng giảm giá trên các sàn thương mại điện tử, bán ra theo giá thị trường.
Nằm một chỗ, nhưng anh đã có thể tự nuôi sống chính mình, dần trút bỏ mặc cảm người khuyết tật.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Nguyễn Chánh Tín còn tham gia nhiều buổi chia sẻ truyền cảm hứng sống cho những người khác. Trải qua 10 năm thăng trầm (2010-2020), nếm trải đủ cung bậc cảm xúc, chịu đựng mọi đau đớn, đứng dậy từ nỗi đau, vươn lên sống có ích,… tất cả là động lực để anh viết cuốn tự truyện "Tôi chọn sống".
"Thân xác bị giam cầm trong bốn bức tường suốt 10 năm, nhưng chưa bao giờ kìm hãm được tâm hồn, tinh thần của tôi", Tín khảng khái nói.
Ban đầu, những bài viết được lưu hành nội bộ, với mục tiêu "viết cho chính mình". Khi anh chia sẻ chúng lên mạng xã hội, bất ngờ nhận về nhiều phản hồi tích cực từ người dùng mạng. Anh mạnh dạn gửi bản thảo cho nhà xuất bản, được chấp thuận chỉnh sửa và cho ra mắt.
"Tôi nghĩ cuốn sách sẽ cần cho một ai đó ngoài kia", Tín suy tư. Họ có thể là những bệnh nhân khuyết tật giống anh hoặc là người bình thường mất phương hướng trong cuộc sống.
Sâu xa hơn, anh muốn gửi đến chính bản thân, rằng tự vươn lên, tự nỗ lực, sẽ sống bình thường như một người bình thường.
Chánh Tín viết sách bằng khớp ngón tay, kéo dài 8 tháng với 29 chương. Mỗi chương một câu chuyện riêng trong hành trình 10 năm đầu "trải nghiệm" cuộc sống của người khuyết tật. Để có đủ tư liệu, anh lục lại trí nhớ, hồi tưởng từng ký ức đau khổ dù đã muốn quên đi.
Đầu năm 2021, anh Tín ngồi xe lăn, lần đầu gặp gỡ độc giả trong buổi giới thiệu cuốn sách "Tôi chọn sống". Tại đây, anh nói "có những đêm thầm ước sáng mai tỉnh dậy sẽ có một đôi tay lành lặn. Nhưng một khi đã vượt qua nỗi đau, nhìn về phía trước, sẽ mở ra con đường riêng cho bản thân".
Trong 29 chương sách "Tôi chọn sống", anh Chánh Tín dành riêng một chương viết về người bạn đời của mình - Nguyễn Thủy Trúc, 33 tuổi, quê Bến Tre.
Trúc và Tín biết nhau vào năm 2018 khi cô đặt mua online một chiếc sạc dự phòng, giá 360.000 đồng, của chàng trai trên mạng.
Ban đầu, cô không biết anh là người khuyết tật. Vài ngày sau, Tín nhắn tin hỏi khách hàng về chất lượng sản phẩm. Dần dần cả hai mở lòng, chia sẻ câu chuyện riêng của bản thân, cảm thấy có sự đồng điệu.
Sợi dây gắn kết hình thành giữa hai người vốn chỉ coi nhau là bạn, cũng từ đó chuyển thành tình yêu lúc nào không hay.
Khi biết hoàn cảnh và biến cố của Tín, Trúc không thay đổi quyết định, mà càng thêm yêu thương và tôn trọng anh.
Có lần Tín hỏi: "Anh như vậy em có thương anh không?". Không cần suy nghĩ, Trúc đáp: "Em thương anh". Nhưng lúc này, Tín lại chùn bước. Mặc cảm là người khiếm khuyết, anh sợ làm khổ người con gái mình yêu. Sau cùng, anh quyết định nói lời chia tay.
"Tôi không muốn Trúc phải chăm sóc mình cả cuộc đời này", Tín nói. Lúc đó, Trúc đã khóc nhiều, tắt điện thoại, khóa hết cách thức liên lạc. Mấy ngày sau, anh tìm mọi cách nói chuyện với Trúc, thực sự nhận ra cô gái này yêu thương mình thật lòng. Anh thay đổi suy nghĩ, cứ tưởng chia tay là giúp Trúc hạnh phúc mà không biết cô ấy đã đau khổ biết nhường nào. Anh biết rằng "tình yêu không có ranh giới, cứ hạnh phúc với sự lựa chọn của cả hai".
(Yêu anh Tín, chị Trúc chấp nhận nghỉ việc, chăm sóc anh toàn thời gian).
Tháng 7/2020, Trúc đón bạn trai lên TPHCM, cùng nhau sống tự lập. Cũng từ đây, cô nghỉ việc, thay bà Thư chăm sóc Tín toàn thời gian. Còn anh tập trung viết sách, bán hàng online, tư vấn tâm lý và truyền cảm hứng sống cho mọi người.
"Anh là người điềm tĩnh, đôi lúc trẻ con và hài hước. Anh cho tôi cảm giác bình an mỗi khi bên cạnh", Trúc tâm sự. Còn Tín thừa nhận là "người may mắn nhất thế giới" mới gặp được cô gái tuyệt vời như Trúc.
Hàng ngày, Trúc chăm sóc, hỗ trợ người yêu tập luyện tại nhà trong vòng một tiếng, để tránh không bị cứng cơ, cứng khớp, không mất khả năng vận động. Thỉnh thoảng, cô đẩy xe đưa bạn trai ra ngoài thay đổi không khí, trải nghiệm nhịp sống vui tươi và khác biệt.
Thời gian đầu công khai yêu đương, mỗi khi ra đường, Trúc nhận về những ánh nhìn kỳ thị của người xung quanh. Song cô chấp nhận, nói luôn xem anh Tín là người bình thường. Điều thiệt thòi duy nhất của cô là không được người yêu chở đi chơi, không có những cuộc hẹn hò lãng mạn. Nhưng Trúc khẳng định phải đánh đổi điều gì đó để được đồng hành cùng Tín, nên không còn cảm giác thiệt thòi nữa.
Tín cho rằng nhiều người không tin chuyện tình của mình. Họ không tin một cô gái bình thường như Trúc lại yêu một chàng trai khuyết tật. Nhưng anh muốn gửi trao thông điệp, ai cũng có quyền lựa chọn tình yêu của mình, có quyền yêu và được yêu.
"Trúc đã hy sinh và đánh đổi mọi thứ để có được sự bình yên, tình yêu bền chặt mong muốn. Cô ấy là người mạnh mẽ và có trách nhiệm với tình yêu của mình", Tín tâm sự.
Còn Trúc không ngần ngại mà chia sẻ sự hài lòng với bạn trai giàu nghị lực, biết phấn đấu vươn lên, chiến thắng khó khăn và trầm cảm của mình.
Họ dự định sẽ tổ chức đám cưới trong thời gian tới, chứng minh một chuyện tình đẹp giữa hai người khác biệt vẻ ngoài, nhưng đồng điệu trong tâm hồn.
Anh Nguyễn Chánh Tín là một trong 10 Đại sứ văn hóa đọc của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 năm 2023.
Anh mong rằng với vai trò Đại sứ sẽ lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc đến mọi người, góp phần đưa văn hóa đọc đến nhiều tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ. Với anh, sách chính là nguồn tri thức giúp con người trưởng thành hơn, học hỏi được nhiều hơn trong các lĩnh vực đang công tác.
"Và hy vọng mỗi người sẽ là một Đại sứ văn hóa đọc góp phần đưa tri thức đến toàn dân, làm cho xã hội ngày càng văn minh hơn!", Chánh Tín nói.
Nội dung: Minh Nhân
Ảnh: Ngà Trịnh, NVCC
Video: Ngà Trịnh