Cách đây 80 năm, vào năm 1940, nhà văn quê ở Vĩnh Bảo (xưa thuộc Hải Dương, nay là Hải Phòng) Trần Tiêu xuất bản cuốn tiểu thuyết Con trâu của mình.
Con trâu trong tác phẩm của Trần Tiêu
Trong nhóm Tự lực văn đoàn, ngoài các nhà văn nổi danh như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Xuân Diệu, Thế Lữ, Tú Mỡ, Trần Tiêu ít nổi tiếng hơn, nhưng được đánh giá là tác giả viết về nông thôn xuất sắc.
Trần Tiêu là em ruột của nhà văn Hoàng Đạo (Trần Khánh Giư). Sau khi có bằng thành chung, Trần Tiêu dạy học tư và bước vào văn đàn như người anh. Ông có những tác phẩm được biết đến đầu tiên khi đã ngoài 35 tuổi.
Con trâu của Trần Tiêu là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn học Việt Nam lấy tiêu đề và có nhân vật con trâu. Bộ truyện này trước đó đã được in trên báo Ngày nay của Tự lực văn đoàn năm 1938.
Tiểu thuyết ra đời trong thời kỳ Mặt trận Bình dân nắm quyền ở Pháp và ảnh hưởng đến chính trị Đông Dương, mở màn cho khuynh hướng tả thực và xã hội trong văn học, với các ngòi bút khá tiêu biểu như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Lạp, Mạnh Phú Tư và Trân Tiêu.
Tiểu thuyết Con trâu lấy bối cảnh làng Cổ Am, quê hương của tác giả, là bức tranh mô tả chân thực về nông thôn Việt Nam đương thời.
Nhà văn Kim Lân, tác giả nhiều tập truyện ngắn xuất sắc về làng quê Bắc bộ đánh giá về Con trâu: “Tác giả này khai thác những nét bình dị, chân thật của nông thôn, không thi vị hóa, cũng không nặng về trần tục. Tôi rất thích tác phẩm Con trâu của Trần Tiêu. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Xoay quanh chuyện con trâu thực chất là chuyện con người”.
Tác giả bộ Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan, nhận xét: “Nếu muốn tìm những việc oái oăm, những cơ mưu lắt léo trong Con trâu người ta sẽ không bao giờ thấy cả. Ở tập truyện này chỉ diễn ra rặt những việc rất thường trong lũy tre xanh, những việc hàng ngày của dân quê Việt Nam”.
Nhân vật trong truyện, bác nông dân tên Chính có một mơ ước là tậu một con trâu cái, là "đầu cơ nghiệp", nhưng điều mong ước ấy đã suốt đời không thực hiện được.
Những miêu tả của Trần Tiêu về con trâu mơ ước của bác Chính rất sinh động và cũng đầy tình cảm: "Con trâu gập hai chân trước, một chân sau hơi ruỗi (duỗi) để lộ bộ vú hồng phơn phớt lông trắng. Nó không buồn để ý đến bác, tư lự như một nhà triết học, cặp mắt lờ đờ nhìn đâu đâu…".
Sau Con trâu, Trần Tiêu còn có nhiều tác phẩm cũng về đề tài đời sống ở nông thôn như tiểu thuyết Chồng con (1941), tập truyện vừa Sau lũy tre (1942), tập truyện ngắn Truyện quê (1942)… Ông qua đời năm 1955 tại Hà Nội, thọ 55 tuổi.
Tiểu thuyết Con trâu của Nguyễn Văn Bổng
Khác với Trần Tiêu, nhà văn quê Đại Lộc, Quảng Nam, Nguyễn Văn Bổng (1921-2001) ra mắt viết tiểu thuyết Con trâu vào năm 1952, trong hoàn cảnh đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Văn Bổng học tập và sau đó dạy học tại Huế. Ông đã cho xuất bản các truyện ngắn Say nửa chừng (1943), Dưới đáy sông Hương, Làm lại cuộc đời và Ba người bạn đều vào năm 1944, nhưng ít gây được tiếng vang. Con trâu mới là tác phẩm khởi đầu văn nghiệp khá hoàn hảo cho nhà văn.
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Văn Bổng làm Chi hội phó Chi Hội Văn nghệ Liên khu V và cũng là phóng viên mặt trận cho các tạp chí Tiên phong, báo Chiến thắng của Ủy ban kháng chiến Quảng Nam - Đà Nẵng.
Nhà văn từng kể: “Cái vốn để tôi có thể viết Con trâu là cái vốn tôi có được từ những ngày đầu lăn lộn trong kháng chiến, từ những ngày tôi mang cái túi bên người, đi khắp các chiến trường trong tỉnh để viết tin bài cho báo Chiến Thắng”.
Ông cũng thú nhận: “Hồi viết Con trâu, tôi chưa từng được cầm đến cán cuốc, tay cày. Tôi chưa phân biệt được ruộng lúa tẻ với ruộng lúa nếp... Những hiểu biết về nông thôn là do cách mạng và kháng chiến đem lại cho tôi”.
Cốt chuyện xảy ra tại một làng du kích nằm giữa vùng Pháp tạm chiếm, sát nách một làng tề có đồn giặc. Giặc liên tiếp mở các trận càn, bắt giết thanh niên, sát hại trâu bò. Chúng cho bọn tay sai tìm đủ cách dụ dỗ, cưỡng bức dân lập làng tề, bầu lý trưởng.
Trước áp lực của giặc, đội du kích bị tổn thất, quần chúng hoang mang, việc đồng áng bị đình đốn, xóm làng hoang vắng. Một số người tuy còn trụ vững nhưng không có trâu, phải nai lưng làm việc thay trâu.
Vấn đề “con trâu” được đặt ra, có trâu mới động viên được bà con về làng sinh sống. Bảo vệ trâu là bảo vệ sản xuất, phát triển phong trào du kích. Chuyện con trâu đưa đến tổ chức du kích, xây dựng làng kháng chiến. Con trâu đã trở thành một “chiến trường” giữa ta và địch.
Thông qua vấn đề có ý nghĩa sống còn này, tác giả ghi lại sự trưởng thành của phong trào kháng chiến chống Pháp ở một làng quê miền Trung.
Con trâu đã giúp Nguyễn Văn Bổng nhận giải thưởng Phạm Văn Đồng của Chi hội văn nghệ liên khu V (1952-1953), giải nhì Giải thưởng văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam (1954-1955). Các phần trích của tác phẩm đã giảng dạy trong trường phổ thông ở miền Bắc suốt nhiều năm.
Mùa len trâu của Sơn Nam
Nhà văn Sơn Nam (Phạm Minh Tày, 1926-2008) quê ở Rạch Giá, Kiên Giang, là tác giả lớn của văn học Nam Bộ hiện đại. Sau thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động công khai tại Sài Gòn và bắt đầu nổi danh với những tập truyện, khảo cứu về vùng đất Nam Bộ xưa.
Tập truyện Hương rừng Cà Mau của ông được nhà xuất bản Phù Sa phát hành lần đầu năm 1963, trong đó có truyện ngắn Mùa len trâu.
Đây là tuyển tập gồm 64 truyện ngắn viết về vùng đất Nam Bộ, gồm những mẩu chuyện về đời sống hàng ngày của người dân đã được Sơn Nam quan sát, góp nhặt lại thành một kho tàng quý giá.
Các truyện ngắn trong Hương rừng Cà Mau được chia theo hai chủ để chính, gồm: Bức tranh đời sống của cư dân Nam Bộ, mối quan hệ giữa người với người, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa; chủ đề về con người Nam Bộ trong quá trình chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt.
Chủ đề thứ hai có những truyện ngắn tiêu biểu như: Bắt sâu rừng U Minh Hạ, Cao khỉ U Minh, Cái tổ ong, Con sấu cuối cùng, Con heo khịt, Giấc mơ ngoài bãi tha ma, Hai con cá, Một cuộc bể dâu, Mùa len trâu, Sông Gành Hào, Tháng chạp chim về...
Nhà văn Sơn Nam từng giải thích, chữ "len" trong tiếng Khmer có nghĩa là đi tự do, "len trâu" có nghĩa là cho trâu đi tự do. Ở đây, nước lụt từ 1 m đến 4 m. Khi lụt, người và trâu đều không có chỗ ở nên phải đưa trâu đến những vùng đất cao để có cỏ cho chúng ăn. Đưa trâu đi thì phải lùa trâu.
“Ngày thường trời nắng, nuôi trâu trong chuồng, đến ngày trời mưa phải lùa trâu đi, vì vậy cho nên phải đem trâu đi chỗ khác”, Sơn Nam kể lại.
“Đưa trâu đến vùng Bảy Núi. Nhưng nó xa nhà mình đến 30-40 km, xa quá sao mà đưa đi. Vì vậy, mình phải đưa nó đi lòng vòng, ăn hết cỏ chỗ này, nước lên, thì đưa trâu sang chỗ khác. Có khi đến ba bốn tháng mới đưa trâu về. Trâu dẫn đi phải có người giữ”.
Mùa len trâu đã được đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh dựng thành phim, khởi quay tháng 9.2003 với kinh phí lên tới 1 triệu USD. Bộ phim ra đời đã nhận được sự đánh giá cao của khán giả với diễn xuất khá thành công của diễn viên Lê Thế Lữ, và những hình ảnh hùng vĩ, sống động về đàn trâu trong mùa nước lũ.
Khi bộ phim được quay, nhà văn Sơn Nam còn khỏe, ông rất thích thú khi chứng kiến: “Làm sao thằng cha này có tiền mướn ba bốn trăm con trâu để đóng phim, dân làm phim Sài Gòn ngán Nguyễn Võ Nghiêm Minh, tưởng cha này là tỷ phú Việt kiều Mỹ hay gì đó!”.
Với những hình ảnh độc đáo về đời sống nông thôn Nam Bộ Việt Nam, bộ phim đã được nhiều giải thưởng quốc tế tại Thụy Sĩ, Mỹ, Pháp, Brazil trong những năm đầu thiên niên kỷ 2000.