Nhiều năm qua, sân khấu kịch đối mặt với muôn vàn khó khăn vì lý do khách quan lẫn chủ quan. Dẫu vậy, vào những ngày Tết âm lịch sân khấu nào cũng bán được vé nên các ông bà bầu sân khấu đầu tư nhiều kịch mục mới. Mùa kịch tết năm 2021 cũng thế, dù có e dè dịch bệnh, các sân khấu chuẩn bị kỹ càng với nhiều thể loại hài hước, tình cảm chuẩn bị một bữa tiệc nghệ thuật nhiều hương vị cho khán giả, thì lệnh giãn cách xã tại TPHCM ban hành.
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, trong năm 2020, sân khấu kịch lãnh hậu quả nặng nề từ dịch cúm COVID-19. Trong suốt nhiều đợt dịch bệnh tái đi tái lại ấy, có thời điểm các sân khấu tại TP.HCM được yêu cầu đóng cửa, nhưng cũng có thời điểm được phép diễn nhưng các ông bà bầu cẩn trọng tự nguyện ngưng diễn luôn. Tính ra suốt năm 2020, các sân khấu chỉ diễn cầm chừng trong một thời gian ngắn, còn lại là án binh bất động. Điều này khiến cho nghệ sĩ hoạt động thuần ở lĩnh vực sân khấu gặp khó khăn. NSƯT Thành Lộc dù là tên tuổi lẫy lừng, nhưng anh đã từng chia sẻ rằng trong năm 2020, anh phải bán bớt đồ đạc trong nhà để chu toàn việc chi phí.
Càng gần đến năm 2021, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Thế là các ông bà bầu dù vẫn hồi hộp dõi theo tình hình thời sự nhưng vẫn yên tâm đầu tư cho mùa kịch tết âm lịch 2021 đầy hứa hẹn. Mỗi một đơn vị chuẩn bị tối thiểu là 2 vở mới. Thế rồi, còn khoảng một tuần nữa là khai diễn mùa kịch tết Tân Sửu, dịch cúm COVID-19 tái bùng phát tại TP.HCM. Sân khấu được lệnh đóng cửa, các ông bà bầu và nghệ sĩ từ khắp khởi hy vọng chuyển sang thất vọng.
Sau khi đã thông báo ngưng diễn trên website chính thức của sân khấu Hoàng Thái Thanh, bà bầu nghệ sĩ Ái Như chia sẻ một dòng tâm trạng trên facebook: “Mình thích được nghỉ ngơi dưỡng sức đúng lúc, vài ngày, chứ “hổng” ưa nghỉ dài hạn và không phải lúc…”.
Thật ra diễn kịch trên sân khấu thu nhập ít hơn việc tham gia gameshow truyền hình, quay sitcom, đóng phim và nhiều hoạt động khác. Tại sàn diễn này, mỗi suất chỉ phục vụ cho vài trăm khán giả nên việc lan tỏa tên tuổi và hình ảnh của nghệ sĩ cũng không rộng khắp bằng phim truyền hình nhiều tập, gameshow truyền hình, phim điện ảnh. Thế nhưng được diễn kịch trên sân khấu nhìn thấy cảm xúc của khán giả, mang lại sự thăng hoa kỳ diệu và đặc biệt cho người nghệ sĩ. Vì lẽ đó, trong lòng họ rất nôn nao được phục vụ trong mùa cao điểm của kịch, đó là mùa Tết.
Về phía các ông bà bầu sân khấu, hằng tháng họ phải trả tiền thuê sân khấu, đầu tư âm thanh, ánh sáng, và nhiều chi phí khác. Trong năm 2020 họ đã đóng cửa nhiều lần, các ông bà bầu đã cắn răng chịu lỗ. Vào mùa kịch tết 2021 họ đã đầu tư cho vở mới với tiền tác giả, đạo diễn, phục trang, cảnh trí. Hy vọng doanh thu sẻ bù đắp được khoản thất thu trong năm, vì vậy không được diễn, nghĩa là lổ chồng lổ, khó khăn chất chồng.
Nhiều người dõi theo đời sống kịch nghệ TP.HCM đã từng đặt ra câu hỏi: Các sân khấu gặp khó khăn suốt nhiều năm, vậy thì điều gì khiến các ông bà bầu chấp nhận móc tiền túi đầu tư để rồi chấp nhận mất tiền mà vẫn không than vãn? Câu trả lời không gì ngoài 2 chữ: Đam mê. Họ xem sân khấu là “thánh đường” thiêng liêng của mình. Xa sân khấu họ thấy buồn, thấy nhớ.
Có lẽ vì đã sống trong khó khăn quá lâu nên dối diện thêm chút thử thách vẫn không làm họ chùn bước. Vì vậy, tất cả nghệ sĩ đồng lòng với lệnh giãn cách xã hội, đóng cửa sân khấu vào thời điểm đẹp nhất trong năm.
Tất cả mọi người đều nhận thức rằng lệnh cấm diễn là cần thiết trong tình hình dịch bệnh đang quá phức tạp. Bảo vệ sinh mạng và sức khỏe con người, cộng đồng là quan trọng nhất, còn việc giải trí vẫn có thể linh hoạt sang thời điểm an toàn. Tất cả đều hy vọng tái ngộ khán giả vào thời điểm an toàn và hợp lý.