Thật ra nhân duyên không làm chúng ta đau khổ. Thứ làm chúng ta đau khổ chính là bản thân. Khi chúng ta thương một “người thương”, chúng ta thường khởi tâm mong cầu. Chúng ta muốn được đáp lại, muốn được vui mỗi ngày, muốn được sở hữu. Trái ngang thay, càng cố sức thương ta lại càng tuyệt vọng. Khi tuyệt vọng chúng ta sanh tâm trách móc mà không nhận ra rằng bản thân đang mang dây buộc mình.
Thương ai đó có sai không? Câu trả lời là không. Nhưng tình thương đó phải đến từ tâm lành sâu tận bên trong. Tâm lành đó không mong cầu, không soi xét, không sở hữu. Đôi lúc cảm giác sở hữu khiến chúng ta lạc lối. Chúng ta suy nghĩ quá nhiều và rồi đau khổ không nguôi. Điều bất như ý trong đời thì nhiều, chúng ta không thể quản thúc và càng không nên quản thúc. Ngày nào tâm chưa bình ắt lòng sanh khổ.
Chúng ta nghĩ đó là thương ư? Thực chất, chúng ta đang thương người trong tâm tưởng mình. Người thương được tạo nên từ sự mong cầu, suy nghĩ mỗi phút, mỗi giây. Người thương đó không có thật, càng không thể biến ước mơ của chúng ta trở thành sự thật. Vì thế trong lòng chúng ta sinh ra đau khổ tự thân.
“Đối diện và sống với thực tại, quả thực là việc làm không mấy đơn giản, không chút dễ dàng nếu không nói nó đòi hỏi một nền tảng định tâm vững chắc, một sự kiên trì bền bỉ theo đuổi phương pháp thực tập chân chính để phát triển phẩm chất nội tâm...”
Quả thực, hành trình để định tâm vững chắc không hề giản đơn. Nhưng khi đã bước trên con đường định tâm, sống với mỗi phút giây thực tại, chúng ta sẽ biết thương ai đó đúng cách. Tình thương đó bổ trợ cho nhân duyên, mở ra cõi an lạc trong mỗi người. Dẫu mai sau này có khép lại nhân duyên đột ngột, chúng ta vẫn mỉm cười chấp nhận và bước đi tiếp cuộc đời mình.
“Đủ duyên ta lại tương phùng” nằm trong bộ sách cùng tên của Đại Đức Thích Đồng Tâm ghi lại cuộc hành trình cảm xúc con người từ góc nhìn tu tập. Thông qua các giáo lý nhà Phật, chúng ta sẽ khám phá nhiều khía cạnh nhân duyên trong đời. Từ đó học cách biết chấp nhận cuộc sống hữu duyên, mang đến tâm bình an mỗi ngày.